Theo khảo sát ngày 12/5, vé máy bay 0 đồng hạng Eco của Vietjet Air xuất hiện ở chặng Hà Nội - Phú Quốc , vào các ngày 16, 22, 23, 24, 30/9. Loại vé này chỉ có vào các ngày cuối, đầu tuần. Trong khi đó, giá vé một chiều chưa bao gồm thuế, phí của Vietjet Air trong chặng này chỉ đạt mức tối đa 590.000 đồng. Đối với chiều về, giá vé trong cả tháng 9 ở mức gần 800.000 đồng.
Từ tháng 10 - 12, Vietjet Air tiếp tục tung 6 chuyến bay có vé 0 đồng ở chiều Hà Nội - Phú Quốc. Ở chiều Phú Quốc - Hà Nội, tháng 11, 12 lần lượt có 21, 22 chuyến bay có vé 0 đồng. Người dân địa phương cho biết đây là thời điểm thời tiết Phú Quốc thuận lợi với những bãi biển tĩnh lặng, phù hợp cho các chuyến du lịch dài ngày.
Trong 3 tháng cuối năm, Vietjet Air cũng mở bán nhiều có giá trong khoảng 0 - 90.000 đồng trên các chặng bay từ TP HCM - Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Huế. Vé giá rẻ cũng xuất hiện trên một số chặng, như đường bay vàng Hà Nội - TPHCM (giờ xấu - bay sáng sớm hoặc đêm) hay Hà Nội - Đà Lạt.
Từ tháng 9, vé máy của Vietnam Airlines cũng ghi nhận hạ nhiệt so với thời gian cao điểm hè. Chặng Hà Nội - Phú Quốc chỉ có giá khoảng 1 triệu đồng cho vé một chiều.
Giá vé máy bay tới các điểm du lịch được nhận định giảm sâu so với đợt cao điểm hè. Giai đoạn từ tháng 6 - 8, vé khứ hồi trong khung giờ thấp điểm chặng Hà Nội - Phú Quốc của Vietjet, Vietnam Airlines có mức thấp nhất lần lượt là 3 triệu đồng, 5 triệu đồng. Trong khi đó, ở kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, vé máy bay khứ hồi chặng này lên đến gần 9 triệu đồng.
Theo một chuyên gia phân tích thị trường, việc giá vé máy bay giảm mạnh từ tháng 9 không bất ngờ. Qua cao điểm du lịch hè từ tháng 5 đến tháng 8, học sinh sinh viên đi học, nhu cầu đi lại của nhiều người cũng hạn chế hơn. Từ tháng 9 đến trước Tết dương lịch là giai đoạn thấp điểm nhất trong năm của thị trường hàng không. Các hãng giảm giá để thu hút khách, tăng năng lực bán.
Thực tế, các hãng hàng không đều có kế hoạch mở bán vé trước cả năm, theo từng giai đoạn cao điểm, thấp điểm cụ thể. Dải giá vé được công khai ở các kênh bán, trên dải giá này có các mức vé từ thấp đến cao, có nhiều hạng vé, đáp ứng đa dạng nhu cầu lựa chọn của hành khách.
Kết quả kiểm tra giá vé máy được Cục Hàng không Việt Nam công bố mới đây cho thấy, trong giai đoạn từ ngày 1/1 - 30/4, mức giá vé hạng phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa của các hãng về cơ bản đều tăng so với năm 2023, đáng chú ý là các đường bay Hà Nội - TPHCM, Hà Nội - Đà Nẵng và TPHCM - Đà Nẵng.
Đặc biệt, giá vé trung bình của các hãng tại 3 chặng trên đều tăng lần lượt ở mức Vietnam Airlines (19,9%; 28,4% và 14,9%), VietJet Air (17,9%; 39,9% và 27%), Bamboo Airways (2,1%; 24,4% và 22,5%), Vietravel Airlines (10,2%; 17,7% và 18,6%).
Dù cơ cấu giá vé bán ra của các hãng vẫn ở phân khúc giá thấp và trung bình (từ 60% đến 70% số lượng vé bán ra), song có những đường bay ghi nhận gia tăng cao về tỷ lệ với các phân khúc giá trung bình và thấp.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tuy tuân thủ mức giá trong quy định, song trong việc thể hiện thông tin về giá vé trên website, các hãng chưa thể hiện đồng nhất và có nội dung khoản thu dễ gây hiểu lầm về cách gọi/đặt tên, dẫn đến hành khách không nắm rõ chi tiết về các khoản phải trả trong tổng giá vé phải thanh toán.
Nhà chức trách yêu cầu các hãng kịp thời đưa các thông tin về chương trình khuyến mãi, chính sách giảm giá vé của hãng trong các giai đoạn, nâng cao hiệu ứng truyền thông, lan tỏa thông tin để khách hàng có nhu cầu có thể tiếp cận, lựa chọn loại hình giá vé phù hợp với nhu cầu. Các hãng hàng không có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát hệ thống bán vé điện tử, hệ thống bán vé qua các kênh đại lý, phát hiện xử lý những hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé vi phạm quy định pháp luật và chính sách.