Báo cáo dữ liệu lạm phát tháng 7-2002 của Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI hàng năm tăng 8,5%, ít hơn 0,2 điểm % với mức tăng được dự báo là 8,5%. Như vậy, so với tháng trước, CPI\hàng năm của Mỹ đã giảm mạnh 0,6 điểm %, từ 9,1% xuống còn 8,5. Điều này cho thấy lạm phát tại nước này bắt đầu hạ nhiệt sau nhiều tháng liên tiếp tăng nóng.
Phản ứng thông tin trên, giới đầu tư tài chính mạnh tay bán "đồng bạc xanh" khiến USD giảm giá rất mạnh so với nhiều đồng tiền khác, tạo động lực cho giá vàng hôm nay có lúc vọt lên 1.805 USD/ounce.
Thế nhưng sau đó, nhiều người cho rằng bóng ma lạm phát cao còn kéo dài vì kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng. Biểu hiện rõ nhất trong tháng 7- 2022, nước này có thêm 528.000 việc làm mới, tỉ lệ thất nghiệp giảm từ 3,6% xuống còn 3,5%. Từ đó, thị trường suy đoán trong vài tháng tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng thêm lãi suất để kéo giảm lạm phát nhiều hơn nữa. Khi đó, đồng USD có thể tăng giá, tạo áp lực lên thị trường vàng.
Một diễn biến khác là do lạm phát tại Mỹ đi xuống, Trung Quốc ngừng tập trận quân sự xung quanh Đài Loan (Trung Quốc) đã thúc đẩy giới đầu tư đưa vốn vào cổ phiếu. Theo đó, thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu đồng loạt xanh sàn. Đặc biệt tại phố Wall, các chỉ số Dowjones tăng mạnh 535 điểm, S&P 500 tăng 85 điểm, Nasdaq tăng 360 điểm. Nghĩa là dòng tiền chảy vào kim loại quý bị hạn chế, tác động tiêu cực đến giá vàng hôm nay.
Trước đà tăng của giá cổ phiếu và những suy đoán về sức mạnh của đồng USD, có lẽ giới đầu cơ nghĩ việc nắm giữ vàng sẽ bất lợi. Thế nên khi giá vàng cán mức 1.805 USD/ounce, họ đã nhanh tay bán ra thu hồi vốn. Giá vàng hôm nay giảm sốc 15 USD/ounce xuống còn 1.790 USD/ounce lúc 6 giờ ngày 11-8.
Giá vàng hôm nay (11-8) tại Việt Nam sẽ được các doanh nghiệp công bố lúc 8 giờ 30 phút. Theo đó, giá vàng SJC có thể biến động theo xu hướng của giá vàng thế giới.
Trước đó, do sức mua trong nước yếu nên trong ngày 10-8, giá vàng SJC giảm 100.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày tại 67 triệu đồng/lượng.