Giá tăng, doanh nghiệp ngành gạo vẫn ngược chiều lợi nhuận

Admin

Quý I/2024, doanh nghiệp ngành gạo dù doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận vẫn bị bào mòn, thậm chí phải chịu cảnh lỗ liên tiếp, nợ tiền lúa nông dân.

Kết thúc quý I/2024, ngành gạo tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan bất chấp loạt khó khăn như biến đổi khí hậu, diện tích sản xuất thu hẹp, doanh thu của các doanh nghiệp ngành gạo dù tăng trưởng nhưng vẫn vấp phải loạt yếu tố bào mòn lợi nhuận.

Tăng trưởng bất chấp chi phí

Đứng đầu trong nhóm tăng trưởng, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) ghi nhận doanh thu thuần trong quý I/2024 đạt 3.462 tỷ đồng, tăng 37%. Biên độ tăng của giá vốn hàng bán chậm hơn tốc độ tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp của Tập đoàn PAN tăng 43% lên 622 tỷ đồng. 

Song, chi phí bán hàng tăng đột biến 63%, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 16%; lên lần lượt 286 tỷ đồng và 157 tỷ đồng. 

Khấu trừ các chi phí, Tập đoàn PAN báo lãi sau thuế 168 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2024, Tập đoàn PAN lên kế hoạch sản xuất kinh doanh với doanh thu thuần 14.780 tỷ đồng, lãi sau thuế 882 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 12% và 8% so với năm 2023. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, doanh nghiệp đã hoàn thành 23% kế hoạch doanh thu và 19% chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra

Tương tự, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam (Vinaseed; HoSE: SSC) cũng ghi nhận tình hình kinh doanh quý I/2024 với nhiều tín hiệu tăng trưởng bất chấp sự bào mòn của các khoản chi phí.

Cụ thể, doanh thu thuần của Vinaseed đạt 68,5 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Dù giá vốn hàng bán tăng nhưng chậm hơn biên độ tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp trong quý ghi nhận tăng 66% lên 20 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, các khoản chi phí trong quý của công ty đều phát sinh mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, chi phí bán hàng đạt 5,9 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 7,8 tỷ đồng; tăng lần lượt 28% và 95% so với quý I/2023. Sau khi trừ các chi phí, Vinaseed báo lãi 6,85 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng 38% so với cùng kỳ.

Như vậy, kết thúc quý I/2024, công ty đã hoàn thành 17% kế hoạch doanh thu và 13% chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra.

Từ thua lỗ đến… nợ tiền lúa nông dân

Trái ngược lại với chiều tăng trưởng tích cực trên, ông lớn ngành gạo - Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) tiếp tục chìm dài trong thua lỗ. Đồng thời, công ty cũng đang đối mặt với khoản nợ tiền lúa nông dân lớn.

Cụ thể, quý I/2024, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt 3.848 tỷ đồng, tăng tới 57% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu tăng trưởng chủ yếu đến từ ngành lương thực với mức tăng trưởng 96% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3.284 tỷ đồng.

Dù doanh thu tăng nhanh nhưng không bằng biên độ tăng của giá vốn hàng bán dẫn đến lợi nhuận gộp của công ty giảm gần 10% xuống còn 245 tỷ đồng. 

Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính của công ty tăng hơn 28% lên 188 tỷ đồng, phần lớn là chi phí lãi vay và khoản lỗ tỉ giá hối đoái.

Sau khi trừ các khoản chi phí, Lộc Trời lỗ hơn 96 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng so với số lỗ 81 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm trước.

Giải trình chênh lệch lợi nhuận, Lộc Trời cho biết, do tỉ trọng giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần năm nay cao hơn so với cùng kỳ (giá vốn tăng 65% trong khi doanh thu chỉ tăng 57%), cộng với chi phí lãi vay và khoản lỗ do tỷ giá tăng nhanh hơn mức tăng của các khoản doanh thu/thu nhập khác nên lãi ròng của doanh nghiệp đã giảm mạnh.

Mới đây, Lộc Trời đã thông tin chính thức về việc liên quan đến khoản nợ tiền mua lúa của hơn 900 nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang.

Cụ thể, vụ đông xuân 2023 - 2024, Lộc Trời đã thu mua lúa của bà con nông dân tỉnh An Giang với tổng giá trị gần 440 tỷ đồng. Tính đến ngày 9/5/2024, Lộc Trời đã thanh toán 280,4 tỷ đồng cho bà con nông dân và còn nợ 159,4 tỷ đồng.

Lộc Trời lý giải việc chậm trễ trong thanh toán là do gặp khó khăn trong việc thu xếp dòng tiền từ các khoản vay ngân hàng, trong khi các khách hàng quốc tế cũng chậm thanh toán. Để giải quyết vấn đề, công ty chấp nhận bán lúa với giá thấp để nhanh chóng có tiền trả nợ và đẩy nhanh tiến độ làm việc với các ngân hàng, đối tác nhằm giải ngân cho nông dân.

Chung cảnh kinh doanh sụt giảm, Công ty Cổ phần  Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Gạo Trung An; HNX: TAR) chứng kiến loạt chỉ số đi lùi trước thềm huỷ niêm yết.

Cụ thể, doanh thu thuần của công ty đạt 715 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các chi phí, Trung An báo lãi sau thuế 2,7 tỷ đồng, giảm mạnh 67% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành gạo nhiều triển vọng lớn

Trên thị trường, trong 4 tháng 2024, xuất khẩu gạo đã đạt 3,23 triệu tấn, tăng 11,7% với 2,08 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này nhờ giá xuất khẩu gạo bình quân từ đầu năm đạt 644 USD/tấn, tăng 22,2%.

Nhìn về triển vọng chung ngành lúa gạo, VCBS cho rằng, hiện tượng El Nino khiến mưa đến muộn và kết thúc sớm sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất nông sản ở nhiều quốc gia.

Việc chính phủ Ấn Độ tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm và áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% với các loại gạo khác (trừ gạo basmati), giá gạo xuất khẩu tăng đã khiến gạo Ấn Độ kém cạnh tranh hơn các loại gạo khác.

Bên cạnh đó, lo ngại thời tiết El Nino khô hạn, khiến các nhà nhập khẩu tích cực mua vào để dự trữ trong khi nguồn cung từ một số nước xuất khẩu lớn, trong đó có Việt Nam, đang dần cạn kiệt, cũng là nguyên nhân khiến giá gạo leo thang.

Theo đó, VCBS đánh giá cao khả năng năm tới Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ xu hướng giá gạo tăng do nguồn cung thu hẹp và sự dịch chuyển nguồn cầu từ Ấn Độ sang.