Giá gạo Việt Nam cao nhất thế giới, liên tục đột phá thị trường mới

Admin

Với sự chùng xuống của gạo Thái Lan, gạo Việt Nam đang có nhiều lợi thế để vươn lên vị trí xuất khẩu gạo thứ hai thế giới trong năm nay. Hiện, gạo Việt Nam có giá bán áp đảo gạo Thái Lan, Ấn Độ... và dự báo giá gạo Việt trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục tăng.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Pakistan đang có nhiều phiên giảm sâu. Trong tuần này, giá gạo của những nước này đã tụt xuống khỏi ngưỡng 400 USD/tấn đối với cả 3 loại gạo 5%, 25% và 100% tấm. Trong khi đó, giá gạo của Việt Nam ổn định và đang ở mức cao nhất trong nhóm các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới hiện nay.

Cụ thể, ngày 26/7, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang giao dịch ở mức 413 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan 13 USD/tấn, hơn gạo Ấn Độ 70 USD/tấn. Còn với gạo 25% tấm, gạo của Việt Nam ở mức 393 USD/tấn.

Theo Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức 3,5 triệu tấn (tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước), đạt khoảng 1,72 tỷ USD. Trong đó, Philippines tiếp tục là thị trường dẫn đầu, chiếm 49,89% tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước.

Đặc biệt, thời gian qua, gạo Việt liên tục mở rộng sang các thị trường mới, cao cấp như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc. Vào đầu tháng 7, lần đầu tiên 100 tấn gạo ST25 Việt Nam được quảng bá, bày bán chính thức tại các siêu thị, cửa hàng tại thị trường Nhật Bản, đánh dấu mốc quan trọng khi gạo Việt Nam chính thức xuất hiện trên bàn ăn của các gia đình Nhật.

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch VFA cho rằng, do ảnh hưởng xung đột giữa Nga-Ukraine nên thị trường lương thực thế giới đang biến động mạnh. Nguồn cung lương thực khan hiếm, tạo điều kiện cho gạo Việt xuất khẩu.

Theo ông Nam, nhu cầu thị trường gạo Việt trong 6 tháng cuối năm vẫn rất tốt. giá xuất khẩu sẽ tiếp tục giữ vững ở mức cao, thậm chí có thể còn tăng. Tuy vậy, theo ông Nam doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn cần theo dõi thông tin biến động của thị trường tại Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… để có chiến lược phù hợp. Ngoài ra, tại một số thị trường khác thuộc Liên minh châu Âu, dù hiện nay lượng gạo xuất khẩu chưa nhiều nhưng lại có yêu cầu rất cao về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và doanh nghiệp cần lưu ý để tránh ảnh hưởng tới uy tín chung của gạo Việt tại những quốc gia này.