Giá dầu giảm hơn 5%, mức giảm mạnh nhất trong khoảng một tháng gần đây, trong bối cảnh quan ngại triển vọng nhu cầu dầu mỏ gia tăng khi các ngân hàng trung ương toàn cầu tỏ rõ quyết tâm tăng lãi suất nhằm kéo giảm lạm phát.
Giá dầu Brent tương lai giảm 5,78 USD, tương đương 5,5%, xuống 99,31 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng giảm 5,5%, tương đương 5,37 USD, trong phiên giao dịch ngày hôm qua, xuống 91,64 USD/thùng.
Giá dầu giảm mạnh nhất trong khoảng một tháng gần đây. Ảnh: Reuters.
Với việc lạm phát tiệm cận ngưỡng hai chữ số tại nhiều nền kinh tế lớn, ngân hàng trung ương các quốc gia này đang nghiêng về phương án tăng mạnh lãi suất, qua đó có thể kéo giảm tăng trưởng và nhu cầu nhiên liệu.
Theo Madis Muller, Thống đốc Ngân hàng trung ương Estonia Madis Muller, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cần thảo luận phương án tăng lãi suất 0,75% trong kỳ họp tới.
Đồng USD tiếp tục tăng giá trước khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất trong kỳ họp tháng 9. Điều này khiến cho dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với khách hàng sử dụng đồng tiền khác.
Giá dầu giảm sau khi phía Iraq cho biết hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia này không bị ảnh hưởng bởi xung đột, theo SOMO, cơ quan chịu trách nhiệm quảng bá các sản phẩm dầu mỏ của quốc gia Trung Đông này.
Áp lực giảm giá dầu còn tới từ Nga sau khi Gazprom công bố kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng dầu tại mỏ Zhagrin, phía Tây Siberia, lên ngưỡng hơn 110.000 thùng/ngày.
Nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp sắp tới của OPEC+ trong tháng 9 để biết rõ liệu tổ chức này có cắt giảm sản lượng như phát biểu của Arab Saudi vào tuần trước hay không.
Với việc phần lớn thành viên đang hoạt động gần hết công suất, trong khi đó, kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại, khả năng cắt giảm sản lượng hoàn toàn có thể xảy ra, theo Matt Weller tới từ FOREX.com.
Theo Viện xăng, dầu Mỹ, dự trữ dầu thô tăng khoảng 593.000 thùng trong tuần kết thúc vào này 26/8. Báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng sẽ được công bố trong ngày hôm nay.