Giá cà liên tục "leo thang"
Giá cà phê, ca cao tiếp tục ghi nhận lực mua tích cực, và là động lực tăng chính của nhóm nguyên liệu công nghiệp trong suốt giai đoạn vừa qua. Đóng cửa hôm qua 15/4, Giá ca cao tăng thêm 0,8%, thiết lập mức đỉnh mới lịch sử tại 10.559 USD/tấn. Tính từ đầu vụ 23/24 (tháng 10/2023) đến ngày 7/4/2024, lượng ca cao cập cảng tại Bờ Biển Ngà chỉ ở mức 1,3 triệu tấn, giảm mạnh 27,4% so với cùng kỳ vụ trước. Bờ Biển Ngà và Ghana, 2 quốc gia cung ứng chủ yếu ca cao toàn cầu, đang trải qua một trong những vụ ca cao tồi tệ nhất trong lịch sử. Trader Ecom dự đoán, sản lượng ca cao vụ hiện tại của Bờ Biển Ngà giảm 21,5% so với vụ trước, về mức thấp nhất trong 8 năm. Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy, tính từ đầu vụ 23/24 (tháng 10/2023) đến ngày 7/4/2024, lượng ca cao cập cảng tại Bờ Biển Ngà chỉ ở mức 1,3 triệu tấn, giảm mạnh 27,4% so với cùng kỳ vụ trước.
Theo VOV, trong diễn biến đáng chú ý khác, trên thị trường cà phê, giá Arabica nối dài đà tăng sang ngày thứ 5 liên tiếp, sau khi tăng 2,9% lên trên 5.000 USD/tấn, cao nhất trong vòng 31 tháng. Đồng thời, cà phê Robusta ghi nhận chuỗi tăng 4%, kết thúc hôm qua (15/4) với mức tăng 2,5% lên 3.949 USD/tấn; thậm chí giá Robusta đã có thời điểm vượt 4.000 USD/tấn, đạt mức cao nhất từng ghi nhận trong lịch sử.
Đáng chú ý hiện tượng thời tiết La Nina dự kiến sẽ quay lại từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay, gây lo ngại về sương giá làm hoãn hoạt động thu hoạch cà phê vụ 2024-2025 tại Brazil, thậm chí khiến cây cà phê non chết lạnh. Điều này khiến triển vọng nguồn cung tại quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới tiêu cực hơn, bất chấp các số liệu sản lượng và xuất khẩu đều cho thấy tín hiệu gia tăng.
Về sản lượng cà phê năm 2024 của Brazil ước đạt 60,2 triệu bao, tăng 1,4% so với dự báo trước và 5,6% so với năm 2023, theo Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE).Ngoài ra, trong tháng 3, Brazil xuất đi 4,29 triệu bao cà phê, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm trước, theo Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE). Tính đến 9/4, Brazil đã bán 89% sản lượng cà phê vụ 2023-2024, cao hơn 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ vụ trước và 1 điểm phần trăm so với mức trung bình 5 năm.
Trong khi đó, tại Việt Nam, sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025 dự kiến tiếp tục giảm so với vụ hiện tại nếu tính trạng khô nắng vẫn tiếp diễn. Triển vọng nguồn cung vụ mới tiêu cực càng thúc đẩy nông dân găm cà phê hiện có, khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường trở nên trầm trọng hơn. Hơn nữa, nông dân Indonesia có thể hoãn thu hoạch cà phê đến cuối tháng 5 hoặc tháng 6, thay vì tháng 4 như hàng năm; càng khiến nguồn cung hiện tại thu hẹp, từ đó thúc đẩy giá Robusta tăng mạnh.
Trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ liên tục tăng phi mã. Giá cà phê hôm nay 16/4 trong khoảng 111.700 - 112.600 đồng/kg. Arabica lên cao nhất 18 tháng qua khi các quỹ đầu cơ chọn cà phê hay cho ca cao. Trong khi đó lo ngại hạn hán làm sụt giảm sản lượng tại Việt Nam tiếp tục đẩy Robusta lên kỷ lục mới.
Cụ thể, tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 111.700 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 112.400 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 112.300 đồng/kg. Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 112.600 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 112.500 đồng/kg ở Đắk R'lấp. Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 112.200 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 112.100 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 112.100 đồng/kg.
Lo ngại hạn hán làm sụt giảm sản lượng tại Việt Nam tiếp tục đẩy Robusta lên kỷ lục mới
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên Công Thương, chuyên gia thị trường hàng hóa Nguyễn Quang Bình nhận định, Arabica lên cao nhất 18 tháng qua khi các quỹ đầu cơ chọn cà phê hay cho ca cao. Trong khi đó lo ngại hạn hán làm sụt giảm sản lượng tại Việt Nam tiếp tục đẩy Robusta lên kỷ lục mới.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) nhận định, doanh nghiệp đang giao dịch ở mức 105.000 - 110.000 đồng/kg. Nếu giá cà phê tăng lên 120.000 đồng/kg cũng là bình thường do nhu cầu thế giới cao trong khi nguồn cung từ Việt Nam đang cạn dần.
Từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1 triệu tấn cà phê, sản lượng tồn kho ước chỉ còn khoảng 300.000 tấn. Như vậy, khả năng chỉ 2 tháng nữa Việt Nam cũng không còn nguồn cung.
Giá cà phê xuất khẩu đang tăng nhanh hơn bao giờ hết, từ giai đoạn cuối năm ngoái đến nay, mỗi đợt tăng giá chỉ cách nhau trong khoảng thời gian ngắn nhưng mức tăng trung bình từ hàng chục đến vài chục USD/tấn. Xen kẽ giữa những đợt tăng vẫn có phiên giảm nhưng mức giảm không nhiều và thường không kéo dài.
Nguyên nhân tăng vẫn được các chuyên gia, doanh nghiệp nhận định bắt nguồn từ tình hình El Nino diễn biến phức tạp, làm gia tăng nắng nóng và hạn hán tại các vùng trồng lớn như Brazil, Việt Nam… dẫn đến nguy cơ suy giảm, khan hiếm nguồn cung nghiêm trọng.
Giá cà phê xuất khẩu cao kỷ lục cũng đã kéo giá thu mua cà phê thô trong nước tăng cao lên mức chưa từng có. Trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ liên tục tăng phi mã. Tính đến ngày 14/4, giá thu mua cà phê trong nước đã vượt 110.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 110.500 – 111.400 đồng/kg, tăng gấp hơn 1,6 lần so với đầu năm nay và tăng hơn 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá bán tại vườn cập nhật trong sáng 15/4 đang dao động ở mức 110.000 - 111.400 đồng. Tính chung trong tuần qua, giá cà phê trong nước đã tăng tới gần 8.000 đồng/kg và nếu so với cuối tháng 3/2024, hiện giá cà phê đã tăng gần 13.000 đồng/kg.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cũng dự báo, nguồn hàng đã cạn dần, tồn kho của doanh nghiệp và nông dân không nhiều, nên lượng xuất khẩu từ nay đến cuối vụ (tháng 9/2024) sẽ giảm.
Theo dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê của nước ta đã có dấu hiệu giảm từ tháng 3/2024 khi sản lượng xuất đi chỉ khoảng 185.281 tấn, đạt kim ngạch khoảng 680,86 triệu USD, giảm 11,9% về lượng dù tăng 41,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Tổ chức Cà phê Quốc tế, Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về thị phần xuất khẩu cà phê (giai đoạn tháng 2/2021 - 1/2022), chỉ xếp sau Brazil. Việt Nam đứng đầu về năng suất trồng cà phê khi đạt 2,4 tấn/ha. Trong đó, nguồn cà phê Đắk Lắk chiếm trên 30% sản lượng, với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý "cà phê Buôn Ma Thuột" nổi tiếng, đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Mục tiêu từ nay đến năm 2025 cả nước sẽ trồng tái canh 75.000 ha, ghép cải tạo 32.000 ha cà phê, trong đó cà phê Arabica chiếm khoảng 20% tổng diện tích. Ngoài ra, hầu hết diện tích cà phê tái canh được trồng bằng giống mới, cho năng suất cao và chất lượng vượt trội.
Dự báo năm 2024, xuất khẩu cà phê có thể đạt đến 5 tỷ USD nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ, trong đó có sự bứt phá về giá. Cùng với nhu cầu thế giới tăng cao, một số sản phẩm cà phê nhân được sử dụng rang xay làm hòa tan trong nước, nên nhu cầu nội địa cũng tăng. Việt Nam hiện là nước sản xuất và cung cấp cà phê Robusta đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng chiến lược xuất khẩu để tận dụng tối đa những lợi thế hiện có.
Trúc Chi (t/h)