Giá cà phê lấy lại mốc 100.000 đồng/kg: Nông dân phấn khởi

Admin

Xu hướng tăng đã quay trở lại với thị trường cà phê thế giới. Tại thị trường trong nước, giá cà phê lấy lại mốc 100.000 đồng/kg

Giá cà phê lấy lại mốc 100.000 đồng/kg

Giá cà phê hôm nay (10/5) đang dao động ở mức 99.500 - 100.000 đồng/kg. Cụ thể, tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 99.000 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê ở mức 100.000 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua ở mức 99.900 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 100.000 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 99.900 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở Chư Prông đạt mức 99.500 đồng/kg, ở Pleiku và La Grai cùng giá 99.400 đồng/kg.

Còn giá cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 99.500 đồng/kg.

Thị trường cà phê trong nước tiếp tục hồi phục so với cùng thời điểm hôm qua. Giá cà phê nội địa có ngày tăng thứ hai liên tiếp theo đà của sàn London. Thị trường ổn định hơn sau cơn bán hoảng loạn thời gian qua.

Thông tin trên báo Quân Đội Nhân Dân về thị trường trên thế giới, 2 sàn London và New York ngày 10-5 tiếp tục đà tăng. Trong đó, giá Robusta trên sàn London giao tháng 7-2024 tăng thêm 25USD; lên mốc 3.439 USD/tấn. Và kỳ hạn giao tháng 9-2024 tăng nhẹ 26USD; ở ngưỡng 3.364 USD/tấn.

Còn trên sàn New York, giá Arabica giao tháng 7/2024 tăng tới 3,9 cent; lên mức 201,45 cent/lb. Và kỳ hạn giao tháng 9/2024 tăng thêm 3,75 cent; ở ngưỡng 200 cent/lb.

Tiêu dùng & Dư luận - Giá cà phê lấy lại mốc 100.000 đồng/kg: Nông dân phấn khởi

Giá nông sản tăng, nông dân hưởng lợi. Ảnh minh họa.

Thời gian qua, cây cà phê và hồ tiêu là thu nhập chính của đại đa số nông dân Đắk Lắk. Giá cà phê và hồ tiêu tăng, nông dân hưởng lợi và "mặn mà" chăm sóc hơn sau nhiều năm giá hai loại nông sản này xuống thấp. Đây cũng là tín hiệu vui cho ngành nông nghiệp và các địa phương bởi tỉnh, góp phần đưa nông nghiệp khởi sắc và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Dự báo xuất khẩu cà phê có thể chinh phục mốc 5 tỷ USD

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 4 đạt gần 81.000 tấn, giảm gần 4% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch đạt gần 306 triệu USD, tăng mạnh 54,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá cà phê xuất khẩu trung bình trong nửa đầu tháng 4 đạt 3.791 USD/tấn, tăng 6,6% so với cùng kỳ.

Theo số liệu trên báo Công Thương tính từ đầu năm đến ngày 15/4, xuất khẩu cà phê đạt 666.500 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch đạt hơn 2,23 tỉ USD, tăng 56,4%. Giá cà phê xuất khẩu trung bình đạt 3.351 USD/tấn, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam bắt đầu đà tăng mạnh kể từ tháng 10 năm ngoái trong bối cảnh nguồn cung trong nước khan hiếm do ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi. Trước đà tăng trưởng trên, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), dự báo chúng ta đang chứng kiến cục diện lớn hơn của ngành cà phê Việt Nam. Cách đây 10 năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê chỉ đạt 2 tỷ USD, năm vừa rồi đạt kỷ lục hơn 4 tỷ USD và năm nay có thể chinh phục mốc 5 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, để xuất khẩu bền vững, ngành cà phê cần tiếp tục tái cơ cấu, đẩy mạnh chế biến sâu, tạo thương hiệu lớn mạnh cho cà phê Việt trên thị trường thế giới. Bởi bài học quá khứ cho thấy nếu tăng diện tích hơn nữa, tình trạng dư cung, giá giảm sẽ quay trở lại.

Theo báo Công Lý, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến từng cho rằng, để đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê Việt, ngành cà phê cần được quan tâm đồng bộ với giải pháp tổng thể, trong đó, đẩy mạnh sản lượng và chất lượng vùng cà phê nguyên liệu, đồng thời, gia tăng tỷ lệ chế biến sâu. Đặc biệt, các địa phương cần quy hoạch vùng cà phê trọng điểm; đẩy mạnh tái canh, áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững mới đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu gắt gao của các thị trường hiện nay.

Theo đó, để nâng cao chất lượng và giá cà phê xuất khẩu, nâng tầm sản phẩm cà phê Việt trên thị trường thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương vùng Tây Nguyên đang thực hiện đề án xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn thế giới. Nhiệm vụ chính của đề án là xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn theo các tiêu chuẩn của quốc tế và đặc biệt hướng đến cà phê giảm phát thải.

Trúc Chi (t/h)