ESG: Sân chơi của những doanh nghiệp lớn hay mục tiêu khả thi dành cho tất cả các đơn vị kinh doanh

Admin

Việc thực hành ESG đang mở ra cơ hội hợp tác tiềm năng cho các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực để cùng giải quyết những thách thức chung đồng thời cùng tăng tốc đạt được mục tiêu ESG, bắt kịp xu hướng kinh tế xanh và bền vững trên thế giới.

ESG: Sân chơi của những doanh nghiệp lớn hay mục tiêu khả thi dành cho tất cả các đơn vị kinh doanh- Ảnh 1.

Không còn là lựa chọn “có thể làm hoặc không”, chuyển đổi xanh dần trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp. Ảnh: Sưu tầm

ESG là bộ tiêu chuẩn về Môi trường (Environment), Xã hội (Social) và Quản trị doanh nghiệp (Governance) trong quá trình vận hành công ty. ESG đóng vai trò như kim chỉ nam giúp các bên liên quan hiểu rõ cách thức doanh nghiệp quản lý các rủi ro cũng như cơ hội ở ba khía cạnh này, hướng đến tăng trưởng bền vững và đóng góp tích cực cho môi trường, xã hội và kinh tế.

Vượt qua giai đoạn “bỡ ngỡ” với khái niệm ESG, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng và có kế hoạch thực hành ESG trong doanh nghiệp thông qua các mục tiêu ngắn hạn và trung hạn. Trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp xuất khẩu có cam kết rõ ràng hơn về ESG một phần nhờ vào việc tuân thủ chính sách của công ty mẹ ở nước ngoài cũng như yêu cầu từ thị trường, đối tác kinh doanh.

Mặc dù có lợi thế về mặt thương mại hóa, sở hữu nguồn tài chính dồi dào nhưng các doanh nghiệp lớn vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong thực hành ESG, đặc biệt khi đang chú trọng vào yếu tố G (quản trị) mà thiếu sự quan tâm, đầu tư tương xứng cho E (môi trường) và cho S (xã hội). Ngược lại, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có nhóm các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (Social Impact Business-SIB) đang mạnh mẽ dấn thân, từng bước vượt qua thách thức và đạt được thành quả khi theo đuổi ESG.

Một trong những ví dụ thành công nổi bật của các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội Việt Nam khi thực hành yếu tố E (môi trường) và S (xã hội) có thể kể đến Sokfarm. Được thành lập năm 2019, Sokfarm là nhà sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu các sản phẩm từ mật hoa dừa hữu cơ tại Việt Nam. Ngành mật hoa dừa là nghề truyền thống của người Khmer Nam Bộ, tối ưu tài nguyên bản địa là cây dừa, và thích ứng với biến đổi khí hậu xâm ngập mặn của miền tây. 

Sokfarm cũng mang lại sinh kế bền vững cho người nông dân trồng dừa, 80% nhân viên ở Sokfarm là đồng bào Khmer, 70% là nữ. Với mô hình mới, Sokfarm đã giúp tăng giá trị kinh tế cho nông hộ từ 3 - 5 lần, Nông dân trồng dừa khi đồng hành với Sokfarm đã tăng từ 3 triệu lên 9 - 12 triệu/tháng. Và đặc biệt là hướng tới mục tiêu giảm phát thải carbon, vì mỗi cây dừa, trên 10 tuổi trung bình mỗi năm hấp thụ 770kg CO2.

ESG: Sân chơi của những doanh nghiệp lớn hay mục tiêu khả thi dành cho tất cả các đơn vị kinh doanh- Ảnh 2.

SIB Sokfarm hỗ trợ sinh kế bền vững cho cộng đồng người dân tộc Khmer tại Trà Vinh. Ảnh: Sưu tầm

Thế nhưng không thể phủ nhận, các tác động tích cực về xã hội và môi trường là chưa đủ để các SIB đạt được mục tiêu ESG khi phần lớn các đơn vị này còn nhỏ về quy mô, gặp khó khăn về mặt thương mại hóa, mở rộng thị trường cũng như khả năng tài chính để đầu tư quy trình sản xuất, trang thiết bị và nhân sự chuyên trách.

Có thể thấy, ESG không còn là “sân chơi” dành riêng cho những doanh nghiệp lớn mà đang dần trở thành mục tiêu hướng tới dành cho tất cả đơn vị kinh doanh. Tuy nhiên, dù mức cam kết ESG ở mức đáng khen ngợi, kết quả thực tế cho thấy còn tồn tại khoảng cách lớn giữa kỳ vọng và hành động. Việc tăng cường sự hợp tác giữa các Doanh nghiệp lớn và các nhóm doanh nghiệp nhỏ nhưng tạo tác động tích cực đến xã hội và môi trường có thể là chìa khóa để cả hai nhóm doanh nghiệp này cùng tăng tốc đạt được các cam kết về ESG, tạo điều kiện cho việc mở rộng thị trường cho các sản phẩm hay thu hút các nguồn vốn đầu tư tạo tác động.