Đường sắt giảm cước 3-5% sau khi xăng dầu giảm mạnh

Admin

Trong 1 tháng trở lại đây, khi giá xăng dầu giảm về bằng thời điểm đầu năm, đường sắt đã có 2 lần giảm cước vận tải hàng hoá và 1 lần giảm giá vé tàu khách về lại mức trước thời điểm tăng, tương đương giảm từ 3-5% giá cước.

Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, khi giá xăng dầu tăng cao, đơn vị đã tăng cước vận tải hàng hoá thêm 5%. Từ ngày 15/7 tới nay, giá nhiên liệu giảm mạnh, nên đường sắt cũng linh hoạt điều chỉnh giảm giá cước , với 2 lần giảm vào ngày 15/7 và 5/8 (tổng mức giảm cả 2 đợt là 5% so với thời điểm tháng 6 - bằng mức tăng trước đó). Với mức giảm này, hiện cước chở hàng nguyên toa từ Hà Nội - Sóng Thần (Bình Dương) từ 12-18 triệu đồng/toa (tuỳ chủng loại toa, ngày đi).

Với tàu khách, từ ngày 3/8, đường sắt cũng điều chỉnh giảm giá vé so với trước đó theo giá nhiên liệu giảm. Cụ thể, tàu Thống nhất Bắc – Nam giảm 5% giá vé khoang giường nằm, và giảm 3% với khoang ghế ngồi; tàu khách tuyến Hà Nội – Vinh và Hà Nội – Lào Cai giảm chung 10% giá vé tất cả các khoang. Sau khi giảm giá vé, vé giường nằm cao nhất trên tuyến Hà Nội – TPHCM đi vào đầu tuần còn khoảng 1,51 triệu đồng/vé/chiều.

Hiện nhiên liệu chiếm khoảng 35% chi phí của đường sắt, nên giá nhiên liệu tăng hay giảm đều tác động tương ứng lên giá dịch vụ của đường sắt.

Đường sắt giảm cước 3-5% sau khi xăng dầu giảm mạnh - Ảnh 1.

Đường sắt đã điều chỉnh giảm giá cước vận tải hàng hoá và hành khách từ 3-5% sau khi giá nhiên liệu giảm sâu. Ảnh minh hoạ.

Trước đó, Tổng công ty Đường sắt (VNR) cũng chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải đường sắt trực thuộc chủ động điều chỉnh giá cước vận tải đường sắt theo biến động giá nhiên liệu và yêu cầu sản xuất kinh doanh. Việc điều chỉnh phải thông báo trước, công khai, rõ ràng với khách hàng. Khi giá nhiên liệu giảm, các đơn vị phải có giải pháp giảm cước kịp thời.

Tuy nhiên, lãnh đạo đường sắt cũng cho rằng, hiện giá xăng dầu điều chỉnh liên tục theo chu kỳ 10 ngày 1 lần, doanh nghiệp cũng rất khó để điều chỉnh cước vận tải theo từng đợt như vậy. Do đó, việc tăng hay giảm cước vận tải đường sắt theo giá nhiên liệu biến động thực hiện theo chu kỳ dài hơn, khi giá nhiên liệu tăng cước sẽ chưa điều chỉnh ngay, doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận. Ngược lại, khi giá nhiên liệu giảm cũng phải có thời gian để doanh nghiệp điều chỉnh giảm cước.