Dừa tăng giá, mang lại nguồn thu lớn cho nông dân
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với Đại Đoàn Kết chị Nguyễn Thị Bé (45 tuổi), chủ một vựa thu mua dừa ở xã Định Thuỷ, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre cho biết, hiện giá dừa tươi đang được thu mua là khoảng 70.000 tới 80.000 đồng/chục (12 trái). Đây là mức giá khá cao khi mà cùng thời điểm này năm ngoái, dừa tươi chỉ được thu mua ở mức 40.000 đồng đồng/chục. Trong khi đó, thời điểm thấp nhất giá dừa chỉ ở mức 2.500 đồng - 3.000 đồng/trái. Ngoài ra, khi giá dừa xuống thấp cũng kéo theo tình trạng khó tiêu thụ khiến nhiều nông dân thất thu vụ dừa.
Bên cạnh đó, gia đình anh Nguyễn Văn Hậu ở Bến Tre vừa bán hơn 1.000 trái dừa với giá 75.000 đồng/chục. “Mấy vụ trước tôi đều phải điện thoại năn nỉ rồi còn phụ thương lái cắt dừa, thậm chí chở giúp ra ngoài đường mà họ còn không chịu. Nhưng năm nay thì mấy người đều hẹn vào tận vườn hái dừa. Lứa này tôi bán là lứa sớm nhất chứ thực ra chính vụ phải cuối tháng sau. Nhưng thời điểm này dừa cũng ngọt lắm rồi” - anh Hậu cho biết và chia sẻ thêm, nếu như tình trạng hạn mặn vài tháng qua ảnh hưởng tiêu cực tới hầu hết các loại cây trồng, khiến năng suất mùa vụ giảm thì trái lại, dừa ở khu vực Bến Tre không bị ảnh hưởng nhiều. Nguyên nhân bởi dừa là một trong số ít loại cây có khả năng chịu mặn tốt. Thậm chí một số loại dừa lai cho chất lượng trái ngọt hơn nếu có độ mặn thích hợp. Ước tính, mỗi héc ta dừa ở Bến Tre có thể cho thu hoạch khoảng 6.000 trái/năm.
Giá dừa gần đây tăng khiến cho nhiều nông dân ở Bến Tre, Trà Vinh… thu hàng chục triệu đồng nhờ lứa dừa sớm. Ngoài giá dừa neo ở mức cao, hầu hết nông dân cũng dễ dàng tiêu thụ sản phẩm dừa do nhu cầu nhiều. Bởi các tỉnh phía Nam đã nắng nóng kéo dài nên nhu cầu sử dụng dừa tươi và sản phẩm dừa tươi tăng cao. Trong đó hầu hết dừa của nông dân ở miền Tây sau khi được thu mua sẽ đem lên các đô thị lớn như Mỹ Tho, Cần Thơ và đặc biệt là Tp.HCM để tiêu thụ. Hiện giá bán dừa nguyên trái ở các vựa dừa tại TPHCM dao động ở mức 12.000 - 20.000/trái, tuỳ theo loại và chất lượng.
Dù giá dừa tươi tăng cao nhưng giá dừa khô để xuất khẩu không có nhiều sự thay đổi từ sau Tết. Nguyên nhân bởi hiện chưa phải thời điểm chính vụ thu hoạch dừa khô và hiện thị trường Trung Quốc đang trong giai đoạn xem xét cấp phép nhập khẩu dừa theo đường chính ngạch. Vì vậy, hầu hết thương lái đều đang ngóng thông tin để có hướng thu mua dừa.
Đặc biệt với diện tích khoảng hơn 70.000 héc ta, dừa là cây trồng phổ biến và mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho người dân tỉnh Bến Tre. Thống kê cho thấy diện tích dừa ở Bến Tre chiếm khoảng 50% diện tích dừa cả nước. Trong khi đó, dừa cũng được trồng nhiều tại các địa phương khác trong khu vực như Trà Vinh, Vĩnh Long, Tp.Cần Thơ… với diện tích gần bằng một nửa của tỉnh Bến Tre. Vì vậy, việc giá dừa đang tăng và dễ tiêu thụ đã mang tới nhiều tín hiệu tích cực cho nông dân trong bối cảnh một số loại cây như sầu riêng, lúa gạo… đã giảm giá sâu.
Dự báo năm 2024 giá trị xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa dự kiến sẽ đạt 1 tỷ USD
Ở Việt Nam cây dừa được trồng ở nhiều nơi, theo thống kê của Hiệp hội Dừa Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có 90 doanh nghiệp ngành dừa và liên quan đến dừa, trong đó có 42 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ dừa. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp ngành dừa đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, vùng trồng nguyên liệu hữu cơ, nhiều trang trại dừa hàng trăm ha ra đời ở Tây Ninh, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Định..., mở ra cơ hội tăng trưởng cho xuất khẩu trong thời gian tới.
Hiệp hội Dừa Việt Nam cũng dự báo rằng, đến năm 2024 giá trị xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa dự kiến sẽ đạt 1 tỷ USD, thậm chí có thể cao hơn.
Để đạt con số trên, Hiệp hội Dừa Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai kế hoạch xây dựng thương hiệu cho ngành dừa, khẳng định thương hiệu các sản phẩm dừa trên thị trường. Cùng với đó, ngành dừa cũng đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp và địa phương xây dựng vùng nguyên liệu dừa đạt chuẩn, tiến đến hình thành “Bản đồ dừa” trên cả nước để làm dữ liệu cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham khảo, hỗ trợ ngành dừa phát triển. Ngoài ra ngành dừa ngành còn thực hiện mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, các sự kiện giao thương trong và ngoài nước để tìm kiếm khách hàng, tiếp cận máy móc, công nghệ mới…, tiến tới nâng cao chuỗi giá trị ngành dừa và xuất khẩu bền vững.
Theo số liệu trên báo Đại Biểu Nhân Dân Việt Nam thuộc top 10 nước trồng dừa lớn nhất thế giới với diện tích dừa cả nước đạt gần 200.000ha, tập trung tại các tỉnh duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Cây dừa đang là nguồn thu nhập cho khoảng 389.530 hộ nông dân.
Đáng chú ý năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dừa Việt Nam chỉ 180 triệu USD, tỉnh Bến Tre chiếm 70% chỉ với 6 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, còn lại các doanh nghiệp thương mại, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, ít sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Đến nay, cả nước đã có 90 doanh nghiệp ngành dừa và liên quan đến dừa, trong đó có 42 doanh nghiệp sản xuất chế biến sâu. Các doanh nghiệp không chỉ sản xuất đơn thuần mà còn khai thác nguyên liệu từ dừa, phục vụ các ngành thực phẩm, y tế, mỹ phẩm.
Cộng đồng doanh nghiệp ngành dừa đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, vùng trồng nguyên liệu hữu cơ. Nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ, vùng trồng nguyên liệu hữu cơ tại Tây Ninh, Hậu Giang, Long An, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Định để hướng đến xuất khẩu. Trong đó, có khoảng 15 trang trại trồng dừa chuyên canh có diện tích trên 100ha.
Trúc Chi (t/h)