Dự báo lợi nhuận ngân hàng quý II: Cần chờ NHNN nới room tín dụng

Admin

Việc nới room tín dụng để đảm bảo nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong những tháng cuối năm và tác động trực tiếp đến lợi nhuận của các ngân hàng.

Lợi nhuận của các ngân hàng được dự báo khả quan trong quý II, tuy nhiên tình hình kinh doanh 6 tháng cuối năm lại phụ thuộc nhiều vào việc Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng mới trong thời gian tới. 

Ngân hàng báo lãi tăng quý II/2022

Sau nửa năm đầu hoạt động, toàn bộ 27 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đều đã công bố báo cáo tài chính quý I/2022. Trong đó, hầu hết các nhà băng có lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2021.

Sắp tới, hàng hoạt ngân hàng sẽ công bố báo cáo tài chính quý II/2022. Hiện một số ngân hàng đã có kết quả sơ bộ kết quả kinh doanh và đều cho thấy những con số tiếp nối sự khả quan.

SeaBank là một trong số những nhà băng công bố kết quả kinh doanh tích cực. Sau nửa đầu năm 2022, ngân hàng này đạt 5.029 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 157% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngoài tăng trưởng ở mảng cho vay, nhà băng này còn ghi nhận tăng trưởng cao ở các khoản thu ngoài lãi, mang về 1.736 tỷ đồng, cao hơn 226% so với cùng kỳ. Kết quả, SeABank lãi trước thuế 2.806 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, tăng tới 180% so với cùng kỳ.

Hay mới đây, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, lãnh đạo MBBank cho biết doanh thu toàn tập đoàn trong 6 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 29.900 tỷ đồng với lợi nhuận 11.920 tỷ đồng. Trong đó, riêng ngân hàng đạt gần 17.800 tỷ đồng, tăng 23% và lợi nhuận đạt 10.666 tỷ đồng; các công ty thành viên đạt doanh thu gần 12.000 tỷ đồng, tăng 42% và đóng góp 13% lợi nhuận toàn tập đoàn.

Tài chính - Ngân hàng - Dự báo lợi nhuận ngân hàng quý II: Cần chờ NHNN nới room tín dụng

Nhiều công ty chứng khoán nhận định lợi nhuận ngân hàng quý II sẽ tăng trưởng tích cực.

Trước đó, TPBank cũng công bố sơ bộ kết quả kinh doanh, với lợi nhuận quý II đạt gần 2.200 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ, tương ứng tăng gần 34% so với quý I đã đưa lợi nhuận lũy kế đến 30/6 của TPBank đạt 3.788 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm trước.

Chứng khoán VNDirect trong báo cáo ngành ngân hàng mới công bố cho biết lợi nhuận ròng của 27 ngân hàng sẽ còn tăng mạnh trong quý II này và cả năm 2022. Chứng khoán Yuanta trong báo cáo đã dự báo lợi nhuận ròng 27 ngân hàng niêm yết tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, thu nhập lãi ròng tăng 14% và thu nhập phí tăng 15% so với cùng kỳ. Chứng khoán KB thậm chí đã đánh giá triển vọng quý III/2022 tới của ngành ngân hàng vẫn sẽ tốt, giúp thúc đẩy hoạt động cho vay của toàn ngành.

KQKD phụ thuộc lớn vào hoạt động tín dụng

Lý giải nguyên nhân ngành ngân hàng được dự đoán có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong quý II/2022, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính, nói với Người đưa tin, kết quả kinh doanh ngành ngân hàng phụ thuộc lớn vào hoạt động tín dụng, tăng trưởng tích cực ở chỉ tiêu tín dụng sẽ giúp lợi nhuận tăng theo.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối quý II/2022, dư nợ tín dụng toàn ngành đã tăng 9,35%, trong kỳ cùng kỳ năm trước chỉ ghi nhận mức tăng 6,44%. Nửa đầu năm, các ngân hàng đã bơm ra thị trường hơn 976.000 tỷ đồng qua kênh cho vay, con số này cùng kỳ năm trước chỉ đạt gần 600.000 tỷ đồng.

Ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng triển vọng tăng trưởng của ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm phụ thuộc nhiều vào việc cấp room tín dụng thời gian tới.

Vấn đề room tín dụng được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Do thời gian qua tín dụng tăng trưởng tích cực cùng với đà phục hồi của nền kinh tế nên hiện nhiều ngân hàng sử dụng gần hết hạn mức tín dụng được cấp hồi đầu năm và đang chờ được Ngân hàng Nhà nước nới room.

Năm nay, nhiều ngân hàng đã xin nới room để có dư địa triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất một cách hiệu quả trong bối cảnh nhu cầu tín dụng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp là rất lớn.

Tuy nhiên, dự báo tới trung tuần tháng 7, Ngân hàng Nhà nước mới có có kết quả chính mức về hạn mức nới room.

Tài chính - Ngân hàng - Dự báo lợi nhuận ngân hàng quý II: Cần chờ NHNN nới room tín dụng (Hình 2).

Ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng triển vọng tăng trưởng của ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm phụ thuộc nhiều vào việc cấp room tín dụng thời gian tới.

Việc nới room tín dụng không chỉ có tác động tích cực tới kết quả kinh doanh ngân hàng mà còn giải quyết được vấn đề "khát" vốn của doanh nghiệp. Đặc biệt, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không thể huy động vốn qua kênh cổ phiếu, trái phiếu, việc huy động vốn tín dụng là cần thiết.

Ông Đinh Trọng Thịnh lưu ý, bản thân ngân hàng cũng chỉ là doanh nghiệp, nên chỉ cho vay những doanh nghiệp có tiến trình kinh doanh tốt, doanh thu, lợi nhuận ổn định để trả được lãi vay. "Kể cả room tín dụng được nới, các doanh nghiệp cũng phải tự mình cố gắng vươn lên để có tình hình tài chính tốt, đảm bảo yêu cầu của ngân hàng để có thể có cơ hội tiếp cận nguồn vốn dễ dàng.. Tình hình kinh doanh càng khả quan, lãi suất vay càng thấp, điều kiện vay càng đơn giản", ông nói.

Mức nới room tín dụng là bao nhiêu?

Chứng khoán SSI nhận định tăng trưởng tín dụng những tháng tới sẽ chậm hơn so với 6 tháng đầu năm 2022. "Để kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước có thể thận trọng hơn trong việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2022", báo cáo nêu.

Theo SSI, hạn mức được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện các ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro. "Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ đạt mức 15-16%", báo cáo nêu rõ.

Hay như theo VNDirect, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi mạnh mẽ cùng với việc lãi suất cho vay thấp để kích thích nhu cầu vay vốn của người mua nhà. Bên cạnh đó, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn. Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước sẽ là ổn định vĩ mô, kiểm soát, không để xảy ra lạm phát và sẽ phải căn cứ vào mức độ tuân thủ của các ngân hàng về độ an toàn vốn để xét cấp hạn mức tín dụng.

"Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng hệ thống sẽ tiếp tục tăng tốc và đạt ít nhất là 14% trong năm 2022", báo cáo của VNDirect cho biết.

Còn ông Đinh Trọng Thịnh lại nhận định, việc nới room tín dụng để đảm bảo nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong những tháng cuối năm, tuy nhiên, không có mức nới room tuyệt đối hợp lý.

Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đánh giá room tín dụng không cần đồng đều ở các ngân hàng. Theo đó, với những ngân hàng lớn hoạt động kinh doanh hiệu quả, lãi suất vay phù hợp… room tín dụng có thể cao hơn các ngân hàng nhỏ. "Một số ngân hàng có nợ vay ổn, nợ xấu thấp, quản lý rủi ro ở mức cao… thì Ngân hàng Nhà nước xem xét để nới", ông nói.

Ông nhận định nới room tín dụng đồng nghĩa bơm lượng tiền lớn ra khối kinh tế tư nhân. "Nếu không kiểm soát room tín dụng, áp lực lạm phát là có", ông nói. Tuy nhiên, ông lưu ý, một số ngân hàng đã hết room tín dụng nhưng thực tế vẫn có những ngân hàng tăng trưởng tín dụng không quá cao. Về nguyên tắc, áp lực lạm phát không quá lớn.