Doanh nghiệp sẽ chịu thiệt nếu thị trường carbon vận hành muộn

Admin

Chuyên gia cho biết, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào EU, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất.

Ngày 16/8, tọa đàm với chủ đề: "Tín chỉ Carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ Carbon" đã được tổ chức với mục tiêu nâng cao nhận thức về phát thải khí nhà kính, thị trường tín chỉ carbon…

Biến carbon thành nguồn thu nhập

Với những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 về nhiệm vụ trung hòa

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào EU, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất.

Với tiền đề đó, ông Nguyễn Trung Đông - Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn cho biết, Bộ NN&PTNT đang triển khai những dự án thiết thực như mua bán tín chỉ rừng dựa trên Thỏa thuận ERPA về chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, hay Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

"Đây là những sáng kiến góp phần đáng kể vào mục tiêu giảm phát thải carbon của quốc gia", ông Đông nói.

Ông Đông nhấn mạnh, trong lĩnh vực thị trường tín chỉ carbon, mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực đều có những đặc thù riêng. Vì vậy, việc đào tạo, nâng cao hiểu biết về khả năng hấp thụ và giảm thải carbon của từng loại cây trồng là vô cùng cần thiết.

Nhu cầu về tín chỉ carbon là rất lớn, các tổ chức, cá nhân ở vùng sâu vùng xa cũng có nhu cầu tiếp xúc với thị trường carbon nhưng nguồn lực của Việt Nam còn hạn chế, từ chi phí đào tạo cũng như khả năng cung cấp.

Doanh nghiệp sẽ chịu thiệt nếu thị trường carbon vận hành muộn- Ảnh 2.

Ông Lê Hoàng Thế - Giám đốc Công ty TNHH Lâm nông nghiệp vi sinh VOS Harvest.

Theo ông Lê Hoàng Thế - Giám đốc Công ty TNHH Lâm nông nghiệp vi sinh VOS Harvest mong muốn người dân thay đổi suy nghĩ về carbon. "Phải coi đó là bạn, là nguồn tiền, bền vững, lâu dài", ông Thế nói.

Ông Thế nhấn mạnh: "Carbon không mất đi, mà chỉ chuyển hóa dưới dạng này sang dạng khác, về bản chất không hề xấu. Vấn đề là cần biến điều này thành thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống, sinh kế cho người dân".

Chính vì vậy, ông Thế cho rằng, mục tiêu trong thời gian tới, sàn carbon của Việt Nam sẽ cùng hoạt động với các sàn quốc tế khác. Dự kiến năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm hình thành một sàn giao dịch tín chỉ carbon. Do đó, vấn đề cấp thiết hiện nay là đào tạo một lực lượng môi giới chuyên nghiệp để tham gia mua bán carbon.

Trên cơ sở đó, ông Thế gợi ý cho các doanh nghiệp muốn tham gia thị trường tín chỉ carbon cần chuẩn bị nguồn nhân lực có hiểu biết, tri thức để kiểm kê, kê khai và những vấn đề liên quan đến carbon.

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon làm tăng áp lực với doanh nghiệp

Nói về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), ông Đặng Thanh Long - Trưởng phòng Đào tạo phát triển bền vững Intertek Việt Nam chia sẻ: "Cơ chế trên được thiết lập nhằm tránh "rò rỉ carbon" khi doanh nghiệp EU có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải ra nước ngoài để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo".

Doanh nghiệp sẽ chịu thiệt nếu thị trường carbon vận hành muộn- Ảnh 3.

Ông Đặng Thanh Long - Trưởng phòng Đào tạo phát triển bền vững Intertek Việt Nam.

Điều này sẽ giúp tạo cơ chế xanh đối với hàng hóa nhập khẩu từ ngoài EU thông qua hệ thống định giá hợp lý lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất, từ đó khuyến khích sản xuất giảm phát thải.

CBAM đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

Đánh giá các tác động của CBAM đến Việt Nam, ông Long cho biết, xét về tổng thể toàn bộ nền kinh tế, tác động của CBAM không lớn, nhưng đối với từng ngành hàng, từng doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu giảm đi là con số không nhỏ, làm gia tăng áp lực với các doanh nghiệp.

Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ carbon rừng

Theo ông Long, khi Việt Nam có thị trường tín chỉ carbon, các doanh nghiệp đã trả phí carbon tại Việt Nam nếu xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu sẽ được khấu trừ.

"Như vậy, nếu thị trường carbon vận hành muộn, các doanh nghiệp sẽ bị thiệt. Do đó, các nhà sản xuất ở nước thứ 3 cần tính toán lượng phát thải "nhúng" trong lượng hàng hóa xuất khẩu gồm phát thải trực tiếp và gián tiếp", ông Long nói.

Ông Cao Tung Sơn - Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM) cho biết, nhiều doanh nghiệp háo hức tham gia thị trường tín chỉ carbon tại địa phương. Theo ông Sơn, hiện Tp.HCM có khoảng 60 dự án liên quan đến tín chỉ carbon. Đây là số lượng lớn.

Doanh nghiệp sẽ chịu thiệt nếu thị trường carbon vận hành muộn- Ảnh 4.

Ông Cao Tung Sơn - Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM).

Để có thể tham gia một cách tích cực, bền vững, ông Sơn đề xuất tập trung nâng cao nhận thức, thông qua hệ thống tuyên truyền viên chính thức, được tập huấn trực tiếp thông qua Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường.

"Hiện Chính phủ đã đưa ra nhiều nghị định, thông tư về việc kiểm kê phát thải khí nhà kính đối với 2.000 doanh nghiệp trên toàn quốc. Trong số này, Tp.HCM có 140 doanh nghiệp bị áp hạn ngạch, chiếm tỉ lệ tương đối cao so với mức bình quân", ông Sơn chia sẻ.

Là một thành phố công nghiệp, hầu hết doanh nghiệp tại Tp.HCM sẽ chịu tuân thủ hạn ngạch phát thải carbon, nhằm hướng tới việc trung hòa carbon trên cả nước vào năm 2050. Ông Sơn cho biết thêm, Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM đang dự thảo một đề án chuyên ngành về vấn đề này, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.