Doanh nghiệp Italy chật vật vì giá năng lượng tăng cao

Admin

Các hộ gia đình và doanh nghiệp tại Italy đang phải chi thêm 82,6 tỷ Euro do sự leo thang của giá điện và khí đốt.

Với các nhà hàng tại Italy trong những ngày này, giá khí đốt tăng cao đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi nên tắt bếp sớm khi nấu món mì ống để tiết kiệm nhiên liệu hay liên tục bật bếp trong suốt quá trình nấu để có được một món ăn thơm ngon, đúng vị.

"Món mì ống có thể tự chín mà không cần đến ngọn lửa. Nếu đạt đến nhiệt độ sôi ở 100 độ C, bạn có thể tắt bếp và mì vẫn sẽ tiếp tục chín nhưng nó sẽ rất tệ", ông Wasfi Mesieha - Đầu bếp nhà hàng Sabatino cho hay.

Việc lựa chọn giữa tiết kiệm 47% mức nhiên liệu tiêu thụ hay bảo vệ hương vị của món ăn, nhằm giữ chân khách hàng, chỉ là một trong số nhiều bài toán đang làm đau đầu các chủ nhà hàng. Tất cả đều đang cố gắng xoay sở để giữ cho hóa đơn năng lượng ở mức tiết kiệm nhất có thể.

Ông Marco Amezzoni - quản lý nhà hàng cho biết: "Tôi từng phải trả tiền điện 350 - 400 Euro mỗi tháng - một mức không hề rẻ. Thế nhưng mùa hè năm nay, chỉ riêng cái điều hòa đã tiêu tốn 500 Euro. Tính cả trong tháng 7, tôi đã tiêu tốn khoảng 1.400 Euro. Trong nhà hàng, việc tiết kiệm năng lượng là rất khó khăn, có nhiều tủ lạnh và lò nướng, mức tiêu thụ rất lớn".

Doanh nghiệp Italy chật vật vì giá năng lượng tăng cao - Ảnh 1.

Giá khí đốt tăng cao đã khiến các doanh nghiệp tại Italy rất khó khăn. Ảnh minh họa - Ảnh: AP.

Khó khăn tương tự cũng diễn ra với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất. Tập đoàn SACMI - một trong những mắt xích quan trọng của chuỗi công nghiệp Italy hiện đang phải chật vật ứng phó với giá năng lượng tăng cao.

" Chi phí năng lượng của chúng tôi trong năm nay đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. Năm 2023, mức chi phí thậm chí còn có thể tăng lên gấp 3 lần. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của chúng tôi", ông Paolo Mongardi - Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn SACMI cho hay.

Công ty hiện đã phải tăng giá bán một số sản phẩm thêm 30% để bù đắp chi phí năng lượng. Tuy nhiên, điều này sẽ mang lại những tác động tiêu cực về lâu dài.

Ông Paolo Mongardi nói: "Để bù đắp sự gia tăng chi phí năng lượng, chúng tôi buộc phải tăng giá bán sản phẩm nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi không còn khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế với các đối thủ đến từ những khu vực khác".

Các số liệu mới công bố cho thấy, sản lượng công nghiệp của Italy trong tháng 7 đã giảm tới 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái do sức ép từ giá năng lượng. Tổng liên đoàn công nghiệp Italy cho biết, trong kịch bản tệ nhất khi nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt hoàn toàn, gần 1/5 hoạt động sản xuất công nghiệp của nước này sẽ phải ngừng hoạt động.