Năm nay, ngoài dịch chân tay miệng gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, dịch cúm A bùng phát và COVID-19 vẫn còn lưu hành với tỷ lệ mắc trong cộng đồng vẫn còn và có nguy cơ khiến dịch chồng dịch.
Trước đó, chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho rằng, ảnh hưởng sau thời gian dài giãn cách do COVID-19 là việc từ người lớn đến trẻ nhỏ phải ở trong nhà, gây tác động đến yếu tố miễn dịch. Điều này khiến sức miễn dịch của người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ kém và khiến các loại virus, bệnh dịch khác có thể tấn công cơ thể.
(Ảnh minh họa)
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, sắt, kẽm có vài trò quan trọng đối với trẻ nhỏ. Tỷ lệ thiếu kẽm, sắt đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi vẫn ở mức cao trong khi đó, trẻ em lại là đối tượng có hệ miễn dịch còn non yếu và là đối tượng rất dễ bị tổn thương. “Nhiều người thường lầm tưởng, khi cho trẻ ăn các thực phẩm giàu sắt và kẽm, cơ thể sẽ hấp thu được 100%. Sự thật không phải như vậy. Khả năng hấp thu sắt từ thực phẩm chỉ từ 5-15%, kẽm từ 10-30%”- PGS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
PGS Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết, đối với trẻ sau khi bị ốm, chậm lớn và biếng ăn, nên bổ sung sắt và kẽm. Năm học mới sắp đến, để chuẩn bị cho con sức khỏe tốt, cha mẹ nên chọn các sản phẩm có hàm lượng sắt và kẽm có thành phần hữu cơ sẽ dễ hấp thu.
“Khi bổ sung kẽm và sắt cho trẻ thì cân bằng hàm lượng kẽm và sắt là cực kỳ quan trọng. Chúng ta hãy chọn sản phẩm nào vữa kẽm và sắt có hàm lượng tương đương nhau thì uống vào nó hấp thu được tốt”- PGS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định, điều quan trọng nhất lúc này là các bậc phụ huynh lưu ý đến chế độ dinh dưỡng nhằm đảm bảo sức khỏe, sức đề kháng để tự bảo vệ mình trước các dịch bệnh. “Với dinh dưỡng, chúng ta cần lưu ý đến chế độ ăn, các loại thực phẩm. Đặc biệt, tôi khuyến cáo tăng cường ăn hoa quả và tập thể dục điều độ, thường xuyên tiếp xúc với thiên nhiên. Nhiều gia đình sợ con bị ốm nên suốt ngày để ở trong nhà, bật điều hòa, do vậy nhiều người gặp bác sĩ tư vấn tại sao trẻ con cứ đi học lại ốm”- PGS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.
ThS.Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng – Viện dinh dưỡng quốc gia cũng cho biết, sắt tham gia vào quá trình sản sinh ra các tế bào miễn dịch Lympho T - giúp chống lại sự tấn công của virus, vi khuẩn. Bởi vậy, khi cơ thể trẻ bị thiếu sắt thì điều hiển nhiên xảy ra là hệ miễn dịch sẽ suy giảm.
Cùng với sắt, kẽm cũng đóng vai trò quan trọng với hệ miễn dịch vì kẽm vừa là thành phần, vừa là xúc tác tăng cường sản xuất ra các yếu tố miễn dịch, chống lại các tác nhân gây bệnh.
Theo ThS Lê Thị Hải, để chuẩn bị cho con sức khỏe tốt, chế độ dinh dưỡng hợp lý có vai trò quan trọng như tấm lá chắn bảo vệ, tăng sức đề kháng cho trẻ khi năm học mới đang đến gần. Nếu không đảm bảo dinh dưỡng, thiếu chất, trẻ bị suy giảm đề kháng, trẻ dễ ốm vặt, mệt mỏi, hay ngáp vặt, buồn ngủ, thiếu tập trung, dễ cáu gắt... ảnh hưởng lớn đến học tập.
“Bổ sung dinh dưỡng rất quan trọng để trẻ bù đắp vào năng lượng bị tiêu hao và đủ năng lượng cho một ngày dài học tập. Cần đảm bảo đầy đủ các bữa trong ngày với đủ chất đạm, đường để duy trì năng lượng; đủ các vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng, tăng tập trung và tư duy cho trẻ”- ThS Lê Thị Hải cho biết./.