Đề ra giải pháp giúp ngành sầu riêng phát triển bền vững

Admin

Để ngành hàng sầu riêng bền vững, trước hết phải lấy chất lượng làm đầu, nâng cao kiến thức cho người nông dân và cần có hướng dẫn cụ thể về xây dựng mã vùng trồng Việt Nam.

Ngành hàng sầu riêng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức

Ngày 1/9, UBND huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) đã tổ chức Hội thảo xây dựng và phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững.

Đề ra giải pháp giúp ngành sầu riêng phát triển bền vững- Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo xây dựng và phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II, năm 2024.

Phát biểu tại hội thảo, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho biết, hiện nay, ngành hàng sầu riêng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như quy mô diện tích nhỏ lẻ; diện tích trồng thuần thấp; tỷ lệ vùng trồng được cấp mã thấp; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chưa nhiều; chất lượng chưa đồng đều do ảnh hưởng biến đổi khí hậu; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; sản phẩm chủ yếu chế biến thô…

Đề ra giải pháp giúp ngành sầu riêng phát triển bền vững- Ảnh 2.

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Từ những phân tích đó, bà Ngô Thị Minh Trinh cho rằng, việc tổ chức hội thảo là rất thiết thực để địa phương, các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, xuất khẩu sầu riêng chia sẻ kinh nghiệp; tập trung thảo luận, để xuất giải pháp để ngành hàng sầu riêng phát triển hiệu quả.

Trong khi đó, GS.TS. Trần Văn Hâu, cựu giảng viên cao cấp Trường đại học Cần Thơ cho hay, điều kiện đất đai và khí hậu ở vùng Tây nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lăk nói riêng rất phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây sầu riêng.

Tuy nhiên, gần đây, do sự thay đổi của điều kiện thời tiết, nhiệt độ cao, gây ra ảnh hưởng năng suất, làm rụng trái sầu riêng rất nhiều. Đặc biệt, sau đợt mưa kéo dài vừa qua cũng đã làm ảnh hưởng tới chất lượng sầu riêng.

Đề ra giải pháp giúp ngành sầu riêng phát triển bền vững- Ảnh 3.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk phát biểu tại hội thảo.

Ông cho rằng, để giải quyết những trở ngại do biến đổi khí hậu, yếu tố thời tiết thì người nông dân phải có kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất. "Cây sầu riêng mới phát triển ở tỉnh Đắk Lắk trong khoảng 5 năm trở lại đây. Do đó, số người có kinh nghiệm trồng, quản lý vườn sầu riêng đạt hiệu quả là chưa có nhiều. Đặc biệt, việc đối phó với thời tiết lại càng khó khăn", ông Hâu nói.

Để xây dựng, phát triển sầu riêng bền vững, GS.TS. Trần Văn Hâu lý giải cho rằng, không riêng gì Đắk Lắk mà các nước trên thế giới phải lấy chất lượng làm đầu. Nếu không quan tâm đến chất lượng, thu hoạch sớm, thu trái non, không đủ tuổi thì thị trường, uy tín, thương hiệu sầu riêng của Việt Nam không thể duy trì được.

Đề ra giải pháp giúp ngành sầu riêng phát triển bền vững- Ảnh 4.

GS.TS. Trần Văn Hâu, Cựu giảng viên cao cấp Trường đại học Cần Thơ phát biểu tham luận tại hội thảo.

Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt mà chất lượng không có thì không thể nào cạnh tranh được. Do đó, các thành phần tham gia chuỗi giá trị ngành hàng từ người nông dân, tới nhà nước, thương lái phải có ý thức quan tâm, xây dựng thương hiệu sầu riêng của địa phương và sầu riêng của Việt Nam.

"Chúng ta phải xây dựng cho được quy trình kỹ thuật canh tác cho từng nơi. Đồng thời, kèm theo năng lực, kiến thức của người nông dân thì mới có thể sản xuất ra những trái sầu riêng chất lượng. Bên cạnh đó, cùng với các chính sách, hỗ trợ của nhà nước thì mới phát triển được", GS.TS. Trần Văn Hâu nói.

Việt Nam cần có mã vùng sầu riêng

Nói về tình trạng sầu riêng bị sượng nước trong thời gian qua, theo GS.TS. Trần Văn Hâu, đây là yếu tố thời tiết và rất khó khắc phục. Để giảm thiểu thiệt hại do mưa nhiều hoặc nắng nóng thì sẽ có một số giải pháp như phun phân bón, thuốc ngừa sâu bệnh... nhưng căn bản người nông dân phải hiểu, biết được thì mới có thể khắc phục được.

GS.TS. Trần Văn Hâu cho biết thêm, thời gian qua, một số người nông dân không rành kỹ thuật nhưng sẵn sàng đầu tư và cứ nghe ai chỉ gì thì làm cái nấy dẫn đến không những không có hiệu quả mà hậu quả rất nhiều. Vì thế, kiến thức của người nông dân có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển sầu riêng bền vững.

"Cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa thì trong thời gian tới, sầu riêng Đắk Lắk nói chung và Tây Nguyên nói chung mới có thể vươn lên. Theo đó, bước đầu phải giữ chất lượng, sau đó tới năng suất. Đồng thời, cần có nhiều chương trình để nâng cao kiến thức cho người nông dân", GS.TS. Trần Văn Hâu nhấn mạnh.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Sầu Riêng tỉnh Đắk Lắk; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ phần mềm AutoAgri (trụ sở tại TP Hà Nội) cho hay, trước đến nay, nói đến sầu riêng, người ta chỉ nghĩ đến Thái Lan nhưng đến bây giờ là một giai đoạn, cơ hội cực kỳ tốt cho Việt Nam. Hiện nay, ngành hàng sầu riêng có doanh thu rất tốt.

Đề ra giải pháp giúp ngành sầu riêng phát triển bền vững- Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Sầu Riêng tỉnh Đắk Lắk; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ phần mềm AutoAgri nói về những khó khăn của ngành hàng sầu riêng.

Theo bà Thực, ở Tây Nguyên, việc trồng xen canh giữa cây sầu riêng và cây cà phê là hai cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện, chỉ có Việt Nam có Nghị định về trồng xen canh giữa cây sầu riêng và cây cà phê.

Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn với ngành sầu riêng là chưa có hướng dẫn cụ thể về xây dựng mã vùng trồng Việt Nam.

Nếu không có nghị định hướng dẫn về mã vùng trồng ít nhất là tiêu chuẩn Việt Nam thì tương lai, việc bà con trồng chặt rồi chặt bỏ cây cà phê đưa lại nguy cơ rủi ro cao vì đầu tư cho cây sầu riêng lớn hơn rất nhiều so với cây cà phê.

Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần sớm có thông tư, nghị định, hướng dẫn về xây dựng mã vùng trồng Việt Nam đó là có mã vùng trồng xen.

"Khi chúng ta khẳng định và chứng minh bằng con số khoa học của mã vùng trồng thì mới quảng bá trên thế giới và đề nghị quốc tế công nhận. Qua đó, cũng chứng minh được đa tầng canh tác và đa giá trị của Việt Nam khác biệt với nhiều nước... 

Chỉ có người nông dân Việt Nam chăm chỉ mới có thể hái, làm thủ công. Đây cũng là nút thắt lớn nhất để bà con yên tâm để những vườn trồng xen canh và duy trì hai ngành hàng rất giá trị của Tây Nguyên", bà Thực cho hay.

Đắk Lắk: Lắp đặt trạm dự báo thời tiết vào sản xuất sầu riêngĐắk Lắk: Lắp đặt trạm dự báo thời tiết vào sản xuất sầu riêngĐỌC NGAY

Bên cạnh đó, người nông dân cần phải có tái đầu tư, chú trọng nâng cao kỹ thuật canh tác, chuẩn chỉ về quy trình và giữ chất lượng. Tránh tình trạng mở rộng diện tích nhưng kỹ thuật canh tác chưa chắc, dẫn đến lợi nhuận đem lại không cao.

"Năm nay là một năm cực kỳ khó khăn với những người đi buôn sầu riêng và các doanh nghiệp sầu riêng. Bởi thời tiết khí hậu đã tác động đến chất lượng trái sầu riêng, gây ra tình trạng sượng nước ở sầu riêng.

Do đó, chúng tôi chỉ mong muốn làm thế nào để chuỗi giá trị sầu riêng cùng nhau đoàn kết, xây dựng chất lượng để đảm bảo thị trường", bà Thực chia sẻ thêm.

"Nữ hoàng sầu riêng Ri6" được mua với giá 1,4 tỷ đồng

Trong khuôn khổ Hội thảo xây dựng và phát riển hệ sinh thái sầu riêng bền vững, Ban tổ chức đã tổ chức đấu giá 3 nữ hoàng sầu riêng gồm: "Nữ hoàng sầu riêng cổ", "Nữ hoàng sầu riêng Dona" và "Nữ hoàng sầu riêng Ri6". Đây là 3 trái sầu riêng đẹp nhất, chất lượng nhất được chọn từ 32 vườn sầu riêng tại huyện Krông Pắk.

Giá khởi điểm của các "Nữ hoàng sầu riêng" được đưa ra từ 60-70 triệu đồng, chốt giá thành công ở mức từ 350 triệu đến 1,4 tỷ đồng.

Trong đó, "Nữ hoàng sầu riêng Ri6" được mua với giá cao nhất là 1,4 tỷ đồng do Công ty Cổ phần tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đến từ tỉnh Bến Tre và các đơn vị đồng hành chốt giá thành công.

Đề ra giải pháp giúp ngành sầu riêng phát triển bền vững- Ảnh 7.

"Nữ hoàng sầu riêng Ri6" được mua với giá cao nhất là 1,4 tỷ đồng.

"Nữ hoàng sầu riêng Dona" được chốt giá 900 triệu đồng thuộc về Công ty TNHH trái cây Hồng Sang đến từ tỉnh Tiền Giang và 350 triệu đồng cho "Nữ hoàng sầu riêng cổ" do Công ty EKCORP chốt giá.

Ban tổ chức cho biết, những người trúng đấu giá sẽ nhận được quả sầu tươi để về thưởng thức và thêm quả sầu riêng mạ vàng 24k trị giá 50 triệu đồng làm kỷ niệm. Tiền trúng đấu giá sẽ phục vụ công tác an sinh xã hội và tái đầu tư cho người nông dân trồng sầu riêng.

Khánh Ngọc