Đề nghị đại biểu tăng cường công tác giám sát của Quốc hội

Admin

Sáng 9/5, tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đơn vị số 10 gồm bà Nguyễn Thị Lệ – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM và ông Phan Văn Xựng - Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM, tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn, trước Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri Nguyễn Thị Nga (xã Đông Thạnh) bày tỏ: Người dân bầu cử các ĐBQH và trong nhiệm kỳ các ĐBQH cũng đã giúp cho địa phương nhiều việc.

Bà Nga kiến nghị các đại biểu Quốc hội cùng với các đoàn thể chính trị xã hội, tăng cường công tác giám sát của Quốc hội để không xảy ra những vụ việc cán bộ vi phạm.

Đề nghị đại biểu tăng cường công tác giám sát của Quốc hội- Ảnh 1.

Cử tri huyện Hóc Môn nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Ngô Tùng

Liên quan đến những góp ý và kiến nghị về công tác cán bộ, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ trân trọng cám ơn và tiếp thu các góp ý, chia sẻ của cử tri.

Bà cho biết, lãnh đạo thành phố cũng sẽ có ý kiến của mình và với trách nhiệm của lãnh đạo thành phố thì đây cũng là một bài học rất quý trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là sắp tới diễn ra Đại hội Đảng các cấp.

Đề nghị đại biểu tăng cường công tác giám sát của Quốc hội- Ảnh 2.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ trao đổi xoay quanh các ý kiến của cử tri. Ảnh: Ngô Tùng

Bà Lệ nêu rõ, năm nay là năm thứ 4 tăng tốc để triển khai hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM cũng như cấp quận, huyện. Bước sang năm 2025 sẽ diễn ra Đại hội Đảng bộ cơ sở, tiến tới quận huyện và Đại hội Đảng bộ TPHCM vào cuối năm.

“Như vậy, đây là bài học rất sâu sắc mà chúng tôi phải rút kinh nghiệm để chuẩn bị cho một đội ngũ cán bộ kế thừa sắp tới đảm bảo được chất lượng về phẩm chất, đạo đức và thật sự là những người gương mẫu tham gia vào đội ngũ lãnh đạo của thành phố”, bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.

Cũng trong trao đổi của mình, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đã thông tin thêm một dự án trên địa bàn huyện Hóc Môn có liên quan đến Công ty Thuận An.

Theo đó, công ty này tham gia thực hiện dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên với vai trò là một thành viên của liên danh, ở hai gói thầu là XL5, XL6 với trị giá khoảng 130 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại dự án Thành phần 1 của dự án Vành đai 3, Công ty Thuận An là thành viên trong liên danh và cũng thuộc dự án xây dựng dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM làm chủ đầu tư với tổng giá hợp đồng hơn 2.300 tỷ đồng. Ở đây, Thuận An có tỷ lệ liên danh khoảng 26,5%, tương đương 610 tỷ đồng.

“Với các dự án này, họ cũng là một liên danh trong một tổ hợp nên không ảnh hưởng nhiều tới các dự án mình đang triển khai. Và khi thành phố nắm được thông tin này thì đã yêu cầu chủ đầu tư phải rà soát lại công tác đấu thầu và kiểm tra lại khả năng thực hiện tiếp cũng như rà soát lại tạm ứng và các vấn đề khác có liên quan”, Chủ tịch HĐND TPHCM nêu rõ.

Theo bà Lệ, cho đến nay, không chỉ liên quan Công ty Thuận An, các chủ đầu tư khác cũng phải rà soát các nhà thầu khác, nếu có nhà thầu không đảm bảo năng lực, chây ì, chậm trễ trong thi công, không đảm bảo tiến độ thì phải bị xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An, đến thời điểm hiện tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 8 bị can.

Trong đó có bị can Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang; bị can Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội.

Ba bị can là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An.

Ba bị can là lãnh đạo, cán bộ quản lý Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang.