Để khởi nghiệp đi vào chiều sâu (*): Không để "cá lớn" nuốt "cá bé"

Admin

Để hỗ trợ doanh nghiệp lập nghiệp thành công, nhà nước cần bảo đảm môi trường hoạt động công bằng.

Qua nhiều năm gắn bó, hỗ trợ phong trào khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, cho rằng đại dịch Covid-19 là phép thử lớn đối với cộng đồng khởi nghiệp.

Cần giải bài toán về vốn

Trong giai đoạn hoạt động kinh tế trong nước và thế giới gián đoạn, hàng loạt vấn đề mới phát sinh từ thiếu nguyên phụ liệu, thiếu nhân công sản xuất, hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được, dòng tiền không lưu thông…, doanh nghiệp (DN) nào kịp thời thích nghi và ứng biến, thay đổi phương thức kinh doanh để thích ứng với hoàn cảnh thì có nhiều cơ hội phục hồi sau dịch hơn những DN còn lại. Bản thân Vinamit trong những năm gần đây đã tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều DN khởi nghiệp (start-up); đồng thời đầu tư vào một số DN, giúp DN có đầu ra ổn định và phát triển thương hiệu. Dù vậy, không ít DN, kể cả DN từng được Vinamit đầu tư bao tiêu sản phẩm, đã rơi rụng. "DN start-up thiếu và yếu, đặc biệt là vốn và thị trường tiêu thụ. Nhiều DN làm ra sản phẩm chất lượng tương đối, có tiềm năng phát triển nhưng không gọi được vốn hoặc không tìm được đầu ra cho sản phẩm đều khó thành công. Đa số DN trong giai đoạn đầu start-up đều tìm đầu ra thông qua kênh thương mại điện tử. Tuy nhiên, nếu phụ thuộc hoàn toàn vào kênh bán hàng online thì DN không đủ sức lớn lên" - ông Viên phân tích.

 Để khởi nghiệp đi vào chiều sâu (*): Không để cá lớn nuốt cá bé  - Ảnh 1.

Nhiều dự án khởi nghiệp từ sản phẩm chế biến sau thu hoạch .Ảnh: AN NA

Về giải pháp hỗ trợ DN khởi nghiệp, ông Viên cho rằng mọi hỗ trợ kịp thời từ các DN lớn, các nhà đầu tư thiên thần, các vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp… đều rất có giá trị đối với DN. Quan trọng nhất, Nhà nước cần có định hướng thị trường, hỗ trợ về hệ thống phân phối, công nghệ, kỹ thuật, định chế tài chính… và tạo thêm nhiều sân chơi thiết thực cho cộng đồng khởi nghiệp.

Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cũng nhìn nhận cả khởi nghiệp và lập nghiệp ở Việt Nam đều đang gặp những vướng mắc khiến DN, người trẻ không dễ thành công. Để hỗ trợ DN lập nghiệp thành công, nhà nước cần bảo đảm môi trường hoạt động công bằng cho DN; không để tình trạng "cá lớn" nuốt "cá bé". Các thương hiệu dù lớn, dù nhỏ cũng cần được pháp luật bảo vệ, tránh tình trạng hàng nhái, hàng giả. "Đặc biệt, phải có cơ chế về vốn. Không ít DN nhỏ và siêu nhỏ vừa ra lập nghiệp, khởi nghiệp với mô hình thành công, được khuyến khích nhưng khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng lại không được vì thiếu tài sản thế chấp. Bài toán về vốn là một trong những yếu tố quan trọng cần phải giải nếu muốn khởi nghiệp, lập nghiệp thành công cho các DN" - TS Đinh Thế Hiển nói.

Thêm nhiều chính sách hỗ trợ

Từ thực tiễn nhiều năm trong vai trò "bà đỡ" và tạo nhiều sân chơi cho các start-up trẻ tại TP HCM, mỗi năm cung cấp khoảng 26 dự án khởi nghiệp (trong đó có khoảng 15 dự án gọi vốn thành công), ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TP HCM (SIHUB), khẳng định khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của TP HCM đã đi vào chiều sâu. "Theo quy luật thị trường, cộng đồng start-up luôn có sự đào thải. Tuy nhiên, cuộc chơi start-up sẽ sôi động hơn, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nếu thu hút được sự tham gia thật sự của các trường đại học" - ông Tước nói. Lý do là thời gian qua các trường đại học chủ yếu tham gia kiểu phong trào. Trường, viện nào cũng mở vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp nhưng chưa có nhiều hoạt động thiết thực, cũng không có nhiều dự án ra đời.

Cũng theo ông Tước, Việt Nam được nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp của khu vực. Cả nước có hàng trăm tổ chức ươm tạo nhưng không có nhiều dự án gọi được vốn. Khoảng 200 tổ chức tài chính tại Việt Nam chỉ đang đầu tư vào khoảng 100 dự án, con số quá thấp so với tiềm năng thị trường.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, bà Lê Thị Bé Ba, Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo DN Nông nghiệp Công nghệ cao (AHBI) thuộc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM, thông tin hiện AHBI đang có 60 công ty khởi nghiệp đang hoạt động. "Nhu cầu khởi nghiệp ngày càng cao, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến sau thu hoạch. Các chủ dự án khởi nghiệp ngày càng tiến bộ vượt bậc do được các hệ sinh thái khởi nghiệp hỗ trợ khá nhiều. Các bạn ấy biết nhắm đến nhu cầu thực tế của thị trường và chọn những sản phẩm có tính đổi mới sáng tạo. Đồng thời, họ cũng biết tận dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, biết xây dựng thương hiệu rõ ràng, khởi nghiệp luôn vì cộng đồng và xã hội" - bà Bé Ba nhận xét.

Tại buổi gặp gỡ báo chí mới đây, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị là thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp. "Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP HCM ban hành các chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hy vọng thổi luồng gió mới cho phong trào khởi nghiệp, đặc biệt trong các trường đại học" - ông Dũng bày tỏ.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã ký Quyết định số 897/QĐ-TTg phê duyệt chương trình "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp" giai đoạn 2022-2030. Một trong các nhiệm vụ, giải pháp của chương trình là hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển kinh doanh: tìm kiếm, sàng lọc và củng cố các ý tưởng khởi nghiệp có tiềm năng; hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho thanh niên; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn, hỗ trợ tài chính thông qua các chương trình, chính sách ưu đãi cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp của Chính phủ; xây dựng các sàn giao dịch ý tưởng nhằm kết nối thanh niên với các quỹ đầu tư…

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 29-7

Hỗ trợ ít nhất 8.000 thanh niên khởi nghiệp

Chương trình "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp" giai đoạn 2022 -2030 đặt mục tiêu trong giai đoạn 1 (2022-2025) hỗ trợ ít nhất 8.000 thanh niên khởi nghiệp, trong đó có 1.000 thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hằng năm, 100.000 thanh niên được trang bị kiến thức, tập huấn nâng cao năng lực về khởi nghiệp và quản trị DN. Ít nhất 80.000 DN do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển DN; hỗ trợ thành lập 200 hợp tác xã do thanh niên làm chủ. Mỗi năm hỗ trợ duy trì ít nhất 200 xã triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và có sản phẩm của thanh niên đạt chuẩn OCOP.