Đấu giá "chảo lửa miền Trung" để xử lý khoản nợ 351 tỷ của Tập đoàn Thiên Thanh tại Agribank

Admin

Sân vận động Chi Lăng từng được giới hâm mộ bóng đá mệnh danh là "chảo lửa miền Trung" bởi sự cuồng nhiệt của khán giả Đà Nẵng nhưng từ khi ông Phạm Công Danh bị bắt để điều tra về nhiều tội danh, sân vận động Chi Lăng trở thành tài sản liên quan vụ đại án và gần như bỏ hoang.

Đấu giá

Ngân hàng Agribank vừa thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh.

Theo hợp đồng tín dụng ngày 22/07/2011 và các phụ lục hợp đồng kèm theo giữa Tập đoàn Thiên Thanh và Agribank, tổng khoản nợ tạm tính đến ngày 31/3/2024 là gần 351 tỷ đồng, bao gồm nợ gốc và lãi. Số tiền lãi tiếp tục phát sinh kể từ ngày 1/4/2024 cho đến khi Tập đoàn Thiên Thanh thanh toán hết nợ gốc và lãi tiền vay.

Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là quyền sử dụng đất của Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ Phong Hiệp tại thửa đất số 138, tờ bản đồ số 3 diện tích hơn 5.000m2 (địa chỉ: Lô số 09 Khu phức hợp thương mại và dịch vụ cao tầng tại khu vực sân vận động Chi Lăng, TP. Đà Nẵng). 

Giá khởi điểm bán đấu giá gần 351 tỷ đồng.

Sân vận động Chi Lăng có diện tích hơn 55.000m2, nằm tại “tứ giác vàng”, bao quanh bởi 4 tuyến đường Lê Duẩn - Chi Lăng - Ngô Gia Tự - Hùng Vương (quận Hải Châu), giữa trung tâm TP. Đà Nẵng. 

Sân vận động Chi Lăng từng được giới hâm mộ bóng đá mệnh danh là "chảo lửa miền Trung" bởi sự cuồng nhiệt của khán giả Đà Nẵng mỗi cuối tuần. Đây cũng là nơi chứng kiến những thăng trầm của bóng đá Đà Nẵng, đặc biệt là các chức vô địch quốc gia năm 1992, V-League 2009,..

Từ năm 2011, toàn bộ diện tích hơn 55.000m2 của SVĐ Chi Lăng đã được Đà Nẵng phê duyệt ranh giới, chuyển mục đích sử dụng cho Tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh. Chính quyền TP Đà Nẵng sau đó cũng đã cho chia nhỏ và cấp 10 giấy chứng nhận sử dụng đất tại SVĐ Chi Lăng và Tập đoàn Thiên Thanh đã mang đi cầm cố thế chấp để vay vốn ngân hàng.

Tháng 7/2014, ông Phạm Công Danh bị bắt để điều tra về nhiều tội danh, từ đó sân vận động Chi Lăng trở thành tài sản liên quan vụ đại án và gần như bỏ hoang, không ai quản lý và trông coi nên đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

photo-1712215448928

photo-1712215359808

Hình ảnh hoang tàn của SVĐ Chi Lăng

 Liên quan đến SVĐ Chi Lăng, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết: Từ sau năm 2018, sau khi bản án có hiệu lực, TP Đà Nẵng đã rà soát, đánh giá các vấn đề liên quan đến pháp lý, nhu cầu thực tiễn và UBND TP Đà Nẵng chính thức đã có văn bản kiến nghị Chính phủ nêu rõ nguyện vọng, xin được giữ lại SVĐ Chi Lăng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019, Tổng cục Thi hành án đã tổ chức phiên làm việc giữa UBND TP và Ngân hàng Xây dựng. Tuy nhiên, các bên đã không gặp nhau trong quan điểm vì xung đột về lợi ích kinh tế. Việc thương lượng xin giữ lại SVĐ Chi Lăng cho đến thời điểm đó vẫn chưa thành.

Ông Chương cho biết: Quan điểm của Đà Nẵng là xin giữ lại SVĐ Chi Lăng và hoàn trả số tiền mà Tập đoàn Thiên Thanh đã nộp vào ngân sách là 1.251 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm thương lượng, Tập đoàn Thiên Thanh phải trả cho ngân hàng với số tiền 8.408 tỷ đồng. Trong đó, tiền gốc là 4.000 tỷ đồng và tiền lãi phát sinh là 4.408 tỷ đồng.

“Mức yêu cầu của thành phố so với hiện trạng vay thực tế thể hiện trên hồ sơ vay ngân hàng của ông Phạm Công Danh thì không có điểm gặp nhau. Đây cũng là tài sản thi hành án nên chúng ta không thể sử dụng quyền của nhà nước để can thiệp, xử lý vấn đề có liên quan. Bởi, trong trường hợp này, thành phố cũng là một trong những đối tượng phải chấp hành bản án đã có hiệu lực”, ông Chương cho biết.