Nhân viên hỗ trợ người dân dán thẻ ETC - Ảnh: CHÂU TUẤN
Đến thời điểm này, số thẻ sử dụng ETC đã được dán đạt hơn 3,2 triệu thẻ trên hơn 4,3 triệu ôtô trên toàn quốc.
Nước đến chân mới nhảy
Ông Huỳnh Phương Sang (68 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết gần 2 tháng trước đưa xe đi dán thẻ ETC chỉ mất 2 phút là xong. Thế nhưng hôm rồi mới mua thêm xe nên đưa đi dán thẻ thì gặp tình trạng đông đúc, quá tải tại điểm dán, thời gian chờ đợi rất lâu.
"Tôi thấy việc áp dụng ETC này thuận lợi hơn rất nhiều, thời gian qua trạm rút ngắn đáng kể. Sở dĩ mấy ngày qua cao tốc ùn tắc phần lớn do yếu tố chủ quan, nhiều người chưa dán thẻ. Nếu ai cũng ý thức việc dán thẻ từ trước thì đâu có xảy ra tình trạng đó. Đừng để nước đến chân rồi mới nhảy", ông Sang chia sẻ.
Chiều 30-7, tại điểm dán thẻ Etag của Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) rộng khoảng 2.500m2 ở gần trạm thu phí xa lộ Hà Nội, hướng từ cầu Rạch Chiếc đi Suối Tiên (TP Thủ Đức) luôn trong tình trạng đông xe.
Một nhân viên tại đây cho biết đông nhất vào khoảng 14h - 17h hằng ngày, có lúc toàn bộ khu vực này đều chật kín xe của khách. Bình thường chỉ 2 phút sẽ thực hiện dán xong 1 xe, tuy nhiên vào giờ cao điểm thời gian có thể kéo dài thêm. Để đảm bảo không ùn tắc tại điểm dán, điểm dán thẻ hoạt động liên tục, mỗi ca trực có 40 - 50 nhân viên, cộng tác viên làm việc.
"Chúng tôi khuyến cáo khách hàng nên đi dán thẻ vào buổi sáng lúc thời tiết dễ chịu, đồng thời các hồ sơ tồn lại từ buổi tối đã được xử lý xong. Còn buổi chiều xe cộ vừa đông mà hồ sơ buổi trưa vẫn đang còn đọng lại do một số xe đến dán thẻ vào giờ nghỉ trưa", nhân viên này nói.
Còn tại các điểm dán thẻ ở trạm thu phí Long Phước (trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây), khu vực đầu đường dẫn cao tốc (gần nút giao An Phú) và khu vực trạm thu phí Phú Mỹ (TP Thủ Đức) cũng diễn ra khá tấp nập. Các nhân viên dán thẻ cho hay mặc dù đã triển khai áp dụng thẻ ETC từ trước đó rất lâu nhưng nhiều chủ xe chần chừ tới nay mới dán.
Nguồn: Công ty TNHHH MTV Thu phí tự động (VETC) - Đồ họa: N.KH.
60 ngày nữa mới đạt yêu cầu
Ông Hồ Trọng Vinh, phó tổng giám đốc VETC - đơn vị cung cấp thẻ Etag, cho biết từ ngày 19 đến 28-7, VETC đã dán thẻ cho hơn 125.000 xe, trung bình 12.500 thẻ/ngày, tăng gấp 6 lần trung bình 6 tháng đầu năm, nâng tổng số thẻ Etag đã dán lên 1,9 triệu.
"Hai ngày gần đây, tốc độ dán thẻ trên cả nước đạt 27.000 xe/ngày, tập trung phần lớn ở các tỉnh phía Nam. Với tốc độ dán thẻ hiện nay, trong vòng 60 ngày nữa sẽ đảm bảo tỉ lệ các xe dán thẻ trên toàn quốc lên tới 80 - 90% theo yêu cầu của Chính phủ", ông Vinh nói.
Ông Vinh cũng cho hay VETC bổ sung đội ngũ dán thẻ ở mỗi trạm BOT giúp khách hàng tranh thủ dán trước khi đi qua trạm. Tại TP.HCM, người dân có thể dán thẻ tại các điểm ở khu vực trạm BOT xa lộ Hà Nội, BOT An Sương - An Lạc, BOT cầu Phú Mỹ, khu vực nút giao An Phú...
Ngoài ra, đơn vị đã liên hệ với các trung tâm đăng kiểm, tại TP.HCM hầu hết các trung tâm đều có lực lượng để hỗ trợ dán thẻ. Riêng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, những ngày qua cũng được bố trí các điểm dán gần trạm thu phí, điểm ra vào, mỗi ngày hơn 3.000 thẻ. Tuy nhiên, từ 1-8 cao tốc chỉ sử dụng ETC nên cần chọn địa điểm dán thẻ phù hợp, tránh ùn tắc.
Có ý kiến tìm một bến bãi hoặc khu vực tập trung đủ rộng để dán thẻ, ông Vinh cho hay đơn vị cũng đã tính đến phương án này, tuy nhiên hiện chưa có khu vực nào đủ rộng để triển khai. Trong bối cảnh nhu cầu dán thẻ đang tăng, đơn vị sẽ nghiên cứu và có thể phối hợp với địa phương để hỗ trợ.
Ông Bùi Trình, tổng giám đốc Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (cung cấp thẻ ePass) - cho hay do sắp tới ngày 1-8, nên các cuộc gọi lên tổng đài tăng gấp 6 - 7 lần so với trước đây. Công ty đã huy động gấp đôi lực lượng để tổ chức dán thẻ cho khách hàng.
Đến thời điểm này nhu cầu dán thẻ rất đông, cao điểm có ngày khoảng 10.000 thẻ. Công ty mong bà con chưa có nhu cầu thì giãn thời gian nhằm giảm tải cho các đơn vị cung cấp dịch vụ ETC.
Hướng tới không còn trạm thu phí
Theo ông Hồ Trọng Vinh, thu phí không dừng ở Việt Nam có 4 giai đoạn. Hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn 1, cố gắng tiến tới giai đoạn 2, xong đến giai đoạn 3, giai đoạn 4.
Ở giai đoạn 4 là giai đoạn đa làn tự do, tức không còn trạm thu phí, không còn đảo thu phí nữa, các xe có thể đi qua. Đây là giai đoạn tốt nhất và mong muốn nhất của Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ.