Đại diện SACA: Thị trường bất động sản gần như đã chạm đáy và sắp hồi phục theo chữ U, kéo DN xây dựng và VLXD hồi phục

Admin

"Trong bối cảnh hiện nay, việc phục hồi thị trường nội địa có ý nghĩa “sống còn” để có thể vực dậy cộng đồng doanh nghiệp DN ngành VLXD".


Ngành VLXD trong năm 2024 được dự báo trong giai đoạn hồi phục, dù vẫn đối mặt với khá nhiều khó khăn và thử thách từ tác động của thị trường bất động sản. Điểm sáng của thị trường đến từ nguồn vốn dịch chuyển vào đầu tư công, vốn FDI vào thị trường Việt Nam. Các dự án hạ tầng giao thông, công nghiệp và đô thị vẫn đang được xúc tiến triển khai. Bên cạnh đó, Quốc hội đã và đang thông qua các Bộ luật và dự thảo Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản, góp phần làm tiền đề thúc đẩy sự phát triển của ngành trong thời gian tới

"Trong bối cảnh hiện nay, việc phục hồi thị trường nội địa có ý nghĩa "sống còn" để có thể vực dậy cộng đồng doanh nghiệp DN ngành VLXD. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng là giải pháp hết sức quan trọng, tạo đà để toàn ngành vực lên trong thời gian tới", ông Nguyễn Văn Anh - Uỷ viên Ban Chấp hành Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng Tp.HCM (SACA), Chủ tịch Chi Hội Ngành cửa Tp.HCM – chia sẻ tại buổi gặp gỡ mới đây.

Do vậy, theo vị này cần có sự điều chỉnh kịp thời về Chiến lược phát triển nhà ở, cụ thể là sớm điều chỉnh tỷ lệ giữa phân khúc nhà ở thương mại với nhà ở xã hội. Qua đó giải quyết triệt để tình trạng nhiều biệt thự, nhà liền kề, căn hộ cao cấp rải rác khắp nơi không có người ở, trong khi người thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp lại không có nhà để ở.

Trong đó, 'lực đẩy' lớn cho thị trường VLXD theo SACA đến từ những nỗ lực thúc đẩy đầu tư công. Tuy nhiên, nhu cầu VLXD từ đầu tư công chưa thể bù đắp được lượng dư cung VLXD và có thể dư hơn nữa nếu các doanh nghiệp hoạt động tối đa công suất thiết kế. Những tín hiệu phục hồi cho thị trường VLXD còn khá mờ nhạt. Trước hết là sự phụ thuộc của ngành VLXD vào bất động sản còn quá lớn, trong khi ngành bất động sản vẫn còn khó khăn và phục hồi ở mức độ chậm, chưa thể trở thành cú hích cho thị trường VLXD lội ngược dòng trong ngắn hạn.

Với những dự án đầu tư công lớn đã và đang triển khai như các đường vành đai, cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành sẽ giúp cho ngành xây dựng hạ tầng được hưởng lợi lớn trực tiếp trong năm 2024.

Theo ước tính của Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu đá xây dựng cho thi công sân bay Long Thành giai đoạn 1 lên tới 18 triệu m3, tương đương 56% công suất khai thác được cấp phép hàng năm của tỉnh Đồng Nai. Do đó, dự án này được kỳ vọng sẽ là cú hích lớn đối với các doanh nghiệp đá xây dựng trong thời gian tới. Và để thúc đẩy sự phục hồi nhanh, góp phần tạo động lực cho DN sau 'cơn bĩ cực 2023', lần đầu tiên SACA kết hợp với Hội ngành cửa Tp.HCM (Sadoor) phối hợp với nhau để tổ chức Hội chợ SACABuild với 250 gian hàng của 100 thương hiệu ngành xây dựng và vật liệu xây dựng tại địa phương này.

Còn về thị trường bất động sản, theo đại diện SACA hiện đang đi đến giai đoạn cuối của kỳ suy thoái, thậm chí được đánh giá gần như đã chạm đáy. Dự báo thị trường sẽ dần phục hồi từ đáy chữ U, thời gian phục hồi nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào các yếu tố tác động, cả vĩ mô và vi mô, trong đó quan trọng nhất vẫn là sự cải thiện niềm tin thị trường.

Năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức trong nửa đầu năm và sẽ có cải thiện nhẹ vào nửa cuối năm. Tốc độ cải thiện này sẽ được duy trì và cải thiện tốt hơn trong năm 2025 để thị trường từ năm 2026 sẽ 'ấm áp' hơn hẳn, sẵn sàng cho một chu kỳ phát triển mới.