Đà Nẵng phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động thẩm mỹ

Admin

Mặc dù thành phố Đà Nẵng đã “mạnh tay” ra quyết định xử phạt, nhưng các vi phạm liên quan đến chuyên khoa thẩm mỹ vẫn tái diễn.

Nhiều cơ sở thẩm mỹ viện bị xử phạt nặng

Thời gian qua, tại thành phố Đà Nẵng, nhiều cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ bị xử phạt mạnh tay.

Trong đó, cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ ID Korea (đường Hùng Vương, quận Thanh Khê), bị xử lý liên quan đến 5 hành vi vi phạm với tổng số tiền 180 triệu đồng. Đồng thời, xử phạt cá nhân người thực hiện phẫu thuật cho khách khi không có chứng chỉ hành nghề số tiền 35 triệu đồng, tổng mức tiền phạt là 215 triệu đồng.

Cụ thể, xử phạt số tiền 45 triệu đồng với hành vi cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Sức khỏe - Đà Nẵng phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động thẩm mỹ

Một thẩm mỹ viện tại thành phố Đà Nẵng bị cơ quan chức năng kiểm tra. 

Xử phạt 50 triệu đồng với 2 hành vi sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể… tại cơ sở không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ. Sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Xử phạt 15 triệu đồng với hành vi không thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại theo quy định.

Cuối cùng là phạt 70 triệu đồng vì kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong trường hợp hàng hóa vi phạm.

Ngoài xử phạt cơ sở, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà L.T.H (sinh năm 1999; là nhân viên của cơ sở) số tiền 35 triệu đồng về hành vi khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Kangzin (đường Hùng Vương, quận Thanh Khê), bị phạt lên tới 320 triệu đồng.

Hành vi vi phạm cụ thể, công ty đã không thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại theo quy định.

Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 70 triệu đồng.

Cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể, xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại các cơ sở không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ.

Sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đình chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Riêng tại quận Hải Châu, trong cuộc ra quân triển khai kiểm tra xử phạt hành chính liên quan lĩnh vực Y tế cũng phát hiện ra hàng loạt vi phạm.

Kết thúc đợt kiểm tra, trong 14 cơ sở được kiểm tra, có 2 cơ sở không cung cấp hoạt động dịch vụ thẩm mỹ; có 5/12 cơ sở (có đủ các chứng chỉ theo quy định và không vi phạm về hàng hóa và vượt quá phạm vi chuyên môn đăng ký) đã được đoàn kiểm tra hướng dẫn thực hiện thủ tục công bố đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ.

Đoàn kiểm tra xử lý vi phạm 7/12 cơ sở hoạt động dịch vụ thẩm mỹ có kiểm tra.

Cụ thể, không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định; nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; kinh doanh mỹ phẩm quá hạn dùng. Tổng số tiền phạt là 32,25 triệu đồng.

Thanh tra ra nhiều sai phạm

Liên quan vấn đề này, bà Trần Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế thành phố Đà Nẵng thông tin, hiện nay Bộ Y tế và Sở Y tế đã cấp phép cho 30 cơ sở hoạt động trong phạm vi chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn thành phố, trong đó có 11 bệnh viện, 1 phòng khám đa khoa và 18 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ.

Ngoài ra, có 47 cơ sở khám chữa bệnh trong lĩnh vực da liễu. Đây cũng là lĩnh vực tham gia thẩm mỹ nội khoa cho người dân.

Dịch vụ thẩm mỹ không thuộc diện cấp phép có số lượng hoạt động cũng nhiều, đây là hình thức cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động có điều kiện.

Sức khỏe - Đà Nẵng phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động thẩm mỹ (Hình 2).

Bà Trần Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế thành phố Đà Nẵng.

Theo Luật Khám chữa bệnh 2009 cũng như Nghị định 109 và 155 thì cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thuộc một trong các hình thức dịch vụ y tế có điều kiện, không phải cấp phép hoạt động nhưng phải thực hiện hồ sơ tự công bố đủ điều kiện.

Đến cuối 2023 có 129 cơ sở công bố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn. Tuy nhiên từ ngày 1/1/2024, Luật Khám chữa bệnh mới có hiệu lực thì trong 16 hình thức khám chữa bệnh đã không còn hình thức cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.

Tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ liên quan đến các kỹ thuật có trong danh mục thì phải thực hiện theo quy định của các cơ sở khám chữa bệnh. Nghĩa là phải được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp phép hoạt động.

Bà Thủy cho biết thêm, hiện nay các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động đều thuộc diện không phải thực hiện công bố theo luật cũ trước đây và không được phép thực hiện các kỹ thuật này.

Chính vì thay đổi về quy định nên trong thời gian qua rất nhiều cơ sở hoạt động chui, hoạt động không phép. Điều này có nguy cơ rất lớn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân khi sử dụng dịch vụ.

Trước nhu cầu chăm sóc sức khỏe, làm đẹp của người dân đang có xu hướng ngày càng gia tăng, ngành Y tế cũng đã báo cáo UBND thành phố và phối hợp các sở ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.

Trong năm 2023, đã thực hiện thanh tra tại 50 cơ sở, trong đó có 40 cơ sở đang hoạt động thì có đến 22 cơ sở có các dấu hiệu vi phạm quy định. Điều đó cho thấy số lượng cơ sở hoạt động rất lớn, số vi phạm cũng không phải là ít.

“Cơ quan quản lý nhà nước, các ngành chức năng đang quyết liệt trong công tác thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức, hiểu biết của người dân. Đồng thời, khuyến cáo người dân phải có đầy đủ thông tin, kiến thức về lĩnh vực này để tiếp cận dịch vụ thẩm mỹ một cách an toàn”, bà Thủy chia sẻ thêm.