Công nghiệp chế biến, chế tạo “hút” vốn FDI

Admin

Không chỉ thu hút lượng vốn đầu tư khủng đạt gần 8,84 tỷ USD, chiếm 63% tổng vốn FDI, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo còn có sức hấp dẫn đối với những tập đoàn lớn trên thế giới.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, 6 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút 16,03 tỷ USD vốn FDI, trong đó vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, đạt gần 8,84 tỷ USD, chiếm 63% tổng vốn FDI.

Không chỉ thu hút lượng vốn đầu tư khủng, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo còn có sức hấp dẫn đối với những tập đoàn lớn trên thế giới, như: Samsung, LG, Canon, Honda, Toyota,…

Trong đó, nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam sau một thời gian đầu tư và hoạt động hiệu quả như Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng 920 triệu USD; dự án Công ty TNHH Fujifilm Business Innovation Việt Nam (TPHCM), tăng 494,2 triệu USD; dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Bắc Ninh tăng gần 306 triệu USD, tại Nghệ An 260 triệu USD và tăng 127 triệu USD tại Hải Phòng; dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (Phú Thọ) tăng 163 triệu USD…

Ông Kim Byunggi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hansol Electronics Vietnam Hochiminhcity cho biết, sau vài năm đầu tư thành công vào Khu công nghiệp Amata ở thành phố Biên Hòa, hiện công ty đã tăng thêm 100 triệu USD thực hiện một dự án mới tại Khu công nghiệp Hố Nai giai đoạn 2. Nhà máy mới sẽ sản xuất, gia công, lắp ráp module hiển thị tinh thể lỏng, bản mạch điện tử với quy mô khoảng 10,8 triệu sản phẩm/năm. Sản phẩm của công ty chủ yếu cung ứng cho Tập đoàn Samsung và xuất khẩu.

Ông Daiki Mihara, Tổng giám đốc Honda Việt Nam cho biết, tập đoàn đầu tư vào Việt Nam từ năm 1996 với dự án đầu tiên tại tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay, bên cạnh nhà máy ở Vĩnh Phúc, Honda còn có nhà máy đặt tại tỉnh Hà Nam.

"26 năm qua, Honda luôn nỗ lực mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhằm đáp ứng kỳ vọng cho vị thế nhà sản xuất ô tô, xe máy hàng đầu tại Việt Nam" - ông Daiki Mihara khẳng định.

Chia sẻ về nguyên nhân khiến lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo hấp dẫn vốn FDI, theo ông Andrew Lee, Quản lý cấp cao, Bộ phận Phát triển kinh doanh thị trường Hàn Quốc của Savills Việt Nam cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam nhờ lợi thế về nguồn lao động, ổn định chính trị và tiến trình hội nhập kinh tế, quốc tế sâu rộng.

Công nghiệp chế biến, chế tạo “hút” vốn FDI - Ảnh 1.

Thu hút nhiều dự án FDI lớn vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo giúp tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư, tăng vị thế của Việt Nam trong bản đồ kinh tế thế giới.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Việt Nam thu hút nhiều dự án FDI lớn vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư, tăng vị thế của Việt Nam trong bản đồ kinh tế thế giới. Đây là điều tích cực trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau 2 năm chùng xuống do dịch bệnh Covid-19.

Đặc biệt, thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng giúp người lao động Việt Nam nâng cao tay nghề, giúp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua cung ứng các sản phẩm, linh kiện cho các tập đoàn lớn trên thế giới đang đầu tư tại Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề đáp ứng được nguồn nguyên phụ liệu trong nước đang là vướng mắc với các doanh nghiệp FDI. Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cho biết, trong thực tế, qua khảo sát cho thấy nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc mong muốn liên kết với các nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện, bán thành phẩm Việt Nam. Do công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn yếu, khó tìm kiếm nhà cung cấp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài quy mô lớn buộc phải lôi kéo các doanh nghiệp phụ trợ, đối tác bên nước họ sang Việt Nam đầu tư sản xuất.

“Nhu cầu liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam đã có, chúng ta cần có cơ chế, chính sách để nâng tầm các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam về trình độ công nghệ và kỹ năng quản lý để đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Thắng nhấn mạnh.

Muốn vậy, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, Nhà nước phải đóng vai trò “bà đỡ” đối với các doanh nghiệp trong nước thông qua việc xây dựng chiến lược phát triển một số lĩnh vực ưu tiên thuộc công nghiệp hỗ trợ để tập trung đầu tư, tránh dàn trải không hiệu quả.

Đồng thời xây dựng cổng thông tin kỹ thuật số, tạo dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến kết nối các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng trên toàn cầu. ban hành các cơ chế, chính sách, chương trình cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp FDI tự nguyện chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý, liên kết và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của họ.

Đặc biệt, các doanh nghiệp trong nước phải chủ động tiếp cận công nghệ mới của thế giới, tìm kiếm và lựa chọn sản phẩm phù hợp với khả năng của mình, nâng cao trình độ quản trị và kỹ năng quản lý đáp ứng điều kiện hợp tác với doanh nghiệp FDI.