CIO cần gì để giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc chuyển đổi số?

Admin

Bên cạnh tư duy chiến lược khác biệt, Giám đốc công nghệ thông tin - CIO (Chef Information Officer) cần có tầm nhìn dài hạn và thấu hiểu về hoạt động kinh doanh, đặc biệt áp dụng được cho tình hình thị trường Việt Nam để giúp doanh nghiệp về đích trong cuộc đua chuyển đổi số.

Trước sự phát triển vũ bão của công nghệ, chuyển đổi số không chỉ mang đến lợi thế cạnh tranh, mà còn là cốt lõi để tạo ra sự khác biệt cho một doanh nghiệp tiên phong. Tuy nhiên, cuộc cách mạng số chưa bao giờ dễ dàng, ngay cả khi doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư hạ tầng công nghệ.

Theo một kết quả nghiên cứu trên 70 tập đoàn toàn cầu, chỉ 30% trong số đó đạt được mục tiêu chuyển đổi số. Tại Việt Nam, tỷ lệ thành công thậm chí còn thấp hơn với chỉ 10% doanh nghiệp được Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khảo sát trong năm nay nhận thấy hiệu quả rõ ràng từ chuyển đổi số.

Hiểu đơn giản, chuyển đổi số là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang dạng doanh nghiệp số nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến như Cloud, ML/AI, AR/VR, RPA, Blockchain…. Trong đó, Giám đốc Công nghệ Thông tin (CIO) đóng vai trò không thể thay thế, quyết định thành bại của chiến lược chuyển đổi số.

Dưới đây là một số lưu ý dành cho CIO từ ABeam Consulting, công ty tư vấn chuyển đổi số với hơn 40 năm kinh nghiệm hoạt động tại Châu Á.

"Trang bị" cần thiết cho CIO trong kỷ nguyên số

Vì mục tiêu chuyển đổi số là phục vụ lợi ích chung, tác động tới tất cả mắt xích của doanh nghiệp, điều tiên quyết mà CIO cần có là sự ủng hộ của ban lãnh đạo và toàn bộ tổ chức.

"Chuyển đổi số là quá trình ứng dụng công nghệ một cách sáng tạo vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra đột phá về hiệu quả vận hành. Trong quá trình đó, công nghệ cần tích hợp xuyên suốt với chiến lược kinh doanh, cũng như mô hình tổ chức và văn hóa doanh nghiệp", ông Nguyễn Kế Thực, chuyên gia cấp cao, tư vấn hạ tầng Công nghệ thông tin của ABeam Consulting, nhận định.

CIO cần gì để giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc chuyển đổi số? - Ảnh 1.

Bên cạnh việc phải có tư duy chiến lược rõ ràng, CIO cần thấu hiểu chiến lược kinh doanh để xây dựng kế hoạch IT thực sự gắn kết, hài hòa giữa chi phí đầu tư và lợi ích kỳ vọng doanh nghiệp. CIO cũng phải trang bị khả năng đánh giá hiệu quả, bao gồm thiết lập công cụ quản trị, để đảm bảo mọi thứ đi đúng lộ trình vạch ra.

Tiếp theo là khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi của ngành và chính doanh nghiệp. "Công nghệ thông tin là công cụ đắc lực cho các phòng ban thực thi công việc khác nhau trong hoạt động kinh doanh. Các công việc này rất đa dạng về chuyên môn nghiệp vụ. Do đó, CIO cần có hiểu biết toàn diện về lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, nắm bắt nhanh chóng xu hướng công nghệ trong ngành và xác định cơ hội ứng dụng vào doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh", ông Thực giải thích.

Ngoài ra, CIO phải khuyến khích sáng kiến đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Để giảm bớt gánh nặng, CIO nên tổ chức đội ngũ chuyên trách (Center of Excellence) hỗ trợ thực thi và quản lý dự án sáng kiến cải tiến trong khoảng thời gian nhất định để tìm ra hướng đi phù hợp nhất.

Đa phần các quản lý IT cấp cao của các doanh nghiệp Việt Nam đang bị phụ thuộc nhiều về các công cụ, phần mềm và cho rằng họ đang dùng phần mềm cho việc chuyển đổi số, nhưng thực tế thì CIO cần thấu hiểu chiến lược và có bước đi triển khai phù hợp với lộ trình phát triển chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Những "cạm bẫy" cần tránh

Có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp thất bại trong nỗ lực chuyển đổi số, phần lớn xuất phát từ yếu tố phi công nghệ. Một số vẫn loay hoay khi tuyển dụng, bố trí và quản lý nhân sự, số khác lại tỏ ra lúng túng không biết lựa chọn lĩnh vực nào để bắt đầu.

Tại Việt Nam, không ít doanh nghiệp vội vã lao vào cuộc cách mạng số trong khi chưa có sự chuẩn bị đầy đủ. "Ngay từ ban đầu, CIO phải đánh giá mức độ nhận thức của các bên liên quan trong tổ chức, mức độ chấp nhận thay đổi và mức độ sẵn sàng về nguồn lực, ngân sách và chuyên môn cần thiết. Từ đó xây dựng phương án thực thi phù hợp. Ngược lại, nếu bắt đầu với một kế hoạch không đầy đủ thì doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro cao trong quá trình thực thi hoặc là không thể hoàn thành như mục tiêu đề ra", ông Okuda Naoto, chuyên gia tư vấn cấp cao của ABeam Consulting, khuyến cáo.

CIO cần gì để giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc chuyển đổi số? - Ảnh 2.

Việc lựa chọn và tiếp nhận công nghệ mới hoặc đang thịnh hành là tất yếu để tạo ra sản phẩm, dịch vụ khác biệt. Song nhiều CIO lại chú trọng quá nhiều vào giải pháp kỹ thuật giải quyết bài toán cho hướng kinh doanh cụ thể mà bỏ qua việc tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ trong toàn chuỗi giá trị (End to End Business Process), dẫn đến hiệu quả chương trình chuyển đổi số chưa cao.

Cuối cùng là vấn đề thiếu công cụ quản trị, giám sát và đo lường gây ra đầu tư trùng lặp, triển khai kéo dài, chậm thu hồi giá trị hoặc giá trị không đáp ứng kỳ vọng. CIO có thể tìm kiếm sự trợ giúp của các công ty tư vấn chuyển đổi số trong việc xây dựng khung quản trị, bộ chỉ số đo lường hiệu quả và giám sát thực thi.

"Việc CIO tham vấn ý kiến từ các công ty tư vấn giải pháp chuyển đổi số rất phổ biến", ông Okuda cho biết. "Trong một thập kỷ qua, ABeam Consulting trợ giúp nhiều CIO tại Thái Lan thông qua dịch vụ tư vấn CIO (CIOA). Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là trở thành bạn đồng hành, giúp CIO hiểu rõ về hiện trạng doanh nghiệp và đưa ra lời khuyên phù hợp. Điều này đặc biệt cần thiết tại Việt Nam, thị trường luôn thay đổi với quy mô ngày càng gia tăng".

Được thành lập vào tháng 6 năm 2018, ABeam Consulting Việt Nam (ABeam Việt Nam) có hơn 70 chuyên gia tư vấn từ Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực SAP, S&O (Strategy & Operation), DX (Digital Transformation). ABeam Consulting Việt Nam là một thành viên của ABeam Consulting Ltd. tại Nhật Bản, có mặt tại 13 quốc gia và 28 văn phòng.

ABeam Consulting chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn về chuyển đổi số, nhằm tạo ra lợi thế chiến lược, cải tiến quy trình kinh doanh, thúc đẩy đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức cho các công ty đa quốc gia cũng như các công ty bản địa hàng đầu trên toàn thế giới. ABeam hợp tác với khách hàng để nghiên cứu và giải quyết những thách thức thực tế trong hoạt động kinh doanh, bằng các giải pháp kết hợp thông lệ hoạt động tối ưu nhất trong ngành với chuyên môn về kỹ thuật. Phương pháp tiếp cận thực tế của ABeam đảm bảo mang đến giá trị thực tế cho khách hàng một cách nhanh chóng. Với trụ sở chính tại Tokyo, ABeam hiện đang có hơn 6.900 chuyên gia, phục vụ hơn 700 khách hàng trên khắp châu Á, châu Mỹ và châu Âu.

https://cafef.vn/cio-can-gi-de-giup-doanh-nghiep-viet-nam-tang-toc-chuyen-doi-so-20220721093515404.chn