Chuyện 'thử và sai' ở cụm rạp nghìn tỷ của Shark Minh Beta: Mở mô hình nhượng quyền, bán đủ loại đồ ăn, ấp ủ ý tưởng rạp lưu động trên xe tải

Admin

Với quan niệm "làm rồi mới biết hiệu quả hay không", Shark Minh đã triển khai nhiều ý tưởng tại cụm rạp chiếu phim bình dân Beta Cinemas. Có ý tưởng thành công như mô hình nhượng quyền, nhưng cũng có thất bại như việc tích hợp dịch vụ F&B bán đủ loại đồ ăn ngay trong rạp.

Trở về Việt Nam năm 2014 sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Harvard danh giá của Mỹ, Bùi Quang Minh quyết định khởi nghiệp lần thứ hai sau thành công của dự án F&B Doco Donuts. Lần này, lĩnh vực được lựa chọn là rạp chiếu phim, hướng tới phân khúc bình dân. Cụm rạp Beta Cinemas ra đời và giờ đây trở thành cái tên gắn liền với doanh nhân sinh năm 1983.

Từ số vốn 5 tỷ đồng, Beta Media – đơn vị vận hành Beta Cinemas sau 3 năm thành lập đã được định giá 600 tỷ đồng. Năm 2020, với khoản đầu tư 8 triệu USD từ Quỹ đầu tư Daiwa PI Partners (Nhật Bản), Beta Media cán mức định giá doanh nghiệp là 1.000 tỷ đồng, bất chấp bối cảnh Covid-19 khiến các rạp chiếu phim điêu đứng.

Chia sẻ về cách xây dựng và vận hành cụm rạp nghìn tỷ tại sự kiện Shark Tank Forum năm 2020, Minh Beta – gương mặt mới tham gia "bể cá mập" từ mùa 6 – cho biết khi anh gia nhập thị trường, mọi người thường nghĩ ngành rạp chiếu phim không có gì mới để làm được nữa.

"Cách tôi làm đơn giản là nhìn vào khoảng giá của các chuỗi rạp phim thời điểm đó đang khá cao so với thu nhập của đại đa số người dân Việt Nam. Tôi nghĩ việc tạo ra mô hình kinh doanh gọn hơn về chi phí, không vào các trung tâm thương mại quá đắt tiền mà đi ra những vùng xa hơn một chút, tập trung vào nhóm khách hàng thu nhập thấp hơn cũng là một lựa chọn đổi mới sáng tạo. Chỉ khi thực hiện xong tôi mới biết việc đó có hiệu quả hay không", Shark Minh Beta phân tích.

Trong quá trình phát triển doanh nghiệp, do ảnh hưởng của Covid-19, Beta Cinemas buộc phải tiếp tục đổi mới. Ví dụ điển hình là bắt đầu mở rộng mô hình nhượng quyền rạp chiếu phim.

"Đây là một cách làm có thể nói là rất lạ ở Việt Nam cũng như trong khu vực. Chẳng có ai đi nhượng quyền rạp chiếu phim cả, nhưng tôi đã làm được. Đến bây giờ tôi đã nhượng quyền 4 cơ sở và ký được vài hợp đồng tiếp theo cho những năm tới", Shark Minh cho biết.

Theo tìm hiểu, Beta Cinemas hiện nay đang giới thiệu 3 gói nhượng quyền, bao gồm: Beta Lite - thiết kế trẻ trung, chất lượng tiêu chuẩn; Beta Standard - thiết kế hiện đại, chất lượng quốc tế và Beta Premium - thiết kế sang trọng, chất lượng đẳng cấp. Thương hiệu bao gồm gần 20 cụm rạp trên cả nước và đang tiếp tục được mở rộng.

Chuyện 'thử và sai' ở cụm rạp nghìn tỷ của Shark Minh Beta: Mở mô hình nhượng quyền, bán đủ loại đồ ăn, ấp ủ ý tưởng rạp lưu động trên xe tải- Ảnh 1.

Tại sự kiện hồi năm 2020, Shark Minh Beta tiết lộ đội ngũ Beta Cinemas trong thời kỳ Covid-19 còn ấp ủ mô hình "portable cinema" – nghĩa là rạp chiếu phim lưu động.

"Rất nhiều người dân Việt Nam bây giờ không thể đến với những cụm rạp hiện đại ở trung tâm các thành phố lớn. Tôi nghĩ nếu họ không tới được thì mình mang rạp chiếu phim đến với họ. Từ đó, chúng tôi tạo ra concept rạp chiếu phim trên xe tải, có thể đến được rất nhiều vùng quê", Shark Minh Beta nêu ý tưởng.

Tuy nhiên, không phải ý tưởng nào cũng thành công, đúng như quan niệm "có làm mới biết". Đề cập tới thất bại khi phát triển chuỗi Beta Cinemas, Shark Minh Beta cho hay anh từng tin rằng ngoài đi xem phim mọi người còn có nhu cầu ăn uống, nên quyết định xây dựng tổ hợp bao gồm cả xem phim và dịch vụ F&B, trong đó có nhiều đồ ăn khác nhau như món Thái, Việt, Hàn…

"Tuy nhiên, đến lúc triển khai mới thấy việc làm F&B trong một chuỗi rạp như vậy quá phức tạp về vận hành, khiến đội ngũ của tôi bị căng thẳng và chìm vào vấn đề của F&B, trong khi doanh thu và lợi nhuận từ mảng đó tính trong tỷ trọng tổng thể không quá lớn.

Khi thấy không đúng thì mình bỏ đi thôi, chỉ tập trung vào rạp chiếu phim và phần F&B nhường cho các đối tác làm cùng. Có thử mới biết mình làm được hay không", Shark Minh nêu quan điểm.