Là một trong những ngành trọng điểm với lợi thế về vùng nguyên liệu và nhân công, ngành Dệt may Việt Nam sau hơn 20 năm liên tục phát triển với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 15%/năm. Kim ngạch xuất khẩu ngành hiện đóng góp từ 10-15% GDP hàng năm, Việt Nam cũng đang là 1 trong 5 nhà xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới với thị phần 4-5%.
Tự động hoá về đóng gói đang là mong đợi lớn của doanh nghiệp trước thách thức phân bổ lao động hậu Covid-19
Riêng 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 18,65 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ. Đây là con số tương đối ấn tượng trong bối cảnh toàn ngành đang hồi phục hậu Covid-19, chưa kể thị trường hiện khá biến động trước các sự kiện tăng giá cả hàng hoá, xung đột Nga – Ukraina…
Dù vậy, vẫn còn rất nhiều thách thức cho toàn ngành nói chung và doanh nghiệp nói riêng, khi trong sân chơi ấy Việt Nam vẫn là quốc gia gia công cho các thương hiệu ngoại và chưa khai phá được tiềm lực vốn có. Chia sẻ tại Sự kiện quốc tế SaigonTex & SaigonFabric 2022, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) – nhấn mạnh: "Tỷ trọng ngành dệt may Việt Nam trên thế giới còn nhỏ, còn manh mún so với thế mạnh, tiềm lực của chúng ta".
Được biết, SaigonTex & SaigonFabric là triển lãm ngành dệt/may, vải và phụ liệu tại Việt Nam trong những năm qua. Quy mô năm nay đạt diện tích gian hàng gần 10.000 m2, với hơn 278 đơn vị triển lãm đến từ 16 quốc gia như Trung Quốc, Đức, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Anh, Mỹ….
"Năm nay triển lãm diễn ra và thẳng thắn trao đổi vấn đề lớn, chính là cần tạo ra khác biệt trong tầm nhìn giải pháp của ngành. Khi mà, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, không chỉ ngành dệt may mà cả ngành công nghiệp các các máy móc thiết bị cho ngành dệt may đang trở thành vấn đề cấp thiết. Trong đó, tự động hoá về đóng gói, tinh gọn sản xuất đang là mong đợi lớn của doanh nghiệp trước thách thức phân bổ lao động hậu Covid-19", ông Giang nhấn mạnh.
Áp lực về các sản phẩm tái chế đang cấp thiết, nhiều khách hàng đòi hỏi chúng ta phải làm được điều đó
Bên lề triển lãm, ông Giang cũng đã có những trao đổi, kiến nghị về quản trị số thông qua nền tảng công nghệ. Bởi, trong bối cảnh chiến dịch Zero Covid của Trung Quốc, việc quản trị hoạt động là cần thiết khi nhiều nước cùng mong muốn chuyển dịch dòng vốn, các công nghệ của họ sang Việt Nam. Sự chuyển dịch này cũng mở ra thị trường mới trong ngành công nghiệp phụ liệu và ngành thời trang toàn cầu.
Trong đó, Chủ tịch Vitas đặc biệt nhấn mạnh áp lực đơn hàng hiện nay đang có thay đổi: Cụ thể là áp lực về các sản phẩm tái chế, nhiều khách hàng đòi hỏi chúng ta phải làm được điều đó. Do vậy, doanh nghiệp dệt may cần xác định được tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ trong sản xuất, từ đó đáp ứng được yêu cầu của đối tác, đặc biệt là nhóm khách hàng lớn từ các nước như châu Âu.
Và để doanh nghiệp thấy được tầm quan trọng của yêu cầu này mà đầu tư phát triển, theo ông Giang có 3 vấn đề lớn đòi hỏi Chính phủ cũng như các cơ quan địa phương cần hỗ trợ, bao gồm:
Thứ nhất, cơ chế chính sách: cần khuyến khích doanh nghiệp phát triển các sản phẩm mang chất xám cao, như hàng FOB. Song song, chính sách liên quan đến thuế nhập khẩu cũng cần được cân nhắc bỏ sớm.
"Bởi, dù 1 đồng giảm phí cũng đã là rất tích cực cho doanh nghiệp, 1 đồng thu dịch vụ giảm đi tôi tin chắc vẫn tạo được động lực tăng trưởng lớn cho các đơn vị sản xuất", ông Giang nói.
FOB là từ viết tắt của Free On Board, có nghĩa doanh nghiệp chỉ nhận đơn hàng từ khách, sau đó chủ động tiến hành may và hoàn thành sản phẩm.
Thứ hai, cơ chế về tài chính: trọng tâm là đầu tư vào năng lượng tái tạo và giảm dùng nguồn nước. Vì sao?, vì các nhãn hàng đòi hỏi chúng ta phải tuân thủ việc doanh nghiệp sản xuất đảm bảo chuẩn mực xanh hoá, do đó Việt Nam cần có cơ chế khuyến khích các bên đầu tư vào quy trình sản xuất. Trong đó, hạn chế tối đa dùng than đá, dầu để đốt, mà thay thế bằng nồi hơi hơi điện. Riêng với nồi hơi điện thì dùng năng lượng mặt trời song song sẽ rất hiệu quả.
Thứ ba, khuyến khích phát triển các trung tâm nghiên cứu: đặc biệt tại Tp.HCM, nên khuyến khích để các nhà sản xuất, nhà thiết kế có các trung tâm phát triển mẫu, biển diễn thời trang… Để làm sao chúng ta làm chủ được mẫu mã, làm chủ được nhãn hàng của chúng ta, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà cả trên thị trường xuất khẩu.
Đáng khen là các mặt hàng thời trang của các nhà thiết trẻ Việt được đưa lên TMĐT tương đối tốt
Mặt khác, trong xu thế thương mại điện tử là tất yếu (TMĐT), ông Giang cũng nhấn mạnh Việt Nam không thể làm khác được. Hiện, chúng ta đang bán hàng theo cách truyền thống tại các cửa hàng, TTTM... nhưng với TMĐT chỉ các doanh nghiệp nào có được nền tảng và nguồn lực bán hàng tốt mới có thể cạnh tranh. Do đó, các bên phải hợp tác, làm sao cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này mới có thể nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường.
Cũng theo ông Giang, hiện nay mặt hàng được bán trên các sàn chủ yếu là đồ trẻ em, đồ mặc nhà, sơ mi nam nữ, đồ thun, jeans... Đáng khen hơn là những mặt hàng thời trang có sự khác biệt lớn của các nhà thiết trẻ Việt Nam với tư duy sáng tạo cũng được đưa lên TMĐT tương đối tốt thời gian qua.
Dù vậy, khó khăn lớn nhất để Việt Nam có được chỗ đứng trên thế giới, tức việc đưa sản phẩm dệt may mang thương hiệu Việt Nam vào thị trường thế giới cả kênh truyền thống và kênh TMĐT, vẫn bị "tắc" do 3 nguyên nhân sau:
(i) Chúng ta chưa có quy mô lớn, còn manh mún, nhỏ lẻ;
(ii) Chúng ta chưa chủ động thâm nhập các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc. Hiện, có một số thương hiệu Việt Nam như Viettien đã xuất qua Myanamar, nhưng qua các nước lớn như châu Âu, Mỹ thì chưa làm được. Nguyên nhân vì công tác quảng bá chưa được đầu tư và thực thi mạnh mẽ, chúng ta cũng chưa hiểu hết được gu ăn mặc của người dân sở tại.
(ii) Cuối cùng là là khó khăn liên quan đến nguồn lực, đặc biệt nguồn lực trong công tác quản trị số, quản trị mạng và kinh doanh trên nền tảng TMĐT.
Với những tồn đọng này, Chủ tịch Vitas thẳng thắn kiến nghị 2 giải pháp cần quan tâm. Đầu tiên xu thế TMĐT cùng với xu thế chuyển dịch dệt may từ các nước đến Việt Nam là xu hướng tất yếu, và chúng ta phải tuân thủ luật chơi toàn cầu. Không chỉ phải đáp ứng được các yêu cầu tiêu chí đề ra, mà doanh nghiệp cần hiểu được văn hoá, gu thẩm của các nước chúng ta muốn thâm nhập.
Hơn nữa, vấn đề thứ hai cũng là vấn đề trọng điểm, các doanh nghiệp chủ động xây dựng nền tảng chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu.
"Từ đó, doanh nghiệp dệt may mới có thể đáp ứng yêu cầu và chủ động trong việc phát triển mẫu mã. Có như vậy, ngành dệt may mới thoát ra được, chúng ta đang sản xuất trên thương hiệu người khác. Tỷ trọng ngành dệt may Việt Nam trên thế giới còn nhỏ, còn manh mún so với thế mạnh, tiềm lực của chúng ta", ông Giang chốt lời.
https://cafef.vn/chu-tich-hiep-hoi-det-may-chi-ra-3-nguyen-nhan-khi-doanh-nghiep-viet-van-mai-phai-san-xuat-tren-thuong-hieu-nguoi-khac-20220716120529689.chn