Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực chịu nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như tác động của xung đột Nga - Ukraine, áp lực lạm phát tại nhiều quốc gia, giá nhiều mặt hàng trên thế giới tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng… Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình, từ đó tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các kịch bản phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, giải pháp ứng phó kịp thời, giảm tác động tiêu cực và đạt được mục phát triển kinh tế xã hội.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ đã nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp và đề xuất kịp thời các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm điều hành phát triển kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định: “Kết quả của 6 tháng đầu năm thì rất là tốt nhưng 6 tháng cuối năm phải nỗ lực hơn, tình hình đang còn rất khó lường, các yếu tố có thể làm tăng lạm phát, có thể tác động xấu đến giá cả nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất, ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất trong nước. Chúng ta phải bám sát với tình hình, theo dõi chặt chẽ, có những dự báo phân tích, có những tham mưu, đề xuất chính xác kịp thời giúp cho Chính phủ điều hành linh hoạt chủ động, có thể vượt qua và hoàn thành nhiệm vụ mục tiêu của cả năm cũng như là lấy lại được đà tăng trưởng trước đây để tiếp tục dẫn dắt cho năm 2023 và các năm tiếp theo”.
Trong 6 tháng cuối năm, bên cạnh các nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai công tác xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định và các Thông tư hướng dẫn. Đồng thời, triển khai xây dựng và hoàn thiện Đề án bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn.