Chi phí bán hàng một công ty con của NXB Giáo dục Việt Nam tăng kỷ lục

Admin

Công ty Sách và Thiết bị trường học Tp.HCM do NXB Giáo dục Việt Nam nắm 52,5% vốn ghi nhận chi phí bán hàng gần 53 tỷ đồng năm 2021, mức cao nhất từ ngày thành lập.

Công ty Sách và Thiết bị trường học Tp.HCM (HNX: STC) là công ty con được Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam góp vốn nhiều nhất, tương ứng khoảng 37 tỷ đồng và cũng là đơn vị đạt lợi nhuận cao nhất nhiều năm liên tiếp trong 7 công ty con.

Công ty con được NXB Giáo dục góp vốn nhiều nhất

Công ty Sách và Thiết bị trường học Tp.HCM được thành lập vào cuối năm 1984 theo quyết định của UBND Tp.HCM, từ sự hợp nhất của Phòng Phát hành - Thư viện và Trung tâm Thiết bị trường học thuộc Sở Giáo dục Tp.HCM.

Năm 2001, thực hiện chủ trương của UBND Tp.HCM về việc sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước , Xí nghiệp Học cụ và Xí nghiệp In chuyên dùng đã sáp nhập vào Công ty Sách và Thiết bị trường học Tp.HCM, tổng hợp chức năng của 3 đơn vị trước sáp nhập thành một.

Năm 2005, UBND Tp.HCM ra Quyết định phê duyệt phương án và chuyển Công ty Sách và Thiết bị trường học thành phố thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thành Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Tp.HCM.

Năm 2006, UBND Tp.HCM ra Quyết định chuyển Công ty Sách và Thiết bị trường học Tp.HCM về Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) để hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con cho đến nay. Trong các công ty con của NXB Giáo dục Việt Nam, đây là công ty có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu lớn nhất, lần lượt là 56,6 tỷ đồng và 104,6 tỷ đồng.

Theo báo cáo gần nhất NXB Giáo dục Việt Nam, đây vẫn là công ty mẹ, sở hữu khoảng 52% vốn điều lệ của Công ty Sách và Thiết bị trường học Tp.HCM, tương ứng giá trị vốn góp 37 tỷ đồng. Đây cũng là khoản vốn góp lớn nhất của NXB Giáo dục Việt Nam tại 7 công ty con. Tuy nhiên, NXB Giáo dục Việt Nam cũng đang có ý định giảm tỉ lệ sở hữu xuống còn 45%, kế hoạch dự kiến hoàn thiện trong thời gian từ 2018-2022, hiện đến hết quý I/2022, thương vụ thoái vốn vẫn chưa diễn ra thành công.

Hồi tháng 11/2020, NXB Giáo dục Việt Nam từng đấu giá 427.280 cổ phần STC, với giá 89.600 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, đã không có nhà đầu tư nào tham gia phiên đấu giá. Thời điểm đó, STC chỉ đạt khoảng 13.000-14.000 đồng/cổ phiếu.

Hồ sơ doanh nghiệp - Chi phí bán hàng một công ty con của NXB Giáo dục Việt Nam tăng kỷ lục

STC gần như không có thanh khoản trên sàn giao dịch. (Ảnh: FireAnt)

Theo báo cáo quản trị công ty năm 2021, hiện công ty có 5 người trong Hội đồng quản trị. Trong đó, ông Nguyễn Chí Bình là Chủ tịch HĐQT, ông Từ Trung Đan là Tổng Giám đốc, ông Đỗ Thành Lâm là Thành viên HĐQT không điều hành, ông Nguyễn Văn Cung là Thành viên HĐQT không điều hành, bà Huỳnh Thị Bích Hạnh là kế toán trưởng kiêm người công bố thông tin của công ty. Trong đó, ông Từ Trung Đan hiện đang nắm 375.190 cổ phiếu STC, tương ứng tỉ lệ 6,62%, thành viên duy nhất trong ban điều hành là cổ đông lớn tại đây.

Công ty Sách và Thiết bị trường học Tp.HCM hiện còn là công ty mẹ của Công ty Cổ phần Giáo dục An Đông, với tỉ lệ sở hữu là 52,77%.

Chi phí bán hàng đạt kỷ lục năm 2021

Trong 7 công ty con của NXB Giáo dục, đây cũng là công ty có kết quả lợi nhuận cao nhất. 

Năm 2021, công ty đạt doanh thu 520 tỷ đồng, giá vốn của công ty lên tới 407 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng lên tới 53 tỷ đồng và 40 tỷ đồng. Công ty lãi 21,3 tỷ đồng.

Năm 2021 là năm công ty ghi nhận chi phí bán hàng cao nhất trong lịch sử từ ngày thành lập của công ty. Năm 2020 liền trước, khoản chi phí này cũng lên tới hơn 49 tỷ đồng. Các năm trước đó chi phí này chỉ dao động trong khoảng từ 20-30 tỷ đồng. Chi tiết về mục này, công ty trích tiền lương, trích theo lương 31,7 tỷ đồng, khấu hao tài sản cổ định 561 triệu đồng, chi phí vận chuyển 3,8 tỷ đồng, tiền thuê đất 3,4 tỷ đồng còn các khoản khác là 13,3 tỷ đồng, song khoản này không được nêu rõ.

Năm 2021 cũng ghi nhận là năm thu nhập lao động và số lao động của công ty đạt cao nhất từ ngày thành lập. Theo đó, năm 2021 công ty có 266 người lao động với thu nhập trung bình 17,6 triệu đồng/người. Năm 2020, công ty có 258 người và thu nhập chỉ đạt 15,6 triệu đồng trung bình. Con số này năm 2019 là 14,4 triệu đồng với 261 người lao động còn năm 2018 là 12,4 triệu đồng với 214 người lao động.

Năm 2021, công ty mẹ của Công ty Sách và Thiết bị trường học Tp.HCM là NXB Giáo dục Việt Nam cũng đạt lợi nhuận kỷ lục. Với sản lượng phát hành sách giáo khoa là 164,6 triệu bản, đạt 140% so với kế hoạch đặt ra, công ty có doanh thu 1.828 tỷ đồng, đạt 132% so với kế hoạch Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra. Lợi nhuận sau thuế của NXB Giáo dục này đạt 287,4 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với kế hoạch cơ quan chủ quản đặt ra. Đây cũng là mức kỷ lục đạt được từ ngày NXB Giáo dục được thành lập. 

Đặt kế hoạch kinh doanh "đi lùi"

Dù vậy, ông Từ Trung Đan, Tổng Giám đốc công ty vẫn dự đoán năm 2022 sẽ gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và chưa có dấu hiệu dừng hẳn; tình hình thế giới diễn biến phức tạp làm giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, chưa kể còn có sự cạnh tranh gay gắt của các công ty cùng ngành.

Ngoài ra, công ty có dự định trang bị thêm thiết bị máy móc để tăng năng suất, giảm hao phí nguyên liệu. Cùng với đó, sẽ hoàn thiện pháp lý các khu đất và khai thác hiệu quả, hợp lý các cơ sở vật chất của công ty.

Năm 2022, Công ty Sách và Thiết bị trường học Tp.HCM đặt mục tiêu doanh thu 489 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng là 19,8 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này đều "đi lùi" so với kết quả thực hiện năm 2021. Công ty cũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến sản phẩm thiết bị giáo dục theo chương trình giáo dục năm 2018. Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm mới, sản phẩm thế mạnh của công ty.

Quý đầu năm 2022, theo Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất, Công ty Sách và Thiết bị trường học Tp.HCM ghi nhận doanh thu 58 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn bán hàng lên tới 37,9 tỷ đồng, trong khi chỉ tiêu này quý đầu năm 2021 chỉ là 32,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng là 6,5 tỷ đồng, tăng so với mức 5,8 tỷ đồng cùng kỳ năm trước; chi phí quản lý doanh nghiệp là 10,2 tỷ đồng. Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 3 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước đạt 2,4 tỷ đồng.

Như vậy, sau 1/4 năm tài chính, công ty mới thực hiện được 11,8% kế hoạch doanh thu và 15% chỉ tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, cao điểm của những công ty kinh doanh sách là quý III, khi học sinh bước vào khai giảng năm học mới.

Tổng tài sản của công ty tại ngày 31/3 là 202 tỷ đồng, giảm khoảng 38 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tổng nợ phải trả là 69,5 tỷ đồng trong khi thời điểm đầu năm là 110 tỷ đồng. 

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu STC "ngược dòng" thị trường chung. Mã này được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) nên biên độ dao động lớn, kết phiên ngày 20/7, STC dừng tại mức 26.500 đồng/cổ phiếu, tăng trái với diễn biến giảm của VN-Index, từ mức chưa tới 20.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2022. Số lượng cổ phiếu đang lưu hành chỉ có 5,6 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn hóa hơn 150 tỷ đồng. Tuy vậy, cổ phiếu này gần như không có thanh khoản hoặc thanh khoản chỉ đạt vài trăm cổ phiếu. Phiên 20/7, dù tăng tới 9,5% song mã này chỉ có 300 cổ phiếu được giao dịch. 

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn hôm 5/7 đã ký quyết định kỷ luật cảnh cáo với ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch hội đồng thành viên NXB Giáo dục Việt Nam. Ông Thái bị xác định có những vi phạm nghiêm trọng như có khuyết điểm trong chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, biên soạn, phát hành sách giáo khoa mới và chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo.

Ông Thái cũng bị kết luận mắc nhiều khuyết điểm, sai phạm khác như thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, dẫn đến không kịp thời phát hiện nghị quyết ban hành trái pháp luật của Nhà nước.

Trước đó, cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, đánh giá toàn diện hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nói chung cũng như quá trình xuất bản sách giáo khoa nói riêng.