Châu Âu gấp rút cải tổ thị trường mua bán điện

Admin

Hôm nay (9/9), Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ họp bất thường tại Brussels (Bỉ) tìm giải pháp cải cách thị trường...

Liên minh châu Âu áp dụng quy tắc tính giá điện bán buôn căn cứ theo nguồn nguyên liệu có chi phí cao nhất được huy động. Khi nhu cầu tiêu thụ điện tăng tới mức phải dùng điện nguyên tử, thì chi phí sản xuất điện nguyên tử là căn cứ tính giá điện. Nhu cầu cao thêm, phải khởi động điện than thì giá bán điện căn cứ theo than.

Quy tắc trên có lợi cho người tiêu dùng và thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, khi giá khí đốt tăng vọt đã nảy sinh vấn đề đó là giá bán buôn điện tăng cả chục lần theo điện khí, còn các doanh nghiệp đầu tư vào điện gió, điện mặt trời lợi nhuận lại tăng gấp 6 đến 7 lần.

"Chúng tôi nhận thấy có hiện tượng đầu cơ trên thị trường điện bán buôn, khi mà giá khí đốt rất cao và giá điện vẫn neo vào giá khí đốt. Nhiều doanh nghiệp sản xuất điện đang thu được lợi nhuận siêu ngạch. Do đó chúng tôi quyết tâm cải tổ thị trường điện, để lợi nhuận của các nhà sản xuất điện về mức hợp lý", Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho hay.

Châu Âu gấp rút cải tổ thị trường mua bán điện - Ảnh 1.

Giá điện tại châu Âu đang tăng cao. Ảnh: Reuters.

Đã tới lúc phải cải tổ thị trường bán buôn điện hoặc giữ nguyên mô hình nhưng đánh thuế vào lợi nhuận siêu ngạch của năng lượng tái tạo và điện nguyên tử, dùng tiền đó để trợ giá điện bán lẻ. Ngoài ra có thể tách giá điện khỏi giá khí đốt và căn cứ vào mức giá của nguyên liệu ngay sát sau, lúc này là than. Hoặc bãi bỏ cơ chế hiện có, áp đặt giá trần cho từng loại hình phát điện nhưng phương án này dễ làm mất động lực phát triển năng lượng tái tạo.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho hay: "Giá bán buôn trên thị trường điện châu Âu phải gắn với chi phí sản xuất điện. Ngày nay, giá bán buôn điện phụ thuộc quá nhiều vào giá khí đốt".

Giá bán buôn điện không tỷ lệ với giá bán lẻ vì người dùng điện còn phải trả thêm chi phí truyền tải điện và các loại thuế. Giá bán buôn điện có tăng nhưng chi phí truyền tải vẫn vậy, nếu giảm thuế tương ứng thì vẫn kiềm chế được giá bán lẻ.

Tuy nhiên, khi mà giá bán buôn tăng gấp cả chục lần, giảm thuế không còn tác dụng, các nước châu Âu nay phải dùng công quỹ trợ giá điện bán lẻ. Nhờ giảm thuế và trợ giá mà giá điện bán lẻ tại Vương quốc Bỉ chẳng hạn không tăng tỷ lệ với giá điện bán buôn.