Campuchia kiểm tra mì Việt Nam về hóa chất cấm

Admin

Campuchia đang thành lập các đoàn kiểm tra tất cả các loại mì hiện có trên thị trường do quan ngại về các sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam.

Trước đó, 3 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) là Đức, Ba Lan và Malta đã gửi cảnh báo, thu hồi hoặc trả lại sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri, bánh phở nhập khẩu từ Việt Nam do chứa chất cấm ethylene oxide vượt ngưỡng quy định của khu vực này.

Việc kiểm tra nhằm xác định xem có nhãn hiệu mì ăn liền nào chứa các hóa chất bị cấm hoặc sử dụng quá mức, như ethylene oxide và một chất bị cấm khác.

Đại biểu Chính phủ Hoàng gia Campuchia phụ trách Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ người tiêu dùng, Cạnh tranh và Chống gian lận, Phan Oun chỉ rõ, nếu phát hiện loại mì này vào thị trường Campuchia, đơn vị này sẽ vào cuộc để thu hồi.

Ông Phan Oun cho biết thêm, đơn vị sẽ phối hợp với Tổng cục Hải quan và Tiêu chuẩn Campuchia để phân loại mì này vào loại hàng hóa rủi ro, cần chứng nhận không có ethylene oxide.

Tiêu dùng & Dư luận - Campuchia kiểm tra mì Việt Nam về hóa chất cấm

Campuchia kiểm tra mì ăn liền Việt Nam sau cảnh báo về chất cấm đến từ EU.

Ông Dim Theng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ người tiêu dùng, Cạnh tranh và Chống gian lận tại Bộ Thương mại Campuchia, cho biết: “Chúng tôi đang tập hợp một nhóm để bắt đầu kiểm tra vào tháng tới trên phạm vi toàn quốc để đảm bảo các sản phẩm trên thị trường an toàn đối với người tiêu dùng, cũng như khi chúng tôi xuất khẩu và nhập khẩu một số sản phẩm".

Ông Theng cho biết việc kiểm tra là bắt buộc vì Campuchia tuân theo các quy định về an toàn thực phẩm của EU. “Vì chúng tôi không chắc liệu mì ăn liền có nguồn gốc từ Việt Nam này có được bán trong nước hay không, nên tất cả các loại mì sẽ được kiểm tra” ông Theng bổ sung thêm.

Ngoài ra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ người tiêu dùng, Cạnh tranh và Chống gian lận lưu ý rằng bất kỳ loại mì nào có chứa hóa chất như ethylene oxide cũng sẽ bị thu giữ và tiêu hủy vì những hóa chất này có hại cho sức khỏe con người và thậm chí có thể gây ung thư.

Nguyễn Phương Anh (theo Khmer Times)