Khodro, nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Iran, cũng là lớn nhất ở khu vực Trung Đông, Trung Á và Bắc Phi… đang đặc biệt chú ý đến thị trường Nga, đồng thời tính đến việc hợp tác với các nhà đầu tư Nga.
Thông báo này được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm Iran hơn 1 tháng nhằm tìm kiếm các nhà đầu tư mới trong bối cảnh nước Nga đối mặt hàng loạt lệnh cấm vận từ phương Tây.
"Chúng tôi đã tổ chức các cuộc đàm phán tốt với phía Nga. Thị trường Nga sẽ là một trong những thị trường quan trọng của chúng tôi", ông Mehdi Khatibi, Giám đốc điều hành Hãng xe Khodro, Iran, nhấn mạnh.
Việc các hãng xe Trung Đông và Trung Quốc mở nhà máy sản xuất tại Nga là một tín hiệu tích cực. (Ảnh minh họa - Ảnh: Tehran Times)
"Quy mô thị trường Nga lớn hơn tất cả các quốc gia gần chúng tôi. Mục tiêu trong vòng 3 năm tới là xuất khẩu 100.000 xe mỗi năm", ông Kianoush Pourmojib, Phó Chủ tịch Hãng xe Khodro, Iran, nhận định.
Trong khi đó, giữa tháng 8 vừa qua, hãng xe Chery Automobile, thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc cho biết đang đàm phán với các nhà sản xuất của Nga về kế hoạch lắp ráp xe tại nước này.
Chery Automobile tại Nga muốn tăng doanh số bán hàng lên gấp đôi, khoảng 80.000 - 100.000 xe trong năm nay.
Trong khi đó, Công ty ô tô Trường Thành, nhà sản xuất xe SUV lớn nhất Trung Quốc đã báo cáo lợi nhuận ròng tăng trưởng 59% so với cùng kỳ năm trước, từ hoạt động của họ ở Nga.
Ngành công nghiệp của Trung Quốc được cho là ngành đa dạng nhất trong số các quốc gia thân thiện với Nga và có khả năng đảm bảo nguồn cung cấp lớn.
Việc các hãng xe Trung Đông và Trung Quốc mở nhà máy sản xuất tại Nga là một tín hiệu tích cực. Bởi số liệu mới nhất của cơ quan thống kê Nga Rosstat cho thấy, sản xuất ô tô - ngành công nghiệp phụ thuộc vào linh kiện nước ngoài, đã giảm 89% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Diễn đàn kinh tế St. Petersburg diễn ra giữa năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng thừa nhận việc sản xuất hàng hóa trong nước để tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây không phải là cách làm hiệu quả. Nga không có ý định tự cung tự cấp và sẽ tìm cách hợp tác với những nước có thể hợp tác. Điều này buộc Nga phải định hướng lại thị trường cho các nhà sản xuất trong nước và cả nước ngoài, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Trung Quốc.