Các giải pháp để Bà Rịa-Vũng Tàu thu hút lao động chất lượng cao

Admin

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa ra 10 giải pháp trọng tâm, để thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đáp ứng được 90% nhu cầu sử dụng lao động chất lượng cao.

10 giải pháp trọng tâm để thu hút lao động chất lượng cao

Ngày 15/5, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra quyết định ban hành chương trình hành động “Tăng cường thu hút lao động chất lượng cao làm trong các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030”.

Là địa phương nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, có một số ngành nghề kinh tế mũi nhọn như hóa dầu, logistics, điện, hóa chất, cảng biển, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn thu hút lượng lớn các nhà đầu tư. Do đó, việc nâng cao chất lượng nguồn lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao được xác định là nhiệm vụ quan trọng.

Kinh tế vĩ mô - Các giải pháp để Bà Rịa-Vũng Tàu thu hút lao động chất lượng cao

Công nhân làm việc trong một công ty sản xuất thiết bị công nghệ cho tàu dầu ở Khu công nghiệp Đông Xuyên, thành phố Vũng Tàu. (Ảnh: Trà Ngân).

Theo chương trình hàng động vừa được ban hành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt ra mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến hết năm 2025 đáp ứng được 75% và đến năm 2030, đáp ứng 90% nhu cầu sử dụng lao động chất lượng cao của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề ra 10 giải pháp trọng tâm để tăng cường thu hút lao động chất lượng cao làm việc trong các thành phần kinh tế trên địa bàn, gồm:

Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các doanh nghiệp và toàn xã hội về tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tuyến dụng, sử dụng lao động có tay nghề, chất lượng cao của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động có tay nghề cao, chất lượng cao.

Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trong doanh nghiệp.

Tăng cường truyền thông thu hút lao động có tay nghề, chất lượng cao, nguồn nhân lực chất lượng cao tiềm năng của tỉnh và từ ngoài tỉnh đến làm việc, học tập và sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Phát triển thị trường lao động trên môi trường số, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lỹ nhà nước thúc đẩy quan hệ lao động lành mạnh và ổn định, tạo môi trường đầu tư an toàn, thu hút dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, sử dụng lao động chất lượng cao.

Chính sách thu hút dự án đầu tư, doanh nghiệp đầu tư sử dụng công nghệ cao, sử dụng lao động chất lượng cao, tạo việc làm bền vững.

Tập trung nguồn lực, xây dựng thiết chế phục vụ người lao động.

Đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội và ô nhiễm môi trường.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì theo dõi, đôn đốc các cấp các ngành thực hiện.

Kinh tế vĩ mô - Các giải pháp để Bà Rịa-Vũng Tàu thu hút lao động chất lượng cao (Hình 2).

Một góc khu công nghiệp Phú Mỹ 1, tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: R.Đ).

Nguồn lao động chất lượng cao đóng vai trò quan trọng

Theo thống kê, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có hơn 575.000 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, các khu công nghiệp... Trong đó, lao động làm ở lĩnh vực công nghiệp chiếm hơn 37%, nông nghiệp 20,5%, dịch vụ hơn 42,4%.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 80,8%; lao động được đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ 33,8%, cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại.

Ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, thu hút nguồn lao động chất lượng cao mang lại nhiều tác động tích cực cho địa phương, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội khu vực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 41 đơn vị có tham gia hoạt động giáo nghề nghiệp, đào tạo hơn 30 ngành nghề cơ bản đáp ứng nhu cầu và phục vụ cho phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Ngoài ra, địa phương cũng tạo điều kiện hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và phối hợp đào tạo nguồn lao động theo đặt hàng của doanh nghiệp.

Gio Linh