Từ ngày 1/8, ứng dụng nhắn tin qua internet (OTT) phổ biến nhất tại Việt Nam chính thức triển khai 3 gói thuê bao tháng cho người dùng tại Việt Nam, song song với đó vẫn phát hành một phiên bản miễn phí nhưng bị giới hạn về mặt tính năng.
Cụ thể, người dùng cá nhân nếu muốn sử dụng đầy đủ tính năng có thể nâng cấp lên 3 gói trả phí gồm Standard, Pro và Elite. Tuy nhiên, hiện tại Zalo chỉ mới cho phép đăng kí thử nghiệm gói Pro với giá 5.500 đồng/ngày (dùng thử miễn phí đến hết ngày 30/8) với các lợi ích gồm 120 lượt hiển thị trong kết quả tìm kiếm mỗi tháng, 120 lượt chat với người lạ, hỗ trợ danh bạ tối đa 3.000 liên hệ…
2 gói còn lại gồm Standard (giá 2.800 đồng/ngày) và Elite (55.000 đồng/ngày) chưa ấn định ngày ra mắt.
Trước đó vào ngày 22/6, Zalo cũng đã triển khai thu phí đối với tài khoản OA doanh nghiệp với 4 lựa chọn, đơn cử như gói cơ bản (miễn phí), gói dùng thử (10.000 đồng/tháng), gói nâng cao (59.000 đồng/tháng) và gói Premium (399.000 đồng/tháng).
Tuy nhiên, thay vì mở rộng dịch vụ để áp dụng cho thuê bao và giữ nguyên những gì vốn có trên bản miễn phí như nhiều ứng dụng OTT khác đang làm, Zalo được cho là "bóp" khá nhiều tính năng đối với phiên bản không sử dụng gói thuê bao.
Cụ thể, nếu không sử dụng bản trả phí, người dùng sẽ bị giới hạn danh bạ tối đa chỉ 1.000 liên hệ. Ngoài ra, tài khoản thường còn gặp những hạn chế: Mỗi tài khoản chỉ được trả lời tin nhắn từ người lạ 40 tin mỗi tháng; sẽ không sử dụng được username; chỉ có 5 tin nhắn nhanh… Nếu muốn thêm tin nhắn nhanh mới, người dùng cần xóa bớt những tin nhắn nhanh cũ.
Bên cạnh đó, người lạ cũng sẽ không thể xem hoặc bình luận trên nhật ký, số lượng tìm kiếm người khác qua số điện thoại cũng giới hạn còn 40 lần.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Zalo là nền tảng nhắn tin có lượng người sử dụng lớn nhất tại Việt Nam (hơn 70 triệu người dùng), hỗ trợ gửi hơn 620 tỉ tin nhắn, 52 tỉ phút gọi video và 14 tỉ thông báo khẩn trong thời gian chống dịch. App của VNG đang cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ nước ngoài ở thị trường nội địa.
Trong năm 2021, 620 tỷ tin nhắn và có 52 tỷ phút gọi video được thực hiện qua Zalo. Những con số cho thấy người dùng phụ thuộc lớn vào ứng dụng này. Khi cộng đồng lớn đều sử dụng, việc gỡ app, nói không với Zalo của người dùng để phản đối chính sách thu phí của hãng chắc chắn là quyết định không dễ dàng.
Hiện nay, đa số các ứng dụng nhắn tin tức thời (OTT) đều có các gói trả phí với những tính năng nâng cao. Đơn cử như Discord có gói Nitro (sử dụng các stickers riêng biệt), Telegram cũng thu phí nhưng chỉ dành cho những tính năng nâng cao nhất. Nhiều người hiện đã bắt đầu từ bỏ Zalo và chuyển sang sử dụng các nền tảng nhắn tin khác, ví dụ như Telegram, Viber, Messenger…