Bộ TT&TT đã ban hành 26 quyết định xử phạt hành chính trong tháng 4

Admin

Công ty cổ phần đầu tư công nghệ Thành Đạt, Đài Truyền hình Việt Nam, Công ty Cổ phần viễn thông FPT... là 3 trong số các đơn vị Bộ TT&TT xử phạt vi phạm hành chính.

Ngày 13/5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT trong tháng 4/2024 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới; đồng thời, trao đổi với các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT đang được báo chí và dư luận quan tâm. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm - Người phát ngôn của Bộ TT&TT chủ trì.

Tổng quan ngành TT&TT trong 4 tháng đầu năm 2024, Bộ TT&TT cho biết doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 1.365.758 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 32,7% so với kế hoạch năm (4.171.172 tỷ đồng). Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 32.461 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 32% so với kế hoạch năm (101.593 tỷ đồng).

Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ TT&TT đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành, Nghị định số 47 ngày 9/5/2024 quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; việc xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia.

Nghị định số 48 ngày 9/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130 ngày 27/9/2018 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Nghị định số 49 ngày 10/5/2024 quy định về hoạt động thông tin cơ sở. Nghị định này là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được đảm bảo và bình đẳng, không phân biệt đối xử trong quyền tiếp cận thông tin.

Về công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng, trong tháng 4/2024: Số cuộc tấn công mạng là 370 cuộc, giảm 25,7% so với cùng kỳ tháng 4/2023 (498 cuộc). Số lượng địa chỉ IP botnet là 439.886 địa chỉ, giảm 12,5% so với cùng kỳ tháng 4/2023 (502.826 địa chỉ).

Sự kiện - Bộ TT&TT đã ban hành 26 quyết định xử phạt hành chính trong tháng 4

Quang cảnh buổi họp báo chiều 13/5.

Công tác xử phạt vi phạm hành chính trong tháng 4/2024, Bộ TT&TT đã ban hành 26 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 818 triệu đồng, trong đó:

Xử phạt Công ty cổ phần đầu tư công nghệ Thành Đạt số tiền 170 triệu đồng do có hành vi cung cấp dịch vụ nội dung theo định kỳ trên mạng viễn thông di động mà không có sự đồng ý của người sử dụng bằng tin nhắn ngắn.

Xử phạt Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) số tiền 50 triệu đồng do có hành vi giới thiệu, quảng bá các trang thông tin điện tử (website) có nội dung vi phạm quy định pháp luật.

Xử phạt Công ty Cổ phần viễn thông FPT (FPT Telecom) số tiền 85 triệu đồng do có hành vi cung cấp chương trình, kênh chương trình trên dịch vụ phát thanh, truyền hình có nội dung không được thông tin trên báo chí, không được phép phổ biến, có nội dung bị cấm hoặc có quyết định thu hồi, tịch thu.

Xử phạt Viện Nghiên cứu pháp luật Bảo vệ doanh nghiệp và Người tiêu dùng số tiền 60 triệu đồng do có hành vi thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp tại tên miền phapluat24g.vn khi chưa được cấp phép.

Xử phạt Tạp chí điện tử VnMedia số tiền 110 triệu đồng do có hành vi thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng; mở chuyên trang đối với tạp chí điện tử mà không có giấy phép.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 5/2024 và trong thời gian tới, Bộ TT&TT cho hay, nhiệm vụ trọng tâm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đó là: Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy. Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan Nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73 về quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Một số nhiệm vụ trọng tâm khác như xây dựng Thông tư quy định về công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài; công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài;

Thông tư quy định về thiết lập, vận hành hệ thống tiếp nhận, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước.

Ban hành hướng dẫn các Bộ, ngành phát triển, đưa vào sử dụng các nền tảng số quốc gia để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin cấp bộ, tỉnh. Triển khai mô hình ngôn ngữ lớn Tiếng Việt và Trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức.