Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói về chuyện giải ngân vốn đầu tư công chậm

Admin

Tư lệnh ngành KH&ĐT cho biết, đặc thù của giải ngân vốn đầu tư công chính là thấp vào những tháng đầu năm và tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

Theo Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước giải ngân vốn đầu tư công đến 30/6/2022 đạt 27,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể, 39/51 bộ, cơ quan Trung ương và 6/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Trong đó, 25 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, đặc biệt có 4 cơ quan Trung ương đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc trao đổi với báo chí để lý giải về nguyên nhân, đồng thời đề xuất các giải pháp để nhanh chóng cải thiện và thúc đẩy giải ngân, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành các dự án.

Tỉ lệ giải ngân tăng dần vào thời điểm cuối năm

Bộ trưởng đánh giá thế nào về kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm nay?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Con số giải ngân nửa đầu năm mới 27,86% là chưa đạt kỳ vọng và đó là lý do vì sao Thủ tướng Chính phủ đã phải thành lập 6 Tổ công tác để đi kiểm tra, đốc thúc việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ ngành, địa phương có tỉ lệ phân bổ, giải ngân vốn còn thấp, đồng thời liên tục có các giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân.

Tuy nhiên, để đánh giá là chậm hay không thì theo tôi, cần nhìn nhận một cách toàn diện và trong cả một giai đoạn.

Tôi lấy ví dụ thế này, thực tế tỉ lệ giải ngân giai đoạn 2017-2022, thì 5 tháng thường đạt khoảng 22-26% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó thấp nhất là năm 2021 đạt 22,12% (102,03 nghìn tỷ đồng), cao nhất là năm 2019 đạt 26,4% (96,89 nghìn tỷ đồng); tuy nhiên giải ngân cả năm thì có sự biến động mạnh, trong khoảng 76,89% đến 96,47%.

Thời gian này tỉ lệ giải ngân năm 2018 là thấp nhất, đạt 76,89% (303,1 nghìn tỷ đồng), năm 2019 thấp thứ hai đạt 78,83% (325,1 nghìn tỷ đồng) mặc dù chính năm này tỉ lệ giải ngân 5 tháng đạt cao nhất trong giai đoạn 2017-2022.

Năm có tỉ lệ giải ngân cao nhất là năm 2020 đạt 96,47% (450,2 nghìn tỷ đồng), là năm cuối kỳ trung hạn giai đoạn 2016-2020; năm cao thứ hai là 2021 đạt 95,7% (417,7 nghìn tỷ đồng) năm tiếp tục thực hiện hoàn thành nhiều dự án của giai đoạn 2016-2020 và chuẩn bị đầu tư cho 2021-2025.

Kinh tế vĩ mô - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói về chuyện giải ngân vốn đầu tư công chậm

Tỉ lệ giải ngân thường tăng dần vào thời điểm cuối năm và có xu hướng trở thành quy luật (Ảnh: Phạm Tùng).

Như vậy, có thể thấy rõ là tỉ lệ giải ngân thường tăng dần vào thời điểm cuối năm và có xu hướng trở thành quy luật. Đặc thù của giải ngân vốn đầu tư công là vậy, thấp vào những tháng đầu năm và tăng mạnh trong những tháng cuối năm, bởi các nhà thầu cũng cần thời gian để thi công, tích lũy khối lượng đủ để nghiệm thu, thanh toán.

Vì thế, nhận định giải ngân nhanh hay chậm cần xem xét cả đến yếu tố này. Việc giải ngân thấp ở các tháng đầu năm cũng chưa khẳng định được tỉ lệ giải ngân cả năm là sẽ thấp, điển hình là các năm 2020 - 2021 vừa qua.

Khi báo cáo với các đại biểu Quốc hội mới đây, tôi đã nói rõ điều này. Có thể nói, tỉ lệ giải ngân cả năm phản ánh rất rõ hiệu ứng của các giải pháp về mặt thể chế, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công. Đổi mới thể chế là khâu then chốt, nhưng công tác chỉ đạo, điều hành là khâu quyết định. Nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nơi đó đạt tỉ lệ giải ngân cao hơn…

Nói như vậy có nghĩa, giải ngân chậm chủ yếu là do điều hành, chỉ đạo, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân. Có những nguyên nhân mang tính hệ thống, tồn tại trong nhiều năm, lại có nguyên nhân do chủ quan, khách quan, do đặc thù của từng năm. Ví dụ như do giải phóng mặt bằng chậm; do năng lực của chủ đầu tư, của nhà thầu còn hạn chế; do công tác chỉ đạo, điều hành chưa quyết liệt, triệt để…

Chưa kể, năm 2022 này lại có những nguyên nhân rất đặc thù, như dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho tiến độ thi công dự án; rồi đầu năm, giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng, chờ được điều chỉnh đơn giá…

Hơn nữa, năm 2022 tuy là năm thứ hai triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, nhưng thực tế lại là năm đầu tiên.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn mới được Quốc hội thông qua từ tháng 7/2021, nên thực tế đầu năm nay, chủ yếu là tiếp tục triển khai các dự án chuyển tiếp. Trong khi đó, các dự án mới thì vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, làm thủ tục, quá trình này thông thường mất khoảng 6-8 tháng, nên phải tới cuối năm mới có thể giải ngân được.

Kinh tế vĩ mô - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói về chuyện giải ngân vốn đầu tư công chậm (Hình 2).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: MPI).

Nhân nói về việc triển khai các dự án mới, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, đấy chính là một điểm yếu cốt lõi dẫn tới giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Ngoài chuyện chuẩn bị, lựa chọn dự án chưa tốt, vẫn còn tình trạng chọn dự án chưa thực sự cấp thiết, chưa có tầm nhìn trung và dài hạn, trong khi nguồn lực có hạn, thì còn có chuyện các bộ ngành, địa phương chưa chuẩn bị đầu tư từ sớm, từ xa, chưa quan tâm đến việc sử dụng kinh phí của kỳ kế hoạch này để chuẩn bị cho dự án của kỳ kế hoạch sau, không có sự đồng bộ giữa tiến độ chuẩn bị dự án với tiến độ giao kế hoạch chi tiết.

Do vậy, đã dẫn tới tình trạng vốn chờ dự án, Trung ương đã giao kế hoạch nhưng bộ ngành, địa phương không giao được kế hoạch chi tiết, do dự án chưa xong thủ tục…

Nếu mà chất lượng chuẩn bị dự án thấp, quản lý đất đai không tốt nữa thì sẽ dẫn tới phải điều chỉnh dự án nhiều lần, tăng chi phí, đội vốn, có khi phải điều chỉnh quyết định đầu tư, chủ trương đầu tư liên tục. Thủ tục vì thế sẽ kéo dài thêm, do vậy, khó mà triển khai và giải ngân nhanh được.

Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu

Thưa Bộ trưởng, việc giao vốn chậm, triển khai chậm còn là do thể chế, chính sách. Vẫn có địa phương kêu rằng, có vấn đề trong chuyện phân cấp, phân quyền và rằng, các quy định của Luật Đầu tư công đang làm khó họ. Có chuyện này hay không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Không đúng. Liên quan đến đầu tư công, thời gian qua, chúng ta đã có những đổi mới rất quan trọng, căn bản, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, từ xác định mục tiêu phát triển gắn với xác định và lựa chọn dự án, lập dự án, chuẩn bị đầu tư, thẩm định và phê duyệt dự án, giao kế hoạch và điều chỉnh kế hoạch vốn, đấu thầu, thanh toán, quyết toán dự án…

Như vậy, cơ bản là đã phân cấp, phân quyền toàn bộ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được toàn quyền quyết định tất cả các khâu, các giai đoạn chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư công.

Chúng ta cũng đã đổi mới tư duy và phương pháp lập kế hoạch từ ngắn hạn hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, chuyển từ quản lý, điều hành bằng văn bản dưới luật sang quản lý bằng Luật Đầu tư công, thay đổi từ cơ chế theo dõi tiền kiểm sang hậu kiểm… Nhờ vậy, thời gian qua, đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, phê duyệt dự án không gắn với khả năng cân đối vốn, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản…

Trước đây, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương vẫn nói về chuyện giao vốn chậm, giao vốn nhiều lần, rồi điều chuyển kế hoạch vốn hàng năm lâu, khó khăn nhưng giờ đã giao hết, giao một lần vào cuối năm trước, trong năm các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được toàn quyền điều chuyển vốn giữa các dự án do mình quản lý, từ dự án có nhu cầu vốn thấp sang dự án có nhu cầu vốn cao…

Quy trình, thủ tục cũng rõ rồi, việc chậm giao là do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Chậm giải ngân vốn đầu tư công, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Còn về thể thế, đúng là vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định, dù thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực tháo gỡ, cải thiện rất nhiều. Nhưng nếu nói là do Luật Đầu tư công thì không hẳn, không phải chỉ do Luật Đầu tư công

Một dự án đầu tư công khi được triển khai thực hiện thì phải chấp hành không chỉ quy định của Luật Đầu tư công, mà tùy thuộc tính chất dự án, còn phải chịu sự điều chỉnh của các luật liên quan khác như Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật khoáng sản và các luật chuyên ngành khác… Thậm chí, còn cả các điều ước, cam kết quốc tế.

Kinh tế vĩ mô - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói về chuyện giải ngân vốn đầu tư công chậm (Hình 3).

Đầu tư công thời gian qua đã khắc phục đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, phê duyệt dự án không gắn với khả năng cân đối vốn, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản (Ảnh: Phạm Tùng).

Vậy theo Bộ trưởng, phải làm thế nào để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn đang khó khăn và chúng ta đang thực thi các giải pháp để phục hồi kinh tế. Xác định rõ điều này, thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt thực thi nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, thì không thể chỉ quan tâm giải quyết trước mắt, mà phải được giải quyết căn cơ, lâu dài, thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, thay đổi cách tiếp cận, quản lý, sử dụng nguồn vốn này phù hợp với yêu cầu phát triển.

Chúng ta cũng không chỉ cần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công, mà còn phải quan tâm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật khác liên quan. Bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi.

Bên cạnh đó, một yếu tố rất quan trọng, đó là phải chuẩn bị dự án từ sớm, từ xa, chuẩn bị dự án thật tốt, nghiên cứu và bổ sung quy định về một số hành động trước được thực hiện trong quá trình chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án để bảo đảm tính khả thi, tính sẵn sàng, nhất là về mặt bằng, để nếu được phân bổ vốn có thể đưa vào thực hiện, giải ngân sớm.

Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Quốc hội cho phép tách giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi hơn cho công tác chuẩn bị, nâng cao tính sẵn sàng và triển khai dự án.

Cùng với đó, bên cạnh yêu cầu chung là quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, tiết kiệm, không lãng phí, đúng mục tiêu, đối tượng, tuân thủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn…, thì cũng cần tiếp cận thẳng ngay vào nguyên nhân của những điểm nghẽn đang cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Chẳng hạn, chuyện kỷ cương, kỷ luật đầu tư công; năng lực chuyên môn của cán bộ các cấp; trách nhiệm người đứng đầu… Nếu từng điểm nghẽn, hạn chế nêu trên được giải quyết thì giải ngân vốn đầu tư công nhất định sẽ được cải thiện.