Bình Thuận đạt chỉ số năng lực cạnh tranh cao nhất trong 15 năm trở lại

Admin

Trong bảng xếp hạng PCI 2023, tỉnh Bình Thuận đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố, tăng 24 bậc, đạt 68,06 điểm, tăng 3,67 điểm so với năm 2022.

Ngày 10/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa tổ chức họp báo, công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023.

Chỉ số PCI ở Bình Thuận tăng 24 bậc

Theo đó, trong bảng xếp hạng PCI 2023, tỉnh Bình Thuận đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố, tăng 24 bậc, đạt 68,06 điểm, tăng 3,67 điểm so với năm 2022. Bình Thuận đứng trong Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Đây là xếp hạng cao nhất của Bình Thuận trong 15 năm trở lại đây.

Cụ thể, trong 10 tiêu chí PCI 2023, Bình Thuận có 6/10 tiêu chí tăng điểm là: Gia nhập thị trường; Tính minh bạch; Chi phí không chính thức; Tính năng động của chính quyền tỉnh; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động. Có 4/10 tiêu chí giảm điểm là: Tiếp cận đất đai; Chi phí thời gian; Cạnh tranh bình đẳng; Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự.

Đối với Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023, tỉnh Bình Thuận đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố, tăng 33 bậc. Báo cáo dựa trên kết quả điều tra hơn 10.000 doanh nghiệp trên cả nước.

Đây là một bức tranh sống động về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm vừa qua dưới góc nhìn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Sự kiện - Bình Thuận đạt chỉ số năng lực cạnh tranh cao nhất trong 15 năm trở lại

Hoạt động sản xuất - kinh doanh của các khu công nghiệp ở Bình Thuận trong quý đầu năm 2024. (Ảnh: Đ.Q).

Tình hình kinh tế - xã hội phát triển mạnh trong 4 tháng đầu năm

Theo báo cáo phân tích tình hình kinh tế - xã hội, tháng 4 và 4 tháng năm 2024 của Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận.

Trong tháng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ổn định, các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nhận được đơn hàng sản xuất, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số doanh nghiệp khó khăn, nhất là thị trường tiêu thụ: đá thạch anh nhân tạo, sản xuất bao bì carton, phân bón, chế biến thanh long sấy,...

Doanh thu đến hết tháng 3/2024 của các doanh nghiệp khu công nghiệp ước đạt 2.450 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 24,5% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 55 triệu USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ, đạt 18% kế hoạch năm; nộp ngân sách ước đạt  50 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ, đạt 15,3% kế hoạch năm.

Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp có mức tăng khá cao. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo dần phục hồi và có sự chuyển biến tích cực; một số ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh đã dần đi vào ổn định và lấy lại đà tăng trưởng; ngành sản xuất và phân phối điện tiếp tục tăng cao góp phần lớn cho mức tăng trưởng toàn ngành công nghiệp trong 4 tháng năm 2024.

Sự kiện - Bình Thuận đạt chỉ số năng lực cạnh tranh cao nhất trong 15 năm trở lại (Hình 2).

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra thực tế Dự án nhà máy sản xuất xỉ titan. (Ảnh: H.T).

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong tháng ước tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 24,2%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,5%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,5%.

Tính chung 4 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 13,07% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng khá cao tính từ năm 2021.

Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng cao (tăng 17,80%) do các Nhà máy nhiệt điện hoạt động ổn định. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,54%; ngành cung cấp nước hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,76%.

Trong tháng có 2 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 1.045 tỷ đồng; 3 dự án điều chỉnh; không có dự án khởi công xây dựng; 4 dự án chấm dứt hợp đồng; 2 dự án đi vào hoạt động kinh doanh và 1 dự án ngừng hoạt động.

Sự kiện - Bình Thuận đạt chỉ số năng lực cạnh tranh cao nhất trong 15 năm trở lại (Hình 3).

Nhiều hoạt động vui chơi, nghỉ dưỡng, ở phía Nam thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Đắc Phú).

Lũy kế 4 tháng năm 2024 tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận diễn ra bình thường, giá cả một số mặt hàng thiết yếu ổn định. Hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi cũng như tại các chợ đa dạng về chủng loại, mẫu mã, lượng hàng hóa cung cấp đủ cho nhu cầu của người dân.

Nhiều khu vui chơi giải trí có quy mô lớn được đưa vào hoạt động từ những tháng đầu năm thu hút nhiều khách du lịch nên các ngành dịch vụ hoạt động khá nhộn nhịp chủ yếu ở các ngành dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí và dịch vụ khác.

Dịch vụ kinh doanh bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, doanh thu giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ lũy kế 4 tháng năm 2024 đạt 34.995,8 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước.