Bát nháo thị trường xăng dầu trước ngày điều chỉnh giá

Admin

Trước kỳ điều chỉnh giá, thị trường xăng dầu trong nước lại xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung, cây xăng báo thiếu hàng hoặc hết hàng...

Không thể ra khơi vì thiếu dầu

Trong tuần, theo phản ánh trên nhiều trang báo, ở một số tỉnh phía Nam, các tàu cá đang không thể ra khơi. Nguyên nhân là bởi nhiều cửa hàng chỉ bán xăng dầu nhỏ giọt do nguồn cung không đủ.

Phản ánh của báo Người lao động cho thấy, tại cảng cá Phan Thiết, trong 3 ngày cuối tuần trước, do không có dầu để bơm, nhiều chủ tàu để can trống tại các cửa hàng và chờ các xe bồn chở nhiên liệu về. Một số cửa hàng đóng cửa, một số mở cửa nhưng báo không có dầu để bán. Hiện đang là mùa cao điểm vụ cá, nhu cầu ra khơi lớn nên tình hình này mà tiếp diễn sẽ gây thiệt hại cho ngư dân.

Bát nháo thị trường xăng dầu trước ngày điều chỉnh giá - Ảnh 1.

Còn theo ghi nhận trên báo Thanh niên, dầu diesel thì không có hàng để bán trên diện rộng, nhiều đầu mối hứa với cửa hàng sang tuần mới có hàng về.

Theo các chuyên gia, phản ứng của thị trường là do nhà phân phối, đầu mối sợ lỗ, đặc biệt giá dầu trong nước và thế giới đang chênh nhau quá lớn, hàng bán ra lúc này, chờ đến khi giá mới điều chỉnh tăng mạnh, mức lỗ sẽ cao hơn.

Theo dự kiến kỳ điều chỉnh xăng dầu là ngày 1/9 nhưng do vướng nghỉ lễ nên có thể lần điều chỉnh tiếp theo là ngày 5/9. Chính vì vậy, tình trạng bát nháo này lại càng bị kéo dài.

Thị trường xăng dầu, sao mãi bất thường ?

Tình trạng bát nháo và lộn xộn thị trường xăng dầu, giống như tình trạng sau Tết Dương lịch vừa qua cũng như vậy - theo báo Tuổi trẻ nhận định. Tờ báo cũng đặt câu hỏi ngay trên trang nhất: Thị trường xăng dầu sao mãi bất thường?

Theo phân tích của ông Bùi Ngọc Bảo - quyền chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam thì đây là vấn đề quan hệ mua bán giữa doanh nghiệp đầu mối và các thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý. Bởi nếu căn cứ vào sản lượng xăng dầu đã đăng ký mua theo hợp đồng kinh tế, chắc chắn không thể có chuyện đầu mối không cấp hàng.

Và trước những thông tin cho rằng có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu ngừng bán, găm hàng chờ tăng giá, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lập 3 đoàn công tác kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu trên cả nước.

Báo Sài Gòn Giải phóng cho biết, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu các đoàn công tác không được gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình kiểm tra. Chỉ tập trung vào những đơn vị làm không đúng, có dấu hiệu vi phạm, thoái thác nhiệm vụ, nghĩa vụ cung ứng xăng dầu. Đợt giám sát sẽ giúp truy gốc rễ vấn đề, từ đó có giải pháp tháo gỡ phù hợp, kịp thời. Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với các đoàn công tác sẽ xử lý nghiêm sai phạm.

Xử nghiêm hành vi găm, ém xăng dầu

Bát nháo thị trường xăng dầu trước ngày điều chỉnh giá - Ảnh 2.

Báo Người lao động cũng nhấn mạnh trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc cố ý vi phạm nhiều lần, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn.

Ngoài kiểm tra giám sát, nhiều tờ báo trong tuần cũng đưa ra kiến nghị của các chuyên gia cho việc xử lý thị trường xăng dầu hiện đang khá lộn xộn này.

Như trên báo Thanh niên ghi nhận ý kiến của TP Cần Thơ kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối hỗ trợ cung ứng thêm nguồn xăng dầu cho các thương nhân phân phối trên địa bàn thành phố, đáp ứng các đơn hàng của thương nhân phân phối.

Bên cạnh đó là chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu, kế hoạch sản xuất để luôn bảo đảm cung cấp đủ xăng dầu cho thị trường.

Hay việc bỏ Quỹ bình ổn giá cũng được các chuyên gia khuyến cáo lúc này. Việc duy trì quỹ này không mang lại lợi ích cho người dân, vì bản chất là trích tiền của chính người tiêu dùng để bù đắp giá trong các kỳ điều hành giá sau đó. Việc duy trì quỹ không còn phù hợp, tác dụng can thiệp đến thị trường là rất nhỏ, không đáng kể, nên để giá xăng dầu vận hành theo thị trường. Báo Người Lao động phân tích.

Điều hành giá xăng tiệm cận thời gian thực

Bát nháo thị trường xăng dầu trước ngày điều chỉnh giá - Ảnh 3.

Ngoài ra còn một đề xuất đáng chú ý nữa cho điều hành giá xăng, được báo Đại biểu Nhân dân nhấn mạnh đó là điều hành tiệm cận thời gian thực. Nhất là khi đặt trong bối cảnh kỳ điều chỉnh giá xăng 1/9 rơi vào nghỉ lễ, nên phải đợi đến 5/9 mới có sự điều chỉnh.

Thậm chí, khoảng 20 doanh nghiệp mới đây đã kiến nghị lên Bộ Công Thương về việc điều hành giá trong 24 giờ kể cả ngày nghỉ, lễ. Thêm nữa, Việt Nam đang thực hiện Chính phủ điện tử thì các Bộ liên quan họp trực tuyến là cách phục vụ tốt nhất cho dân và tránh được tình trạng găm hàng, tạo ra khan hiếm, mất an ninh xăng dầu.

Trong lúc đang chờ các chính sách trên được điều chỉnh thì một việc có thể làm ngay và đã có hành lang pháp lý rõ ràng là xử phạt vi phạm hành chính. Như báo Đại đoàn kết đã nêu, ví dụ với hành vi giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết có thể phạt từ 20 - 40 triệu đồng. Cây xăng tự ý đóng cửa thì có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Có thể thấy các quy định pháp luật đã đẩy đủ, vấn đề còn lại thuộc trách nhiệm xử lý của cơ quan quản lý nhà nước, mà ở đây là lực lượng quản lý thị trường.