Ngày 8-8, có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất, phóng viên Báo Người Lao Động cảm nhận sự đìu hiu tại điểm dừng xe buýt nơi đây.
Tình trạng đìu hiu tại trạm xe buýt trong sân bay. Ảnh: THU HỒNG
Tiện, rẻ nhưng chưa nhiều khách biết
Trong gần 1 giờ với khoảng 4 chuyến xe buýt đi qua, phóng viên ghi nhận không có hành khách nào bước lên. Điều đáng nói, làn B (nơi xe buýt đi qua) cũng là làn dành cho ôtô cá nhân đón người thân, nhiều tài xế không quan sát kỹ nên chạy vào trạm chờ xe buýt khiến xe buýt ra vào khó khăn.
Loay hoay đợi người thân đến đón, vừa thấy xe buýt trờ tới trạm, chị Thanh, một người vừa xuống máy bay, tiếc nuối cho biết giá như xe buýt tiếp cận khách thuận tiện hơn khi vừa xuống máy bay thì chắc chắn chị sẽ chọn cách đi này. Như vậy, đỡ tốn tiền taxi, đỡ lo bị chèo kéo, chặt chém bởi những tài xế chụp giựt.
Một hành khách khác là anh Hữu Nghị thì "tự hào" vì nằm trong số ít người biết và thường xuyên di chuyển bằng xe buýt sân bay. Anh Nghị kể mình làm trong lĩnh vực liên quan đến du lịch nên thường xuyên đi công tác bằng máy bay rồi lên xe buýt cho hành trình từ sân bay về nhà ở quận 3. "Xe buýt giá vé chỉ vài ngàn đồng mà đi hàng chục km qua những điểm quan trọng... nhưng tôi quan sát rất ít khi đông khách, thậm chí đôi lúc khách Tây còn nhiều hơn khách Việt. Đây là phương tiện thuận lợi, giải tỏa khách nhanh, nếu sân bay đặt thêm biển báo thông tin, hướng dẫn để hành khách biết thì họ sẽ sử dụng nhiều" - anh Hữu Nghị nói.
Theo ghi nhận, trong khi khu vực xe buýt ở sân bay thưa thớt khách thì các khu vực khác của nhà để xe TCP, khu vực đón taxi, xe công nghệ, xe cá nhân... chật kín người xếp hàng gây nên cảnh lộn xộn.
Ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM, cho biết hiện tại ở sân bay mới có 1 tuyến xe buýt số 152 (khu dân cư Trung Sơn - Bến Thành - sân bay Tân Sơn Nhất). Để tăng cường sự hiện diện của xe buýt, hôm 6-8, đơn vị đã điều chỉnh thời gian hoạt động của tuyến số 152 từ 75 chuyến/ngày lên tối đa 120 chuyến/ngày. Từ 19-8 tới, sẽ khôi phục tuyến xe buýt số 109 (sân bay Tân Sơn Nhất - Bến Thành) với 110 chuyến/ngày. Cùng với đó, điều chỉnh lộ trình tuyến xe buýt 103 (Bến xe buýt Chợ Lớn - Bến xe Ngã tư Ga) kết nối sân bay Tân Sơn Nhất (hiện nay tuyến này đang hoạt động trên đường Trường Sơn).
"Đến giai đoạn kế tiếp, Trung tâm sẽ phối hợp các đơn vị liên quan rà soát mở tuyến xe buýt trung chuyển từ sân bay ra điểm trung chuyển xe buýt bên ngoài như Công viên Hoàng Văn Thụ, Công viên Gia Định, Bến xe Tân Phú..." - ông Lê Hoàn cho hay.
Sau khi rời sân bay để đón người tại các bến kế tiếp, khách trên xe buýt tuyến 152 vẫn vắng vẻ
"Hãng hàng không nên tham gia"
Từ khi tăng chuyến, tuyến 152 đạt khoảng 1.436 khách/ngày, trung bình 12 khách/chuyến. Để hành khách quan tâm nhiều hơn loại hình vận chuyển này, ông Trần Nguyên Thái, Giám đốc điều hành Công ty Bảo Yến (chi nhánh phía Nam; đơn vị khai thác tuyến 152) nói rằng cần tăng thời gian dừng, chờ đón trả khách tại ga quốc nội tùy theo việc khách có hành lý nhiều hay ít (hành lý nhiều thời gian lên xuống xe lâu hơn). Bên cạnh đó, cần điều chỉnh không gian tiếp cận để khi khách vừa xuống máy bay đã thấy thông tin, khi lấy hành lý ra tới sảnh có thể nhìn thấy ngay xe buýt để sử dụng. Ngoài ra, ông Thái cũng cho rằng sân bay cần ưu tiên làn lưu thông cho xe buýt tại khu vực sân bay để ra vào dễ dàng, thuận lợi và nhanh chóng.
Nói về phương pháp phối hợp sao cho hiệu quả, chuyên gia đô thị, KTS Ngô Viết Nam Sơn, cho rằng TP HCM nên tham khảo cách làm của Hà Nội khi tổ chức xe buýt đón trả khách tại sân bay. TP HCM nên mở các tuyến xe buýt trung chuyển nhằm giải tỏa hành khách bên trong sân bay. Theo đó, xe buýt sẽ chạy về trung tâm thành phố hoặc tỏa ra các quận 7, TP Thủ Đức... để từ những nơi ấy, khách có thể đón taxi về nhà, hạn chế tình trạng nghẽn bên trong sân bay như hiện nay.
Những tuyến xe buýt này không chỉ do Sở Giao thông Vận tải tổ chức mà các hãng hàng không nên tham gia vì các hãng nắm rõ thời gian bay, chuyến bay, tùy thời điểm mà điều chỉnh tăng giảm chuyến cho hợp lý.
Ngoài tổ chức các tuyến xe buýt giải tỏa khách, đơn vị quản lý sân bay cần tổ chức một cách khoa học hơn nữa việc đón trả khách bằng taxi, xe công nghệ. "Cảng hàng không bố trí làn phù hợp để các hãng taxi xếp hàng trật tự vào đón khách, hành khách đến lượt thì lên xe, không lựa chọn hãng. Các hãng taxi hoạt động phải có đồng hồ tính cước, hãng nào không có đồng hồ, ra giá với khách thì khách thông tin đường dây nóng của Sở Giao thông Vận tải để có biện pháp xử lý nghiêm" - KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu ý kiến.
Chấm dứt hợp đồng với hãng xe vi phạm
Nói về các giải pháp để dẹp tình trạng bát nháo ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Cảng vụ Hàng không miền Nam đã yêu cầu Hiệp hội Taxi TP HCM, các hãng taxi, xe công nghệ hoạt động ở sân bay siết chặt công tác quản lý, bảo đảm duy trì số lượng xe hoạt động và đồng bộ với phương án tổ chức giao thông.
Trong văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam mới đây, Cảng vụ Hàng không miền Nam kiến nghị Công an quận Tân Bình chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ duy trì công tác tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm hiện tượng chèo kéo, ép giá cước vận tải, hoạt động xe dù, giả taxi bắt khách sai quy định... Cũng theo Cảng vụ Hàng không miền Nam, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cần buộc các doanh nghiệp vận tải có số điện thoại đường dây nóng, niêm yết giá dịch vụ tại quầy và trên xe cho khách biết. Đặc biệt, phải chấm dứt hợp đồng đối với những đơn vị không đáp ứng yêu cầu hoặc để xảy ra vi phạm.
Về lâu dài, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất báo cáo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) triển khai một số giải pháp giảm ùn tắc tại sân bay như xây dựng nhà để xe tại khu vực ga quốc tế (có công năng tương tự nhà xe TCP tại ga trong nước); mở thêm làn xe đáp ứng nhu cầu tăng cao của các phương tiện ra vào sân bay.