Bách Hóa Xanh và sự khắc nghiệt của thị trường bán lẻ dạng chuỗi

Admin

Không khó để mở chuỗi bán lẻ nhưng rất khó để có thể thành công. Thị trường đòi hỏi những "tay chơi" chuyên nghiệp, có chiến lược dài hơi và có tiềm lực tài chính mạnh

Những ngày gần đây, nhiều cửa hàng Bách Hóa Xanh tại TP HCM treo biển "sốc, xả kho giảm đến 50%" và một số cửa hàng treo bảng tạm đóng cửa để nâng cấp. Trong số đó, khá nhiều cửa hàng chỉ mới khai trương hoạt động từ cuối năm 2021.

"Hiện tượng" Bách Hóa Xanh

Báo cáo tài chính quý I/2022 của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (đơn vị chủ quản của Bách Hóa Xanh) cho thấy tính đến hết tháng 4-2022, toàn chuỗi có 2.140 cửa hàng Bách Hóa Xanh. Tuy nhiên, đến ngày 14-7, hệ thống này còn 1.824 cửa hàng. Như vậy, trong hơn 2 tháng qua, đã có hơn 300 cửa hàng Bách Hóa Xanh bị "xóa sổ".

Bách Hóa Xanh và sự khắc nghiệt của thị trường bán lẻ dạng chuỗi - Ảnh 1.

Bách Hóa Xanh tạm đóng cửa nhiều cửa hàng tại TP HCM Ảnh: AN NA

Trước hiện tượng hàng loạt Bách Hóa Xanh ồ ạt "xả kho", nhiều nghi vấn hệ thống này đóng cửa hàng loạt vì kinh doanh không hiệu quả và sắp đóng cửa toàn bộ hệ thống. Trả lời thắc mắc này, đại diện doanh nghiệp (DN) khẳng định không có chuyện đóng cửa toàn bộ mà Bách Hóa Xanh đang tái cơ cấu theo chiến lược đã đề ra từ đầu năm. 

Trước đó, thông tin với các cổ đông, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Thế giới Di Động (công ty mẹ Bách Hóa Xanh), đã công khai kế hoạch thu hẹp hệ thống trong năm nay. Theo đó, hệ thống này sẽ đi theo mô hình mới và rà soát chuyển đổi hoặc đóng cửa những cửa hàng không hiệu quả hoặc không đáp ứng yêu cầu. Những cửa hàng đang hoạt động cũng sẽ cơ cấu lại hàng hóa, chỉ tập trung vào 2.000 - 3.000 mã hàng có nhu cầu tiêu dùng cao, thường xuyên.

Bên cạnh "hiện tượng" Bách Hóa Xanh, thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng gần đây cũng chứng kiến sự chững lại của các chuỗi bán lẻ cùng mô hình và một số chuỗi nhỏ. Một số chuỗi nhỏ đã thu hẹp, thậm chí biến mất vì không thể trụ lại được sau thời gian gặp khó khăn vì dịch Covid-19.

Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà - sở hữu chuỗi San Hà Foodstore gồm 50 cửa hàng tại TP HCM và tỉnh Long An, thừa nhận chuỗi vẫn đang lỗ. Để tồn tại, San Hà Foodstore đang đẩy mạnh bán sỉ (cho khách hàng chủ quán ăn, tiểu thương...). Đồng thời, nhờ chủ động nguồn hàng từ chăn nuôi (30%) và giết mổ (100%), chuỗi này cũng có một số lợi thế nhất định trong ngành bán lẻ.

Nhiều lực cản

Ông Trần Văn Trường, Tổng Giám đốc chuỗi hải sản Hoàng Gia (có 13 cửa hàng trên cả nước), cho biết DN vẫn có kế hoạch tăng cửa hàng nhưng chỉ chọn những vị trí đẹp, giá thuê hợp lý. "DN cũng đang rà soát để đóng cửa hàng lỗ và mở cửa hàng thay thế. Chúng tôi cũng thay đổi để thích ứng với thị trường theo hướng 1 điểm đến nhiều tiện ích để đáp ứng đa dạng nhu cầu khách hàng, tối ưu hóa hoạt động từng cửa hàng" - ông Trường nhìn nhận. 

Về việc một số chuỗi bán lẻ đóng cửa hàng, ông Trường cho rằng với cách làm truyền thống, vốn ít, DN thường mở cửa hàng đầu tiên, có lãi thì sẽ mở tiếp, tăng dần. Các "đại gia" sẽ đi con đường mở ồ ạt để giành thị phần, sau đó mới đánh giá lại hoạt động từng cửa hàng và giữ lại những cửa hàng có hiệu quả, có tiềm năng.

Từ quan sát các chuỗi bán lẻ lớn, một số chuyên gia kinh tế cho rằng vài năm trở lại đây, chuỗi Co.op Food phát sinh nhiều vấn đề nội bộ dẫn đến đóng cửa một số cửa hàng, hiệu quả kinh doanh cũng sụt giảm. Bách Hóa Xanh thì gặp khủng hoảng khi bị phát hiện bán hàng cao hơn giá niêm yết trong dịch Covid-19. Hệ thống này còn phát sinh các vấn đề trong việc thuê mặt bằng, tổ chức thu mua, cung ứng hàng hóa… 

Riêng WinCommerce từ khi chuyển giao cho Masan đã có bước phát triển mới khi ngưng phát triển số lượng cửa hàng, tập trung đi vào chất lượng, tổ chức nguồn hàng tốt... và đẩy mạnh quảng cáo để thu hút khách.

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang chỉ ra điểm yếu lớn nhất của các hệ thống bán lẻ, đặc biệt là hệ thống của DN Việt Nam, nằm ở khâu thu mua dẫn đến gặp trục trặc ở khâu cung ứng, ảnh hưởng nặng nề đến vận hành chuỗi. 

Sự cạnh tranh về mặt bằng sau dịch với sự tham gia của các chuỗi bán lẻ thuộc ngành hàng tiêu dùng như Con Cưng, Vua Nệm… và sự bão hòa của thị trường bán lẻ các mặt bằng tiêu dùng thiết yếu cũng là những lực cản mà nhà DN phải đối mặt" - ông Quang nói thêm.

Các chuyên gia bán lẻ nhìn nhận thị trường bán lẻ tổng hợp và mô hình chuỗi cửa hàng thực phẩm tổng hợp luôn hấp dẫn nên cạnh tranh luôn khốc liệt. Các tập đoàn nước ngoài mạnh về vốn, có chiến lược dài hơi nên nắm nhiều lợi thế trong cạnh tranh giai đoạn mới. "Trước đây, DN chỉ cần ít nhất 5 năm là có thể huề vốn nhưng hiện tại, quá trình này được đẩy lên 10-15 năm" - một chuyên gia cho hay. 

Doanh nghiệp bán lẻ ngoại tăng tốc

Trong khi các DN bán lẻ nội địa gặp khó khăn trong giai đoạn hiện tại thì một số DN bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam, xác định Việt Nam là thị trường chủ lực để phát triển.

Đơn cử, Aeon Việt Nam (thuộc Tập đoàn Aeon - Nhật Bản) khẳng định tiếp tục mở rộng thị trường tại Việt Nam; đến năm 2030, 30 trung tâm mua sắm sẽ ra đời tại các thành phố lớn. Cùng với đó là phát triển các trung tâm và siêu thị có quy mô nhỏ hơn.

Tập đoàn Centra Retail (Thái Lan) thì công bố kế hoạch 5 năm tới (2022 - 2026), tập đoàn sẽ đầu tư hơn 30 tỉ baht (tương đương 20.000 tỉ đồng), hướng đến mục tiêu trở thành nền tảng đa kênh số 1 trong lĩnh vực thực phẩm và kinh doanh trung tâm thương mại...