Như đã đưa tin, sau bữa cỗ tại tiệc cưới ở Thái Bình có ăn tiết canh dê, hàng chục người có triệu chứng ngộ độc phải nhập viện, trong đó, một người đã tử vong. Cụ thể, theo lời kể của gia đình các bệnh nhân, trưa ngày 1/5, tại bữa cỗ có món tiết canh dê (dê giết mổ tại Ninh Bình, chuyển tiết và thịt dê ra), nhân tiết canh là tai, gan, cuống họng lợn đã luộc chín, ngoài ra có các món giò pha bì, gà rang, tôm kho, canh cua, cà.
Trên thực tế, nhiều người vẫn chủ quan cho rằng tiết canh dê hay tiết canh gia cầm là sạch vì không có vi khuẩn liên cầu lợn. Tuy nhiên, đằng sau món ăn nhiều người “khoái khẩu” này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại.
Trao đổi với Người Đưa Tin, BS. Lê Văn Thiệu-Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trên thực tế lâm sàng bác sĩ từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc liên cầu lợn diễn biến nặng. Ngoài ra, đã có không ít bệnh nhân nhập viện vì liên cầu lợn dù trước đó ăn tiết canh dê.
BS.Thiệu cho biết, dê không có vi khuẩn liên cầu lợn, nhưng khi chế biến tiết canh dê, nhất là cho các bữa cỗ đông người, vì lượng tiết và nhân từ dê ít nên thường được pha thêm tiết lợn và sụn, thịt lợn. Nếu các thành phần từ lợn có chứa liên cầu khuẩn lợn sẽ lây nhiễm vào món ăn.
Trong vụ việc tại Thái Bình, theo báo cáo, nhân món tiết canh dê có tai, gan, cuống họng lợn.
Theo bác sĩ, những người nhiễm liên cầu khuẩn nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết. Tỉ lệ tử vong của bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn có thể tới 7%.
"Nhiễm liên cầu lợn có nhiều thể bệnh nhưng có 2 thể chính là thể nhiễm trùng huyết và viêm màng não", BS.Thiệu cho hay.
Theo đó, thể nhiễm trùng huyết, bệnh sẽ diễn biến rất nhanh, nặng. Bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng rối loạn đa cơ quan. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao.
Đối với thể viêm màng não thường tiên lượng điều trị sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ có những biến chứng về lâu dài như liệt, các di chứng về mặt thần kinh.
Ngoài liên cầu lợn, những người ăn tiết canh dê sống vẫn có nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn và ký sinh trùng. BS.Thiệu chỉ ra món tiết canh có nhiều mầm bệnh nguy hiểm như: Tiêu chảy, tả, lỵ, giun sán…
"Các loại giun sán có trong tiết canh khi đi vào cơ thể có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Chúng tôi từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhiễm cùng lúc 3-5 loại giun sán vì thích ăn món "khoái khẩu" này", BS.Thiệu nói.
Với những nguy cơ mầm bệnh khi sử dụng món ăn "giải nhiệt" này, BS.Thiệu khuyến cáo mọi người cần đảm bảo nguyên tắc ăn chín uống sôi. Không nên ăn tiết canh, nội tạng chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt động vật ốm chết.
Không xử lý thịt sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch, dụng cụ sau khi chế biến thịt sống.
Khi sốt cao (40-41 độ C) sau khi tiếp xúc với lợn (nhất là lợn ốm hoặc chết), xuất hiện các bất thường ở da nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Tiết canh tự đánh vẫn có nguy cơ mang mầm bệnh
TS.BS Trần Huy Thọ - Phó giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho hay, nguyên nhân nhiễm ấu trùng sán dây lợn ở người do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, thói quen ở một số vùng miền, ăn thực phẩm sống, nấu chưa chín như tiết canh, nem chạo, nem thính, rau sống…
TS.Thọ cho hay, tiết canh không phải thực phẩm giúp giải nhiệt như nhiều người vẫn nghĩ. Ăn tiết canh thấy mát không đồng nghĩa với việc thứ này giúp giải nhiệt cơ thể.
"Tất cả các loại tiết canh dù là tiết canh lợn, dê, vịt… thực chất đều là máu sống và đều tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả, lị, liên cầu khuẩn, nhiễm ấu trùng giun sán…", BS.Thọ nói và cho biết nhiều người dân đến viện luôn cho rằng ăn tiết canh lợn nhà nuôi, tiết canh vịt nhà tự làm nên không thể bị nhiễm sán. Nhưng suy nghĩ này là không đúng.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, để phòng nhiễm sán, đảm bảo an toàn thực phẩm người dân cần ăn chín, không ăn đồ tái sống; giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh; vệ sinh tay đúng cách, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.