Áp lực đè nặng
Bạo lực trong bệnh viện diễn ra trên khắp thế giới. Theo Security Magazine, tính đến tháng 4/2022, có đến 92% nhân viên y tế từng chứng kiến hoặc chịu ảnh hưởng việc bạo hành từ bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân. Theo cuộc khảo sát, 3/4 nhân viên y tế đã gặp phải cuộc tấn công bằng lời nói hoặc thể chất, và có đến một nửa phải cần đến sự can thiệp bên ngoài.
Tại Việt Nam, bạo lực trong bệnh viện chủ yếu diễn ra giữa bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Các cuộc bạo hành diễn ra ở bệnh viện tuyến tỉnh, địa phương nhiều hơn là Trung ương, chủ yếu tại khoa Cấp cứu.
Phân tích về nguyên nhân bạo lực trong bệnh viện gia tăng, TS.BS Đoàn Mạnh Nam (Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình) cho biết lý do lớn nhất đến từ việc bệnh viện quá tải khi đội ngũ điều dưỡng và bác sĩ còn quá mỏng.
Số lượng bệnh nhân ngày càng cao dẫn đến nhu cầu của người bệnh, cũng như áp lực dồn lên nhân viên y tế cũng tăng. Các bác sĩ luôn phải tuân thủ nguyên tắc ưu tiên người bệnh nặng trước, nhưng nhiều khi người nhà bệnh nhân không hiểu, cứ nghĩ ai đến trước được phục vụ trước. Dẫn đến việc thiếu sự đồng cảm giữa bác sĩ và gia đình bệnh nhân.
Nhiều gia đình khi đi khám bệnh mang tâm lý lo lắng, dễ dẫn đến hành vi mất kiểm soát. Nhiều người cũng mang định kiến khi thấy bác sĩ nghỉ ngơi lại cho rằng “phải có tiền mới được khám”, “bác sĩ cửa quyền”… dẫn đến xô xát lẫn nhau.
Bên cạnh đó, hệ thống bảo vệ trong các bệnh viện cũng yếu, nhiều khi chưa kịp thực hiện hết được trách nhiệm bảo vệ nhân viên y tế trong ca trực.
Theo TTND.BS Trần Sĩ Tuấn, việc bác sĩ bị hành hung để lại hậu quả nghiêm trọng. “Điều nhức nhối là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ ngày càng nhiều. Tuy nhiên, vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Bác sĩ, nhân viên y tế làm việc trong môi trường không an toàn. Điều này không những ảnh hưởng đến nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của bác sĩ mà còn ảnh hưởng đến người bệnh đang được điều trị tại nơi này. Bác sĩ không an tâm làm việc ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả điều trị”, BS. Trần Sĩ Tuấn cho biết thêm.
Đặt nhiệm vụ bảo vệ cán bộ y tế lên hàng đầu
Trao đổi với Người Đưa Tin, BS. Trần Sĩ Tuấn cho biết khi nhân viên y tế bị người nhà bệnh nhân thắc mắc hoặc lớn tiếng, họ phải giữ được sự bình tĩnh. Họ cần nhẹ nhàng giải thích có lý có tình, kiên trì giải đáp những thắc mắc, bức xúc của người nhà bệnh nhân.
Bác sĩ và nhân viên y tế nên chủ động giải thích với tất cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về diễn biến của bệnh, các quyết định điều trị của mình để bệnh nhân cùng người nhà hiểu và hợp tác trong quá trình điều trị. Khi xảy ra chuyện người nhà bệnh nhân có hành vi gây rối thì bệnh viện nên họp để rút kinh nghiệm, tránh sự việc không hay cho những lần sau.
Về phía bệnh viện, các chuyên gia đưa ra một số giải pháp có thể thực hiện được ngay để hạn chế tình trạng hành hung gia tăng:
Thứ nhất, các bệnh viện tuyệt đối không cho người nhà bệnh nhân vào phòng cấp cứu. Điều này vừa tránh tình trạng lộn xộn khi bác sĩ cấp cứu, cũng giúp hạn chế tình trạng người nhà không hiểu về quy định sẽ dẫn đến gây gổ.
Thứ hai, bệnh viện cần làm tốt công tác hỗ trợ người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Thứ ba, bệnh viện cần chú trọng công tác an ninh, đảm bảo môi trường an toàn cho nhân viên y tế. Các bệnh viện cần lắp camera, vừa giúp phát hiện nhanh hành vi gây rối; đồng thời xem xét được trong mỗi trường bạo hành thì ai đúng, ai sai.
Thứ tư, tăng cường lực lượng bảo vệ để giúp người dân tuân thủ quy định hơn, đồng thời tránh tối đa tình trạng xô xát. Bệnh viện nào cũng có bảo vệ, những khoa nhạy cảm, phức tạp như khoa cấp cứu cần có bảo vệ túc trực để giữ trật tự và xử lý những tình huống phức tạp.
Thứ năm, rút ngắn và tối ưu hoá các khâu thăm khám và chữa bệnh. Điều này vừa giúp bệnh nhân không bị ức chế tâm lý, đồng thời giảm tải áp lực cho đội ngũ y tế.
Theo BS. Trần Sĩ Tuấn, ông mong Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, khi ký kết hợp tác với Bộ Công an thì vấn đề bảo vệ cho các bác sĩ và nhân viên y tế phải được đưa vào trọng tâm, với những điều khoản cụ thể hơn. Nếu có thể tại các bệnh viện lớn, môi trường xã hội phức tạp cần có lực lượng công an bảo vệ.
BS. Trần Sĩ Tuấn cho biết khi các thầy thuốc chạy đua với thời gian giành lại sự sống cho bệnh nhân mà bị tấn công; hậu quả có thể làm bệnh nhân đang được cấp cứu tử vong hoặc diễn biến nặng hơn, do các thầy thuốc bị ảnh hưởng tâm lý và phân tâm. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và tính mạng bệnh nhân đang điều trị.
Do vậy, BS. Tuấn cho rằng luật ghép vào khung hình phạt gây rối trật tự công cộng là không hợp lý, không đủ răn đe kẻ gây rối. BS. Tuấn mong Vụ Pháp chế Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất với Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan kiến nghị sửa thành: Chống người thi hành công vụ trong hoàn cảnh đặc biệt nghiêm trọng.
“Việc bảo vệ cho các cán bộ y tế khi làm nhiệm vụ cũng nên đặt lên hàng đầu để các bác sĩ an tâm công tác. Đây cũng là một trong nhiều lý do giữ chân các thầy thuốc ở lại bệnh viện công. Hơn nữa, an toàn của thầy thuốc cũng là an toàn của người bệnh”, BS. Tuấn cho hay.
Vân Trang