Bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động
Trình bày tham luận “Mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội cho người dân, thúc đẩy việc làm bền vững trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội”, tại phiên hội thảo chuyên đề 2 của diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022, TS. Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường lao động đã cơ bản phục hồi và đang phát triển theo xu hướng tích cực.
Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 giảm mạnh, số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng, lao động có việc làm tăng mạnh, đặc biệt là trong khu vực dịch vụ.
Thị trường lao động tăng trưởng mang tính bền vững hơn với mức tăng tập trung chủ yếu ở lao động có việc làm chính thức. Tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều giảm, thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội nêu rõ, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những suy giảm hoạt động kinh tế toàn cầu, nhất là sự phục hồi chậm chạp của chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang tác động đến sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
TS. Lâm Văn Đoan chỉ rõ, đối với chính sách hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm. Kinh phí thực hiện cho chính sách này khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 6 tháng của năm 2022.
Hiện đã có 60/63 tỉnh có doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ và đã được giải ngân, (có 3 tỉnh không có đối tượng là Lai Châu và Điện Biên, Cao Bằng). Kết quả giải ngân đạt 50,91%cho hơn 48,8 triệu lao động so với dự kiến của Chương trình đề xuất ban đầu.
Nguyên nhân chủ yếu do việc xác định số đối tượng ban đầu tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa khớp với tình hình lực lượng lao động.
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu thị trường lao động thiếu cơ sở dữ liệu điện tử, do vậy TS. Lâm Văn Đoan cho rằng việc xác định các đối tượng lao động quay trở lại hoặc đang làm việc tại doanh nghiệp cũng gặp khó khăn. Do vậy, thiết kế ban đầu và kết quả giải ngân có sự chênh lệch....
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Uỷ ban Xã hội cho rằng đây là một trong những chính sách thực hiện thời gian nhanh nhất, có kết quả tác động trực tiếp đến người lao động.
Theo đó, về việc thực hiện giảm đóng BHTN, tính đến hết tháng 8/2022, đã thực hiện giảm đóng BHTN cho 346.664 đơn vị với gần 12 triệu lao động, với số tiền được giảm đóng là hơn 8 nghìn tỷ đồng, dự kiến số giảm đóng đến hết tháng 9/2022 khoảng 9.211 tỷ đồng.
Kết quả hỗ trợ người lao động từ Quỹ BHTN, ông Lâm Văn Đoan cho biết đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo đúng thời hạn quy định, tính đến 31/12/2021 đã chi trả cho 12.968.992 lao động thuộc đối tượng hỗ trợ, không có sai sót về hồ sơ với tổng số tiền chi trả hơn 30.802 tỷ đồng.
Thông tin thêm về kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 tiếp tục thực hiện chi trả hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15, Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội cho biết, tính đến ngày 10/9/2022 về cơ bản đã giải quyết xong việc tiếp tục thực hiện hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 24, đã giải quyết hưởng hỗ trợ đối với 350 nghìn người với số tiền hơn 1 nghìn tỷ đồng.
Hiện còn gần 50 nghìn người (chiếm khoảng 12% so với số lượng đối tượng đề xuất tiếp tục thực hiện chi trả) không thực hiện hỗ trợ sau khi rà soát do không đủ điều kiện với số tiền hơn 121 tỷ đồng.
Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm rà soát những đối tượng nằm trong những trường hợp không thực hiện hỗ trợ (49.249 người) để tránh trường hợp sai sót, phát sinh khiếu kiện, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động.
Cải cách, đổi mới hệ thống chính sách an sinh xã hội
Trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, TS. Lâm Văn Đoan cho rằng, xã hội hiện nay cần quan tâm đến việc chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm về cả ngành nghề, địa bàn không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời trong một số ngành, lĩnh vực; chất lượng lao động còn hạn chế, tỉ lệ lao động ở khu vực phi chính thức lớn.
Cùng với đó, tỉ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp trong lực lượng lao động, đa số lao động khu vực phi chính thức chưa tham gia bảo hiểm xã hội; tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đang bị chững lại và giảm đột ngột trong năm 2022.
Đồng thời, cũng cần quan tâm đến việc tăng cường hiệu quả triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 , hướng tới mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là các nhóm nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn.
Trên cơ sở những khuyến nghị, tư vấn của Tổ chức lao động quốc tế, đối với Việt Nam trong giai đoạn 2022-2026, công tác xây dựng pháp luật cần quan tâm xây dựng khung thể chế thúc đẩy việc làm bền vững, cải cách, đổi mới hệ thống chính sách an sinh xã hội thông qua sửa đổi, bổ sung các Luật: Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Việc làm, An toàn, vệ sinh lao động; nghiên cứu, rà soát hoàn thiện pháp luật về tố tụng lao động; bảo trợ xã hội; chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi, người khuyết tật.
Bên cạnh đó, từ góc độ quản lý Nhà nước, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Lâm Văn Đoan cho rằng cần tiếp tục tập trung phát huy những lĩnh vực kết quả đã có nhiều tiến bộ, đồng thời cần giải quyết các vấn đề tồn tại, thách thức như: Tỉ lệ việc làm phi chính thức còn ở mức cao;
Tỉ lệ lao động chưa qua bất cứ hình thức đào tạo nghề nào còn cao, trình độ tay nghề của người lao động còn thấp;
Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài/người lao động di cư trong nước còn gặp nhiều khó khăn, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của các nhóm đối tượng còn hạn chế.
Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: giảm nghèo bền vững, nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Xem thêm:
Giải ngân đầu tư công chậm là câu chuyện “dài nhiều kỳ” về sự lãng phí
Chủ tịch Quốc hội: Ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố "bất biến" để ứng với "vạn biến"