Tuổi 20 là những năm tháng đẹp nhất - nếu ai nói với bạn câu này thì khả năng cao họ đang... nói điêu. Với tôi, tuổi 20 vô cùng khó khăn. Vì khi đó, chúng ta đang hoang mang trong sự nghiệp, học cách sống tốt với đồng lương ít ỏi cùng nỗi băn khoăn bao giờ mua được nhà.
Nhưng tin tôi, mọi việc sẽ đâu vào đó khi bạn bước sang tuổi 30 nếu như biết phương pháp. Một trong những bí quyết của tôi là học cách tiết kiệm từ sớm, nhờ đó có tiền tham gia vào thị trường cổ phiếu và bất động sản.
Dưới đây là những cách tôi đã dùng để hình thành quỹ tiết kiệm của riêng mình:
1. Lập kế hoạch chi tiêu
Lập kế hoạch chi tiêu là cách đơn giản nhất để bạn kiểm soát đồng tiền đi ra - đi vào trong ví và duy trì thói quen tiết kiệm của mình. Vào đầu tháng, hãy dành chút thời gian để vạch ra kế hoạch chi tiêu và tính toán số tiền có thể tiết kiệm.
Hiện nay, có nhiều cách để bạn phân bổ thu nhập hàng tháng của mình và một cách tiếp cận phổ biến là quy tắc 50/30/20. Theo đó, bạn dành 50% thu nhập cho nhu cầu thiết yếu, 30% dùng để chi tiêu cho thứ bạn muốn và còn lại dành để tiết kiệm, đầu tư.
Trên thực tế, nhiều người trẻ ở tuổi 20 tiết lộ họ không đủ khả năng dành 20% thu nhập của mình để tiết kiệm, vì họ thường xuyên cần tiêu hết sạch tiền cho chi phí sinh hoạt. Lúc này, lời khuyên dành cho bạn là nỗ lực gia tăng thu nhập và tiết kiệm hết mức có thể.
Ảnh minh hoạ
2. Hình thành thói quen tiết kiệm
Sau khi có kế hoạch chi tiêu, hãy bắt đầu thay đổi từng thói quen hàng ngày để tiết kiệm càng nhiều càng tốt. Cụ thể hơn:
- Đặt tự động trừ tiền từ tài khoản ngân hàng vào quỹ tiết kiệm: Hiện, nhiều tài khoản ngân hàng cho phép người dùng tự động chuyển một phần thu nhập vào quỹ tiết kiệm. Điều này giúp bạn tuân thủ kế hoạch tài chính đề ra, đồng thời đảm bảo dù cuối tháng bạn chi tiêu thế nào, quỹ tiết kiệm vẫn không bị ảnh hưởng.
- Mở tài khoản tiết kiệm có lãi suất cao: Kiếm được lợi nhuận cao từ việc gửi tiết kiệm là cách làm đơn giản, đồng thời giúp tiền của bạn tăng dần theo thời gian. Một sai lầm của nhiều người trẻ là luôn để tiền lương ở một chỗ. Điều này khiến tiền của bạn đứng im, mất giá trị theo thời gian và không bao giờ thắng được lạm phát.
- Xây dựng quỹ khẩn cấp: Quỹ khẩn cấp dùng để trang trải cho tình huống phát sinh, chẳng hạn đi bệnh viện hoặc đột ngột mất việc,... Hàng tháng, bạn nên trích một phần thu nhập vào quỹ khẩn cấp, chẳng hạn 10% thu nhập. Nhờ đó, khi có tình huống phát sinh, bạn vừa có tiền trang trải mà không cần lo phải vay nợ với lãi suất cao.
- Hạn chế chi tiền cho thú vui đắt đỏ: Khi còn trẻ, bạn không cần chi quá nhiều tiền cho nhu cầu giải trí để tận hưởng niềm vui. Chẳng hạn thay vì đi du lịch dài ngày, ăn ở nhà hàng đẳng cấp,... bạn có thể đi du lịch gần nhà để tiết kiệm chi phí. Số tiền dư, bạn nên mang đi gửi tiết kiệm hoặc đầu tư vào bản thân để "tiền đẻ ra tiền".
3. Thoát khỏi nợ nần
Bạn thoát khỏi tất cả khoản nợ càng sớm thì càng có thể tiết kiệm được nhiều hơn. Việc trả hết nợ có thể chiếm một phần đáng kể thu nhập hàng tháng, nói cách khác, bạn đang trả tiền cho những khoản không sinh lời cho tương lai, trong khi quỹ tiết kiệm càng ít đi. Điều quan trọng là bạn cần thanh toán hết nợ thẻ tín dụng, hoặc nợ tiêu dùng khác, có mức lãi suất cao để tránh nợ nần ngày càng gia tăng, trước khi tìm đến các khoản nợ nhỏ hơn.
Ảnh minh hoạ
4. Vay nợ thông minh
Điều này nghe có vẻ ngược đời. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở tuổi 20 đã nhanh chóng trở nên giàu có nhờ biết cách vay nợ thông minh, để mang tiền đi đầu tư hoặc kinh doanh. Nhờ đó, họ có nguồn thu nhập khác, thậm chí có mức sinh lời tốt hơn so với tiền lương.
Tất nhiên, bạn chỉ nên vay nợ với mục đích xoay vòng vốn khi đã thanh toán hết nợ thẻ tín dụng và các khoản nợ tiêu dùng, có lãi suất cao khác. Bên cạnh đó, khi vay nợ để đầu tư hoặc kinh doanh, bạn cần biết thời điểm có thể trả nợ, trước khi biến chúng thành khoản nợ tiêu dùng khác.
Một trong khoản nợ thông minh kể đến như vay tiền ngân hàng để mua nhà. Các chuyên gia tài chính cho rằng, giá thành mua nhà có thể bằng 20-30 năm tiền lương của bạn. Tuy nhiên, bạn có thể rút thời gian phấn đấu xuống còn 5-10 năm nếu chấp nhận vay nợ để trả góp ngân hàng. Và trước khi có thể vay nợ mua nhà, bạn cần đảm bảo có điểm tín dụng tốt.
Nguồn: Bankrate