3.000 ha sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc

Admin

Hiện Việt Nam có gần 3.000 ha sầu riêng chính thức được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc.

Mới đây, Trung Quốc đã công bố danh sách 51 mã số vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói của Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang nước này.

Việt Nam hiện có gần 3.000 ha sầu riêng chính thức được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Như vậy đến nay, Việt Nam đã có 11 loại trái cây được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này.

Riêng với sầu riêng, dự kiến diện tích cũng như sản lượng được phép xuất khẩu sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. Tuy nhiên, cơ hội chỉ thật sự được tận dụng khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác.

3.000 ha sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc - Ảnh 1.

Thu mua sầu riêng ở huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng). (Ảnh: TTXVN)

Tới thời điểm này, Việt Nam đã có gần 3.000 ha sầu riêng được cấp mã số vùng trồng. Điều quan trọng lúc này là các cơ sở đóng gói, các vùng trồng đã được cấp mã số phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của nước bạn và duy trì chất lượng trong suốt quá trình sản xuất, tuyệt đối tránh hành vi gian lận mã số vùng trồng, phải giữ được uy tín đối với thị trường Trung Quốc.

"Tôi cho rằng Trung Quốc là thị trường khó tính, bởi ngoài yếu tố kiểm soát chất lượng, họ còn quan tâm đến vấn đề kiểm soát dịch COVID-19. Đây là một trong những yếu tố tôi luôn nhấn mạnh trong các hội nghị rằng chúng ta phải lưu ý việc này, vì họ đang áp dụng chính sách Zero COVID-19. Đây là một trong những rào cản mà các doanh nghiệp, các vùng mã số vùng trồng cần tuân thủ tuyệt đối", bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty Chánh Thu, cho biết.

Việt Nam mất 4 năm đàm phán để có thể đưa trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên việc giữ được thị trường này cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa và cần tiếp tục tuân thủ đầy đủ các quy định tại Nghị định thư đã ký kết.

"Ý thức của doanh nghiệp, của cơ quan chuyên môn tại địa phương và chủ sở hữu mã số vùng trồng, cơ sở vùng trồng phải cao hơn nữa, để duy trì được mã số đó, đáp ứng đầy đủ tiêu chí kỹ thuật theo Nghị định thư đã ký kết, không chỉ một mùa vụ mà nhiều mùa vụ tiếp theo", ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh.

Cuối tuần này, tỉnh Đắk Lắk sẽ công bố lô hàng sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tính đến nay, diện tích được cấp mã số vùng trồng mới chỉ chiếm khoảng 3,5% tổng diện tích sầu riêng của cả nước. Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục hướng dẫn các đơn vị và địa phương hoàn thiện hồ sơ.

Nhiều cơ sở không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch

Trong đợt đánh giá toàn diện vừa qua, Việt Nam còn tới 49 vùng trồng và 11 cơ sở đóng gói chưa đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch. Các đơn vị này cần tiếp tục tự hoàn thiện, nâng cao chất lượng hơn nữa/ để đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản của Trung Quốc.

Hợp tác xã (HTX) Trái cây Krông Pắk là đơn vị có số hồ sơ đăng ký mã vùng trồng nhiều nhất tỉnh Đắk Lắk lên tới 25 bộ cho tổng diện tích 630 hecta. Tuy nhiên, chỉ có 16 bộ hồ sơ được Trung Quốc cấp mã số vùng trồng, nhưng cũng nhờ vậy, hợp tác xã cũng rút ra được nhiều bài học quý giá trong khâu sản xuất.

"Một số bà con chưa nhìn nhận đúng các lợi ích khi xây dựng mã số vùng trồng. Những bà con khi tham gia rồi thì ghi chép nhật ký canh tác chưa đầy đủ", ông Võ Thanh Toàn, Cán bộ Kỹ thuật HTX Trái cây Krông Pắk, Đắk Lắk, cho biết.

Bên cạnh thiếu sót về quy trình sản xuất, phía đối tác Trung Quốc cũng khuyến cáo về việc một số vùng trồng còn lẫn các loại cây khác, có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo sâu bệnh. Vệ sinh môi trường một số nhà xưởng còn chưa đạt. Công tác phòng chống dịch COVID-19 tại một số nơi còn lơ là.

"Tùy vào từng mã số vùng trồng cụ thể sẽ có những góp ý và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để khắc phục tình trạng này", ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho hay.

3.000 ha sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc - Ảnh 2.

Nông dân huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk thu hoạch sầu riêng. (Ảnh: TTXVN)

"Chúng ta phải sản xuất theo tiêu chuẩn, xuất khẩu theo con đường chính ngạch, tôn trọng người tiêu dùng Trung Quốc, tôn trọng những quy định, tiêu chuẩn từ phía Trung Quốc thì mới thâm nhập, xuất khẩu một cách bền vững vào thị trường này", ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, nhận định.

Kiểm soát mã số vùng trồng

3.000 ha trồng sầu riêng được phép xuất khẩu, tương đương sản lượng khoảng 68.000 tấn/năm. Tuy nhiên hiện nay, con số các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu đã lên tới 1,3 triệu tấn, tức là tăng gấp đôi so với sản lượng được phép xuất khẩu. Điều này đang đặt ra bài toán với các cơ quan chức năng, cần kiểm soát chặt chẽ hơn việc xuất khẩu sầu riêng, truy xuất nguồn gốc, không được để xảy ra tình trạng gian lận mã số vùng trồng.

Việc gian lận không chỉ ảnh hưởng tới xuất khẩu sầu riêng, mà còn ảnh hưởng tới uy tín các mặt hàng nông sản khác nói chung.

Ngoài ra, các vùng có mã số vùng trồng cũng cần duy trì, ổn định chất lượng, vì yêu cầu từ các thị trường ngày càng trở nên khắt khe hơn, khó tính hơn. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, các hàng rào thuế quan được gỡ xuống, rào cản về kỹ thuật, tiêu chuẩn thường được nâng cao.

Một vườn vải tại thủ phủ trồng vải Lục Ngạn, Bắc Giang, là một trong số những vườn đã được cấp mã số vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 203 mã vùng trồng vải được cấp phép xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Thái Lan. Thời điểm này đã hết vụ vải, nhưng việc chăm bón, giám sát mã số vùng trồng chuẩn bị cho niên vụ sau vẫn được các nhà vườn tích cực triển khai.

"Chúng tôi cùng cán bộ khuyến nông và bà con nông hộ trao đổi kỹ thuật, từ cách tạo tán, chăm sóc cho vụ sau để cho ra những trái to, đẹp, sạch, tươi, ngon đảm bảo xuất khẩu sang các thị trường khó tính", ông Nguyễn Văn Quyên, Hợp tác xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, cho hay.

"Xây dựng quy trình chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật cao nhất, hướng đến sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ", ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, cho biết.

Ghi chép sổ nhật ký sản xuất để truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bắt buộc với tất cả các cơ sở được cấp mã số vùng trồng. Cán bộ bảo vệ thực vật địa phương nhờ đó dễ dàng kiểm tra việc sử dụng phân bón sinh học, phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt một số hoạt chất đã được cảnh báo từ nước nhập khẩu. Tới đây, tỉnh Bắc Giang ứng dụng sổ nhật ký điện tử, số hóa tất cả mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đủ tiêu chuẩn để dễ dàng quản lý.

"Chúng tôi công khai và thông báo các mã số vùng trồng để các doanh nghiệp chủ động liên kết tiêu thụ sản phẩm. Trước khi đưa đi xuất khẩu đều dán tem nhãn đầy đủ về mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói", ông Đặng Văn Tặng, Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang, thông tin.

Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 cấp mã số vùng trồng cho khoảng 26.000 ha cây ăn quả tại những vùng sản xuất tập trung, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường cao cấp, ưu tiên cho các trái cây chủ lực của địa phương.