3 tỉnh sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 có kết quả kinh tế ra sao trong quý 1/2024?

Admin

Theo quyết định 241/QĐ-TTg về kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc trong giai đoạn 2021-2030, Khánh Hòa, Bắc Ninh và Thừa Thiên Huế là 3 địa phương đang được định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới. Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội của 3 địa phương này đang có kết quả ra sao trong quý 1/2024?

3 tỉnh sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 có kết quả kinh tế ra sao trong quý 1/2024?- Ảnh 1.

Bắc Ninh

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết, GRDP của tỉnh quý 1/2024 theo giá so sánh 2010 ước đạt 27.765 tỷ đồng, giảm 3,83% so với cùng kỳ. Theo Cục Thống kê địa phương, đây là mức giảm ít hơn các quý trước đó và cơ bản đúng theo diễn biến Kịch bản tăng trưởng quý 1/2024 của tỉnh.

Xét theo khu vực kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản (NLTS) và khu vực dịch vụ đều đạt mức tăng lên so với CK; Khu vực công nghiệp, xây dựng vẫn bị giảm xuống, đồng thời thuế sản phẩm và trợ cấp sản phẩm cũng bị giảm.

Về tình hình thu – chi ngân sách nhà nước, báo cáo cho hay, tốc độ thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh trong quý 1 tăng khá cao (7,6%), ước đạt 10.821 tỷ đồng. Trong đó, khoản thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là khoản thu lớn nhất (+7,4%), là động lực chính kéo tổng thu ngân sách của địa phương tăng.

Bên cạnh đó, chi ngân sách điạ phương tăng 29,6% trong quý 1/2024, ước đạt 4.963 tỷ đồng. Chi ngân sách quý 1 tăng chủ yếu do chi cho đầu tư phát triển, tăng 41%; chi thường xuyên tăng 23,3%. Trong đó một số khoản chi tăng rất nhiều như: Giáo dục - đào tạo và dạy nghề (47,5%), thể dục thể thao (47,7%), bảo vệ môi trường (68,8%) và bảo đảm xã hội (35,5%).

3 tỉnh sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 có kết quả kinh tế ra sao trong quý 1/2024?- Ảnh 2.

Về tình hình thu hút đầu tư trong nước, báo cáo cho biết, tính từ đầu năm đến 20/3, toàn tỉnh đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 13 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 2.413 tỷ đồng; cấp đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 25 dự án trong đó có 8 dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư tăng 418,7 tỷ đồng (5 dự án tăng vốn 783,2 tỷ đồng; 3 dự án giảm vốn 364,5 tỷ đồng).

Liên quan đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, theo Cục Thống kê Bắc Ninh, tỉnh đã đón sóng đầu tư, thu hút thêm nhiều dự án của các nhà đầu tư tiềm năng, có thương hiệu mạnh, tập trung thu hút đầu tư có trọng điểm các lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi hạ tầng số,.... Cụ thể, trong ba tháng đầu năm, Bắc Ninh có thêm 105 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới tăng đột biến với vốn đăng ký mới đạt 499,8 triệu USD. Ngoài ra, điều chỉnh vốn cho 41 dự án, với số vốn điều chỉnh tăng là 308,8 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 17 lượt với giá trị là 26,4 triệu USD; thu hồi 18 dự án với tổng vốn đầu tư là 20,9 triệu USD.

Thừa Thiên Huế

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (theo giá so sánh 2010) trong quý 1 ước tăng 4,28% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách nhà nước Quý 1/2024 ước đạt 2.610 tỷ đồng, bằng 22% dự toán và tăng 10,6% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt 2.423 tỷ đồng, bằng 22% dự toán và tăng 9,2%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 185 tỷ đồng, bằng 29,8% dự toán và tăng 33%; thu viện trợ, huy động đóng góp 1,8 tỷ đồng, bằng 15,4% dự toán và gấp 2,3 lần so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 2.533 tỷ đồng, bằng 16% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển 700 tỷ đồng, bằng 12% dự toán.

3 tỉnh sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 có kết quả kinh tế ra sao trong quý 1/2024?- Ảnh 3.

Về tình hình thu hút đầu tư, báo cáo của Cục Thống kê tỉnh cho hay, tỉnh đã cấp phép cho 13 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 3.527,3 tỷ đồng. Trong đó, trong địa bàn Khu kinh tế, khu công nghiệp cấp mới 7 dự án đầu tư với vốn đăng ký 2.411 tỷ đồng (trong đó có 4 dự án FDI với tổng vốn 27 triệu USD). Ngoài địa bàn Khu kinh tế, khu công nghiệp cấp 6 dự án với vốn đăng ký 1.116,3 tỷ đồng (trong đó có 2 dự án FDI với tổng vốn 3,2 triệu USD). Ngoài ra, điều chỉnh tăng/giảm vốn đầu tư cho 2 dự án với vốn tăng thêm 90,8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tính đến 25/3/2024, có 202 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.164 tỷ đồng, tăng 3% về lượng và giảm 5% về vốn so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại 127 doanh nghiệp, giảm 2 doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động là 390 doanh nghiệp, tăng 124 doanh nghiệp; số doanh nghiệp giải thể 29 doanh nghiệp, giảm 07 doanh nghiệp.

Khánh Hoà

Theo Cục Thống kê tỉnh Khánh Hoà, tình hình kinh tế của tỉnh trong quý 1/2024 tiếp tục duy trì tốc độ phát triển, đời sống xã hội được quan tâm, đảm bảo. Song, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao chủ yếu nhờ ngành sản xuất điện tăng trưởng cao, trong khi ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng lớn lại có chỉ số sản xuất giảm; tiến độ triển khai một số nhiệm vụ quan trọng của tỉnh còn chậm như chương trình phát triển đô thị của tỉnh, các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Vân Phong.

GRDP quý 1/2024 của Khánh Hoà ước tăng 12,4% so cùng kỳ năm trước, xếp thứ 4 cả nước. Trong đó GRDP phân theo ngành kinh tế tăng 13,65%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,03%. Đóng góp trong tổng mức tăng 12,4% của toàn tỉnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,11%, làm tăng 0,21 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 26,12%, làm tăng 7,55 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 8,86%, làm tăng 4,54 điểm phần trăm.

3 tỉnh sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 có kết quả kinh tế ra sao trong quý 1/2024?- Ảnh 4.

Về tình hình thu-chi ngân sách nhà nước, báo cáo cho hay, tính chung quý 1/2024, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước được 4.832 tỷ đồng, bằng 28,96% dự toán và tăng 17,65% so năm trước. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 650 tỷ đồng, bằng 31,15% và tăng 46,02%; thu từ SXKD trong nước 4.182 tỷ đồng, bằng 28,64% và tăng 14,21%.

Trong khi đó, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước địa phương ước được 2.858,5 tỷ đồng, bằng 16,71% dự toán và giảm 1,45% so cùng kỳ năm trước. Trong đó chi đầu tư phát triển được 956,5 tỷ đồng, bằng 12,47% và giảm 30,03% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 591,5 tỷ đồng, bằng 22,11% và tăng 76,94%); chi thường xuyên 1.896,2 tỷ đồng, bằng 21,03%.