Sáng 15/7, với sự hỗ trợ của Chương trình Astralian hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững".
Tại hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM cho rằng, nhờ thực hiện cách tiếp cận chống dịch "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19", Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, và nhấn mạnh ưu tiên cho ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát… Theo đó, các số liệu thống kê 6 tháng đầu năm đã cho thấy, đà phục hồi tích cực của kinh tế Việt Nam.
"Tốc độ tăng GDP đạt 5,03% trong quý I/2022 và 7,72% trong quý II/2022, đạt mức tăng trưởng tương đối cao so với khu vực châu Á. Đà phục hồi tăng trưởng được thể hiện rõ nét ở cả ba khu vực, đặc biệt là dịch vụ", bà Trần Thị Hồng Minh khẳng định.
Vốn FDI thực hiện trong 6 tháng đầu năm đã phục hồi vượt mức cùng kỳ năm 2019. Việt Nam vẫn duy trì sức hút đối với dòng vốn FDI nhờ một số nguyên nhân như kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, một loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) quan trọng, và duy trì đà cải cách môi trường kinh doanh. Cùng với đó, 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng khá nhanh. Tổng giá trị xuất khẩu đạt hơn 186,0 tỷ USD, tăng 17,3%...
Dựa trên những kết quả tích cực trong bức tranh kinh tế quý II và 6 tháng đầu năm, nhóm nghiên cứu của CIEM đưa ra 2 kịch bản kinh tế trong năm 2022. Trong đó, kinh bản 1, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,7%; lạm phát bình quân 4,0%; tăng trưởng xuất khẩu 15,8%; thặng dư thương mại, 1,2 tỷ USD và Kịch bản 2, tăng trưởng GDP là 6,9%; lạm phát bình quân 3,7% và tăng trưởng xuất khẩu 16,3%; thặng dư thương mại 2,5 tỷ USD.
Như vậy, cả 2 kịch bản CIEM đưa ra đều dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 cao hơn mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ đặt ra là khoảng 6,5%.
Trong đó, ở Kịch bản 1 đưa ra giả thiết, tình hình dịch bệnh ở thế giới và Việt Nam nhìn chung được kiểm soát, các nước duy trì xu hướng tạo thuận lợi cho đi lại của người dân. GDP của thế giới tăng 2,9% trong năm 2022. Mức giá của Mỹ tăng tới 7,682%. Giá hàng nông sản xuất khẩu tăng 17,7%. Giá dầu thô thế giới tăng 42,0%.
Về phía Việt Nam, tỷ giá VND/USD của Ngân hàng Thương mại tăng 2,5%. Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 8,5%. Tín dụng tăng 14,0%. Giá nhập khẩu hàng hóa tăng 8,5%. Vốn thực hiện của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài - FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 8,9%. Giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước ở mức 460,8 nghìn tỷ đồng…
Kịch bản 2, nhóm nghiên cứu giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong Kịch bản 1, nhưng có điều chỉnh một số chỉ số: GDP của thế giới tăng 3,6%; về phía Việt Nam, tổng phương tiện thanh toán tăng 10,5%; tín dụng tăng 15%; giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước ở mức 542,16 nghìn tỷ đồng;…
Mặc dù dự báo mức tăng trưởng khá tích cực ở cả 2 kịch bản, song theo nhóm nghiên cứu của CIEM, kinh tế Việt Nam nửa cuối 2022 chịu tác động bởi 5 yếu tố, bao gồm: Thứ nhất, khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể Covid-19 và các dịch bệnh mới; Thứ 2, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội ; Thứ 3, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nền tảng quan trọng, để giúp ổn định tâm lý thị trường và "neo" kỳ vọng lạm phát; Thứ 4, khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại - công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD; Thứ 5, khả năng tạo thêm cơ hội và kỹ năng cho lao động nữ, qua đó giúp tận dụng tiềm năng từ nhóm lao động này, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
Cụ thể hơn, các chuyên gia của CIEM Nhận định, vấn đề thu hút vốn FDI của Việt Nam đang đối diện một số thách thức mới liên quan đến sàng lọc nhà đầu tư nước ngoài có thể đáp ứng, tuân thủ và đóng góp vào phát triển bền vững của Việt Nam.
Cùng với đó, khu vực bất động sản chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong thu hút FDI, có thể tạo thêm áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp bất động sản trong nước, trong khi các doanh nghiệp này đã gặp khó khăn lớn hơn khi tiếp cận nguồn vốn trong nước. Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa có chương trình hành động chính thức nhằm đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến đầu tư.
Về vấn đề xuất khẩu, nhóm nghiên cứu cho rằng, việc khai thác các FTA tiếp tục giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, đồng thời giảm được rủi ro phụ thuộc vào một số thị trường cụ thể. Tuy nhiên, rủi ro gặp phải các vụ việc phòng vệ thương mại cũng có xu hướng gia tăng.
Từ theo đó, để vượt qua những thách thức trên, CIEM kiến nghị, cần đẩy mạnh cải cách ngay cả trong bối cảnh thực hiện phục hồi kinh tế , để giảm bớt áp lực đối với lạm phát và tạo không gian mới cho doanh nghiệp phát triển. Trên thực tế, những kiến nghị này đã được tiếp thu khi xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, với một nhóm giải pháp riêng về cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư -kinh doanh. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và phục hồi xanh.
Theo nhóm nghiên cứu của CIEM: Bối cảnh 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023 sẽ đặt Việt Nam trước những yêu cầu cải cách và điều hành mới. Trong bối cảnh này, việc duy trì “công thức” duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để tạo điều kiện cho cải cách thể chế kinh tế mạnh mẽ theo hướng thị trường hiện đại càng có ý nghĩa quan trọng.