Xuất khẩu tăng cao vẫn lo câu chuyện chất lượng
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn , kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 4/2024 ước đạt 520 triệu USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2023. Luỹ kế 4 tháng, xuất khẩu ngành hàng này mang về 1,804 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ.
Rau quả xuất khẩu thuận lợi trong cả năm trước và đà tăng trưởng được nối tiếp trong 4 tháng 2024. Đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh mẽ nên quý I/2024, ngành hàng rau quả thu về 1,3 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt trên 1 tỷ USD ngay trong quý I.
Đáng chú ý, đóng góp lớn vào kim ngạch rau quả vẫn là mặt hàng sầu riêng. Riêng trong năm ngoái, loại quả này đóng góp hơn 2,2 tỷ USD vào doanh thu xuất khẩu toàn ngành trên 5,6 tỷ USD.
Hàng rau quả xuất khẩu tới các thị trường chính trong 4 tháng đầu năm 2024 đều tăng trưởng tích cực. Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là thị trường Trung Quốc, đạt 759,4 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 74,6 triệu USD, tăng 59,3%; Hoa Kỳ đạt 67,7 triệu USD, tăng 33,9%; Thái Lan đạt 47,6 triệu USD, tăng 112%...
Bên cạnh những thông tin tích cực về con số xuất khẩu rau quả, chất lượng trái cây xuất khẩu đang là vấn đề không nhỏ đối với ngành hàng xuất khẩu tỷ USD này. Câu chuyện sầu riêng được giá nhưng vấn nạn sầu riêng xuất khẩu bị cắt trái non lại tiếp tục tái diễn tại thị trường Nhật Bản.
Theo một doanh nghiệp nhập khẩu sầu riêng của Việt Nam tại Nhật Bản , đầu tháng 3/2024, doanh nghiệp này ký hợp đồng mua 6 tấn sầu riêng đông lạnh bóc múi của một doanh nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng. Khi hàng xuất qua, doanh nghiệp này phải bán thanh lý, tiêu hủy gần 2,5 tấn. Các đối tác bán lẻ Nhật Bản phản ánh, sầu riêng nhạt toẹt, có vị chua, một số hộp còn nổi màu đen như nấm mốc…
Trước đó, doanh nghiệp đã ký hợp đồng với đối tác tại Việt Nam mua quả tươi loại B đưa vào bóc múi đông lạnh. Thông thường với hàng này, chỉ số độ ngọt (brix) tối thiểu là 26% nhưng khi kiểm tra hàng bị khách trả lại thì phát hiện múi sầu riêng chỉ đạt từ 13 - 19% brix.
Vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp không chỉ thiệt hại về tiền mà còn là uy tín của doanh nghiệp đối với các nhà bán lẻ Nhật Bản khi sản phẩm không đạt chất lượng, phải thu hồi toàn bộ.
Trong khi sầu riêng bị các nhà nhập khẩu tại thị trường Nhật Bản phản ánh về chất lượng thì trái ớt Việt Nam bị tăng kiểm tra tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Cụ thể, theo Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, Thương vụ đã nhận được thư của Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) thông báo về việc tái chỉ định các thực phẩm nhập khẩu phải kiểm tra khi vào Hàn Quốc.
Theo đó, nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm an toàn thực phẩm của các nhà nhập khẩu và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng thực phẩm nhập khẩu, MFDS thông báo sẽ gia hạn lệnh kiểm tra theo Điều 22 (Lệnh tiến hành kiểm tra) của “Đạo luật đặc biệt về kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu” và theo “Quy định về Lệnh kiểm tra đối với thực phẩm nhập khẩu”…
Trước khi chấm dứt lệnh kiểm tra, MFDS quyết định tái chỉ định một số mặt hàng thực phẩm phải kiểm tra sau nhiều lần cân nhắc và xem xét do có tỷ lệ không phù hợp cao hoặc có nguy cơ gây hại.
Đối với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, mặt hàng thực phẩm cần kiểm tra là ớt cay (Cayenne, Capsicum, Chili Pepper, Red Pepper, Tabasco). Hạng mục kiểm tra: 7 thuốc trừ sâu (Diniconazole, Tolfenpyrad, Tricyclazole, Permethrin, Dimethoate, Isoprothiolane, Metominostrobin).
MFDS sẽ gia hạn lệnh kiểm tra từ 31/3/2023 - 30/3/2025 (thay vì 30/3/2024) do các thực phẩm nhập khẩu liên tục không tuân thủ các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật. Danh sách các mặt hàng thực phẩm phải kiểm tra được đăng trên trang web MFDS (http://www.mfds.go.kr) theo Điều 3 của “Quy định về Lệnh kiểm tra đối với thực phẩm nhập khẩu”…
Ngoài ra, cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh Hàn Quốc có ý định nhập khẩu thực phẩm theo lệnh kiểm tra phải nộp báo cáo thử nghiệm do các phòng thí nghiệm được MFDS phê duyệt cấp khi khai báo nhập khẩu.
Tương tự, Văn phòng Kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cũng thông báo về việc Đài Loan (Trung Quốc) tăng cường giám sát ớt và sản phẩm từ ớt nhập khẩu.
Tuân thủ quy định của thị trường - chìa khóa để rau quả Việt đi xa
Theo các chuyên gia, hiện nay, hầu hết các thị trường đều đang siết chặt chất lượng nông sản nhập khẩu. Mặc dù dư địa thị trường xuất khẩu rau quả còn khá lớn, tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững đòi hỏi sản phẩm rau quả của Việt Nam phải nâng cao hơn nữa về chất lượng.
"Khuyến cáo bà con cố gắng giữ vững chất lượng. Nếu có chất lượng thì chúng ta không sợ không có chỗ bán hàng" , ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - nhấn mạnh.
Năm 2024, nhiều nhận định được đưa ra với con số xuất khẩu rau quả đạt từ 6 - 6,5 tỷ USD. Điều này hoàn toàn có căn cứ khi tác động tiêu cực của El NiNo đã và đang làm sụt giảm nguồn cung rau quả toàn cầu. Đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam nếu có sản phẩm chất lượng và chinh phục được các thị trường khó tính.
Tuy nhiên, cơ hội kèm theo đó là sự tuân thủ yêu cầu của thị trường. Theo đó, cùng với việc xây dựng và quản lý tốt vùng trồng để tạo nên những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu bền vững và kiểm soát thu hoạch, việc cập nhật kịp thời những yêu cầu kĩ thuật từ nhà nhập khẩu sẽ giúp nông sản của Việt Nam thâm nhập được vào các thị trường lớn.
Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - cho biết, các doanh nghiệp và nhà vườn phải tuân thủ các quy định về các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật. Nếu không nắm được quy định này và vi phạm thì lập tức, chúng ta sẽ bị thị trường cảnh báo.
Nhu cầu tại thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất là Trung Quốc vẫn ở mức cao, Việt Nam vẫn đang đàm phán với phía Trung Quốc để có thêm mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Đồng thời, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Australia, Hàn Quốc….
Trở lại với trái sầu riêng, dự kiến, năm 2024, xuất khẩu sẽ còn tăng trưởng hơn nữa do mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng có thể được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp nhiều hơn. Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T - cho biết, nhu cầu từ thị trường với trái cây này rất lớn. Tuy nhiên, những lô hàng xuất khẩu sầu riêng trái non, thối hỏng bị phát hiện vừa qua dù chiếm tỷ lệ không lớn nhưng tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, chất lượng sầu riêng Việt Nam. Vấn đề là làm sao để có một quy trình chuẩn để cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chất lượng. Quy trình này cần phải giải quyết được vấn nạn sầu riêng cắt non đã và đang xảy ra trong thời gian vừa qua.
Theo Viện Cây ăn quả miền Nam thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nếu như năm 2016, cả nước chỉ có 33.400 ha trồng sầu riêng thì năm 2022 đã có hơn 112.000 ha. Trong năm 2023, diện tích trồng sầu riêng tiếp tục được mở rộng và đạt khoảng 127.000 ha. Trong 2 năm gần đây, nhiều địa phương tăng tốc mở rộng diện tích trồng sầu riêng. Cả nước hiện đã vượt so với định hướng đặt ra khoảng 50.000 ha sầu riêng (Đề án Phát triển cây ăn trái chủ lực đến năm 2025 và 2030 theo Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng phát triển sầu riêng đến năm 2030 khoảng 65.000-75.000 ha). Đây là điều khiến nhiều người lo ngại vấn đề cung - cầu và giá cả sầu riêng sẽ diễn biến phức tạp. |