Việt Nam có nhiều cơ hội để nâng cao năng suất lao động

Năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, sự phát triển của chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng của thị lao động, đòi hỏi lao động Việt Nam phải có kỹ năng nghề và năng lực làm việc để bắt kịp trình độ phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Để hiểu rõ hơn tầm quan trọng, thực trạng năng suất lao động của kinh tế Việt Nam hiện nay và các giải pháp cần thực hiện, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.

Việt Nam có nhiều cơ hội để nâng cao năng suất lao động- Ảnh 1.

Công nhân chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Xin ông cho biết tầm quan trọng và thực trạng năng suất lao động của Việt Nam hiện nay trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới?

Trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội, năng suất lao động là yếu tố quyết định để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi với kinh tế Việt Nam hiện nay, là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt giữa các nền kinh tế, chỉ có nâng cao năng suất lao động mới có thể đứng vững và phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững.

Nhìn lại giai đoạn 2016-2020, năng suất lao động bình quân hàng năm tăng 6,05%, cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm 4,53% của giai đoạn 2011-2015, vượt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW, khóa XII là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 cao hơn 5,5%.

Vào giai đoạn 2021-2025, trong 3 năm 2021-2023, tốc độ tăng năng suất lao động đều thấp hơn mục tiêu được Quốc hội thông qua hằng năm. Bình quân 3 năm 2021-2023, năng suất lao động tăng 4,3%/năm, thấp hơn 2,5 điểm phần trăm so với mục tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Để đạt mục tiêu năng suất lao động giai đoạn 2021-2025 tăng 6,5%, thì năng suất lao động hai năm 2024-2025 phải tăng 9,8%.

Việt Nam có nhiều cơ hội để nâng cao năng suất lao động- Ảnh 2.

Dây chuyền sản xuất phục vụ cho ngành công nghiệp điện tử tại Công ty TNHH Khvatec Thái Nguyên. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Năng suất lao động phản ánh hiệu quả sử dụng lao động tạo ra GDP. Kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu đặt ra yêu cầu gì với thị trường lao động? Với thực trạng năng suất lao động Việt Nam hiện nay, ông đánh giá thế nào về khả năng thực hiện mục tiêu kế hoạch tăng năng suất lao động năm 2024?

Năng suất lao động là chỉ tiêu phái sinh, được tính gián tiếp và phụ thuộc khá nhiều vào kết quả đạt được của chỉ tiêu Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước. Thực tế hiện nay, với quy trình và công nghệ sử dụng trong sản xuất kinh doanh của nền kinh tế còn lạc hậu; Chuyển dịch cơ cấu của toàn nền kinh tế và trong nội ngành công nghiệp chế biến chế tạo còn chậm; Lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ, có kỹ năng, tay nghề còn thấp.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, sự phát triển của chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng của thị trường lao động, đòi hỏi lao động Việt Nam phải có kỹ năng nghề và năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn chung, bao gồm các tiêu chuẩn về lao động, về quản trị thị trường lao động hiện đại theo chuẩn mực quốc tế.

Hiện nay, hằng năm chúng ta đưa ra chỉ tiêu: “Tỷ lệ lao động qua đào tạo” bao gồm cả lao động tự đào tạo, tự nâng cao tay nghề, mà không có bằng cấp, chứng chỉ liệu có phù hợp không? Thống kê chỉ tiêu này nhằm mục đích gì? mang lại lợi ích gì cho các nhà quản lý?

Tôi cho rằng, chúng ta chỉ nên đặt mục tiêu và hằng năm đánh giá việc thực hiện mục tiêu bằng chỉ tiêu “Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ”.

Theo ước tính, ngay cả khi tốc độ tăng GDP năm 2024 đạt 6% - 6,5% khi đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân năm 2024 vẫn khó đạt mục tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua tăng từ 4,8% - 5,3%.

Việt Nam có nhiều cơ hội để nâng cao năng suất lao động- Ảnh 3.

Sản xuất ô tô tại nhà máy của Công ty FORD Việt Nam (liên doanh giữa Tập đoàn Ô tô Ford của Hoa Kỳ và Công ty Diesel Sông Công). Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Thưa ông, năng suất lao động của kinh tế Việt Nam còn thấp, nguyên nhân là do đâu?

Năng suất lao động của kinh tế Việt Nam thấp là do nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, lao động trong khu vực nông nghiệp và khu vực phi chính thức chiếm tỷ trọng cao trong lực lượng lao động của toàn nền kinh tế, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, cơ cấu lao động theo ngành kinh tế chưa hợp lý, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ ở mức thấp, cơ cấu đào tạo không hợp lý, thiếu lao động có tay nghề cao, cả bên cung và bên cầu chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.

Không những thế, chúng ta chưa phát huy được vai trò chủ đạo của năng suất lao động nội ngành; năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp thấp; ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh còn hạn chế, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu.

Đặc biệt, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và toàn bộ hệ thống chính trị chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của năng suất lao động, chưa khẩn trương xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia trung và dài hạn về nâng cao năng suất lao động với các chính sách và giải pháp đột phá.

Xin ông cho biết, thời gian qua, các địa phương trên cả nước đã triển khai thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn và khu vực phi chính thức như thế nào?

Nhiều năm qua, các địa phương đã quan tâm triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn và khu vực phi chính thức. Tuy nhiên, việc đào tạo tràn lan, không định hướng, đào tạo cho đủ chỉ tiêu chứ không quan tâm đến chất lượng hay đầu ra cho học viên đã dẫn đến tình trạng lao động vừa thừa, vừa thiếu, tỷ lệ lao động được đào tạo đúng ngành nghề còn thấp.

Những bất cập này dẫn đến tình trạng lao động, nhất là lao động ở nông thôn được đào tạo nghề phù hợp, có việc làm còn thấp. Bên cạnh đó, nhiều lao động trẻ, lao động phổ thông không thiết tha với việc học nghề.

Vì vậy, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt thấp, không đạt mục tiêu đã được thông qua. Vấn đề lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ thấp; tỷ lệ lao động trong nông nghiệp và khu vực phi chính thức ở mức cao đang đặt ra áp lực lớn để tạo việc làm bền vững và tăng năng suất lao động của nền kinh tế.

Việt Nam có nhiều cơ hội để nâng cao năng suất lao động- Ảnh 4.

HTX Rau sạch Yên Dũng là đơn vị tiên phong của tỉnh Bắc Giang ứng dụng công nghệ cao và áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Danh Lam, Minh Quyết/TTXVN

Thưa ông, Chính phủ cần làm gì để nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế nước ta phù hợp với những thay đổi của kinh tế thế giới?

Trước thực trạng năng suất lao động nước ta còn thấp, để từng bước rút ngắn khoảng cách về mức năng suất lao động với các nước trong khu vực và trên thế giới, tôi cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành cần triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau: Khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động Việt Nam. Định kỳ đánh giá, bổ sung, cập nhật Chiến lược này phù hợp với những thay đổi mau lẹ của kinh tế thế giới. Chủ động dự báo các biến cố, xu hướng thay đổi của kinh tế thế giới; nhận diện, đánh giá tác động của những cơ hội và thách thức đến từ các thay đổi này đối với kinh tế nước ta.

Cùng với đó, cạnh tranh lành mạnh trên tất cả các thị trường là nền tảng quan trọng để nâng cao năng suất lao động. Vì vậy, Chính phủ cần thực hiện cải cách và hoàn thiện thể chế nhanh hơn, hiệu quả hơn để khơi thông và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước; đồng thời, đổi mới cơ chế giao nghiên cứu, quản lý, đánh giá các hoạt động hoạt động nghiên cứu và phát triển trong quá trình sản xuất, đảm bảo mức kinh phí 2% GDP hằng năm.

Chính phủ cần có giải pháp phù hợp đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đặc biệt đối với ngành công nghiệp chế biến chế tạo để tạo dựng và phát triển các ngành công nghiệp mới, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các ngành hiện có. Cơ cấu lại nền kinh tế phải phù hợp với xu hướng thay đổi của kinh tế thế giới. Cơ cấu lại từng ngành theo hướng phát huy lợi thế so sánh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Mặt khác, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng chiến lược, với các giải pháp toàn diện, đồng bộ, kế hoạch và lộ trình thực hiện chi tiết, cụ thể để tạo dựng và phát triển một số ngành, lĩnh vực sẽ đóng vai trò là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế như: lĩnh vực công nghệ cao, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; kinh tế tuần hoàn; năng lượng tái tạo.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương nghiên cứu xu hướng chuyển đổi nhu cầu lao động của thế giới và khu vực; xác định ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển trong những năm tới của toàn nền kinh tế, từng vùng, miền và địa phương.

Nâng cao năng suất lao động đang là thách thức đối với kinh tế Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có nhiều tiềm năng, dư địa và cơ hội để nâng cao năng suất lao động. Chính phủ cần đặc biệt quan tâm, xây dựng và khẩn trương triển khai hiệu quả các giải pháp nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/viet-nam-co-nhieu-co-hoi-de-nang-cao-nang-suat-lao-dong-a99750.html