Oishii không trồng những quả dâu tây thường thấy. Công ty này đã bán ra một hộp dâu tây với 6 quả cực lớn với giá 50 USD tại Whole Foods.
Những quả dâu tây của công ty có trụ sở tại New Jersey cũng không có mùi vị như các loại dâu tây mà bạn đã thưởng thức: Chúng ngọt ngào hơn. Những quả dâu tây đặc biệt - với hương vị, mùi thơm và “kết cấu giống như bơ” được ra đời tại ba nông trại thẳng đứng (vertical farm) bao gồm hai ở New Jersey và một ở Los Angeles.
“Dâu tây của công ty có độ ngọt trung bình cao hơn từ hai đến ba lần so với loại dâu được trồng thông thường ở Mỹ", đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Oishii, Hiroki Koga cho biết. “Một khi bạn nếm thử loại quả của chúng tôi, đó sẽ đơn giản là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt”.
Koga, một cựu cố vấn nông trại thẳng đứng ở Nhật Bản, nhập cư đến California để theo học chương trình MBA của UC Berkeley vào năm 2015. Đi mua sắm tại một khu chợ địa phương, anh nhận thấy dâu tây Mỹ trông “bóng, to và ngon”, nhưng thực ra “nhiều nước và thiếu hương vị".
Sau khi tốt nghiệp năm 2017, Koga và người đồng sáng lập Brendan Somerville, một sinh viên mới tốt nghiệp MBA ở UCLA, bắt đầu tự tay xây dựng một trang trại dâu tây thẳng đứng và không theo một kế hoạch cụ thể nào. Vào thời điểm đó, các trang trại thẳng đứng chủ yếu trồng các loại rau xanh. Đây là loại cây phát triển tương đối nhanh và không cần ong thụ phấn để lớn. Trước đây Koga chưa bao giờ thực sự tự mình xây dựng một mô hình như vậy dù có kinh nghiệm về tư vấn.
Dâu tây của Oishii có thể được bán với giá 50 USD một hộp 6 quả. Ảnh: Oishii
Somerville và Koga đã xem video trên YouTube để tìm cách phát triển trang trại và dành một năm với các chuyên gia tư vấn để tìm ra cách duy trì môi trường thích hợp cho cả dâu tây và ong cần thụ phấn cho cây.
Kết quả là: Các nông trại thẳng đứng của Oishii vừa xanh hơn vừa sạch hơn so với một trang trại thông thường. Và mặc dù những hộp dâu tay 50 USD thường xuyên được bán hết, công ty gần đây đã giảm giá xuống còn 20 USD mỗi hộp. Đây là một bước hướng tới mục tiêu cuối cùng là làm cho thực phẩm thân thiện với môi trường có thể tiếp cận được với tất cả mọi người, không chỉ những người có tiền.
Năm ngoái, Oishii đã gọi vốn 50 triệu USD trong vòng Series A, nâng tổng số tiền startup này huy động được từ khi thành lập lên 55 triệu USD.
Dưới đây là những gì khách hàng sẽ nhận được khi trả 20 USD cho một hộp gồm 6 quả cực lớn, 8 quả lớn hoặc 11 quả cỡ vừa:
Độ ngọt đảm bảo và có thể đo lường được
Trang trại thẳng đứng lớn nhất của Oishii ở thành phố Jersey, New Jersey. Với diện tích 74.000 feet vuông (khoảng hơn 6.800 m2), đây cũng là trang trại thẳng đứng lớn nhất trên thế giới, theo Koga. Cơ sở này có trang trại thẳng đứng, văn phòng và phòng thí nghiệm. Ở đây, các quả dâu tây của mỗi vụ thu hoạch được kiểm tra độ Brix, hoặc đơn vị hàm lượng đường cho biết độ ngọt.
“Các trang trại thông thường ở Mỹ có thể cho ra đời những quả dâu tây có độ Brix ở trong khoảng từ 4 đến 7 hoặc 8. Nếu bạn thực sự may mắn, thì sẽ là 9”, Koga nói. “Tùy thuộc vào mùa, dâu tây của chúng tôi luôn có độ Brix từ 10 đến 15. Đó là một chất lượng hoàn toàn khác".
Dâu tây ở cửa hàng tạp hóa thường được chế biến để bảo quản, tẩm thuốc trừ sâu và hái khi chưa chín. Đó là cách dâu tây California có thể vào bếp ở Trung Tây hoặc bờ Đông - nhưng nó phải trả giá bằng độ mềm và ngon của quả mọng.
Oishii thậm chí không cố gắng xử lý vấn đề tương tự: Công ty chỉ giao hàng và bán tại các cửa hàng trong bán kính khoảng 20 dặm (khoảng hơn 30km) từ các nông trại thẳng đứng của mình. Koga thừa nhận vận chuyển dâu tây trên toàn quốc sẽ cải thiện doanh số bán hàng tuy nhiên các trang trại của Oishii đã sản xuất dâu ở công suất tối đa. Đồng thời việc vận chuyển đến những khoảng cách xa hơn có thể làm giảm chất lượng của dâu tây, vốn được trồng ở nhiệt độ thấp để giữ được độ tươi.
Koga nói: “Chúng tôi không muốn chỉ là một công ty xã hội và bền vững mà còn thực sự muốn cung cấp một sản phẩm tốt hơn những gì hiện có”.
Ít ảnh hưởng đến môi trường hơn
Với mỗi một hộp 6 quả dâu tây có giá 50 USD sẽ tương ứng một quả dâu tây có giá 8,33 USD.
Tuy nhiên, ngay cả khi giá giảm còn 20 USD/hộp và 3,33 USD cho mỗi quả - cái giá vẫn đắt.
Dâu tây Oishii không dùng thuốc trừ sâu và sử dụng ít nước hơn so với các phương pháp truyền thống. Ảnh: Oishii |
Koga cho biết chi phí phản ánh cả chất lượng trái cây và giá trị sản xuất của nó. Dâu tây Oishii được trồng không dùng thuốc trừ sâu, và sử dụng ít nước hơn so với các phương pháp canh tác truyền thống, không lấy đi chất dinh dưỡng của đất nông nghiệp.
Koga nói: “Đôi khi mọi người hỏi chúng tôi rằng 'Bạn có đang lấy đi việc làm của người nông dân không? Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, bởi vì chúng ta không có đủ số lượng người nông dân để nuôi dân số ngày càng tăng của thế giới, và canh tác thẳng đứng cho phép chúng tôi trồng trọt hiệu quả hơn nhiều".
Đó là một phần lý do khiến Oishii thay đổi giá bán của mình mặc dù công ty thường xuyên bán hết hộp có giá 50 USD. Chứng minh rằng canh tác thẳng đứng có thể tạo ra sản phẩm giá cả phải chăng. Và mức giá đó có thể khuyến khích sự thay đổi nông nghiệp - một ngành trị giá 1.000 tỷ USD chỉ riêng ở Mỹ vào năm 2020, theo Bộ Nông nghiệp quốc gia này.
Cho đến lúc đó, các trang trại của Oishii vẫn cần chi phí lớn để hoạt động. Nhưng Koga nhấn mạnh, công nghệ mới thường đi theo một lộ trình tương tự, bắt đầu phức tạp và cực kỳ đắt đỏ trước khi cuối cùng trở nên hợp lý hơn, giá cả phải chăng và phổ biến hơn, như điện thoại thông minh và xe điện.
“Chúng tôi đã đưa ra một lý do hợp lý cho mức giá, đó là cung cấp một thứ gì đó chưa tồn tại trên thị trường”, anh nói.
Koga cho biết bước tiếp theo của Oishii là mở rộng sang các sản phẩm khác - trước tiên có thể là cà chua và dưa - trong khi cân nhắc chi phí và thời gian của việc xây dựng thêm các cơ sở canh tác thẳng đứng để đáp ứng nhu cầu.
“Chúng tôi rất tự tin sẽ làm cho điều này hiệu quả hơn nữa trong 5 năm, 10 năm tới và thực sự đạt đến điểm mà canh tác theo phương thẳng đứng trở thành tiêu chuẩn mới. Sản phẩm được tạo ra từ phương thức này thậm chí còn có giá cả phải chăng hơn so với các sản phẩm thông thường”, anh nói.