Vingroup, Masan, Novaland… và loạt doanh nghiệp lớn lên kế hoạch vay vốn nhiều tỷ USD từ nước ngoài

Trong bối cảnh huy động vốn từ thị trường trái phiếu trong nước gặp khó khăn, nguồn vốn tín dụng bị hạn chế, nhiều tập đoàn lớn trong nước như Vingroup, Masan, Novaland... liên tục đẩy mạnh tìm kiếm nguồn vốn trên thị trường quốc tế. Đáng chú ý, riêng nhóm doanh nghiệp liên quan Vingroup đã huy động gần 6 tỷ USD trong 2 năm qua.

Là tập đoàn đa ngành lớn với nhiều mục tiêu mở rộng ra thị trường quốc tế, mới đây, Masan Group đã phê duyệt nghị quyết vay tối đa lên tới 250 triệu USD với BNP Paribas, Credit Suisse AG – chi nhánh Singapore, Standard Chartered Bank (Singapore) Limited, The Hong Kong and Shanghai Banking Corporation Limited – chi nhánh Singapore và các bên khác (nếu có). The Sherpa - một công ty con của Masan cũng được phê duyệt hợp đồng vay tối đa 350 triệu USD với các bên nêu trên.

Ngoài ra, kế hoạch năm 2022, Masan Group dự kiến phát hành 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi, không có bảo đảm và không kèm chứng quyền. Mục đích nhằm thực hiện đầu tư dự án của công ty, góp vốn vào công ty con, bổ sung vốn cho các hoạt động và cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài.

Có thể thấy, thị trường trái phiếu là kênh dẫn vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế. Do đó, trong bối cảnh huy động vốn từ thị trường trái phiếu trong nước gặp khó khăn, nguồn vốn tín dụng bị hạn chế, việc nhiều tập đoàn lớn trong nước như Vingroup, Masan, Novaland... đẩy mạnh tìm kiếm nguồn vốn trên thị trường quốc tế với số vốn huy động được lên đến hàng tỷ USD đã mở ra một xu thế lớn cho loạt doanh nghiệp trong nước.

Để sớm hiện thực hóa mục tiêu mở rộng quy mô nhà máy tại Mỹ, VinFast vừa qua đã ký kết Thỏa thuận khung, chỉ định ngân hàng Credit Suisse (Singapore) Ltd. là bên thu xếp cho các đợt phát hành, chào bán chứng khoán của VinFast hoặc công ty con trên toàn cầu với quy mô tối thiểu 2 tỷ USD, và chỉ định Citigroup Global Markets Inc (Mỹ) là bên tư vấn cho quá trình huy động bổ sung tối thiểu 2 tỷ USD nữa để xây dựng nhà máy của VinFast tại Bắc Carolina (Mỹ).

Không chỉ có VinFast, các đơn vị hoạt động trong nước còn lại của Vingroup cũng tiến hành huy động vốn quốc tế rất lớn. Nămm 2022, Vingroup dự kiến tiến hành huy động 1,5 tỷ USD từ phát hành trái phiếu quốc tế, đến hiện tại đã hoàn tất huy động 625 triệu USD qua 2 đợt phát hành.

Cụ thể hồi tháng 5, tập đoàn này huy động thành công 525 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế trên cơ sở quy định của Đạo luật Chứng khoán 1933 của Hoa Kỳ với kỳ hạn 5 năm. Đến tháng 6 vừa qua, Vingroup tiếp tục hoàn tất huy động 100 triệu USD với kỳ hạn 59 tháng.

Vinpearl - công ty con thuộc hệ sinh thái Vingroup cũng huy động 425 triệu USD trái phiếu quốc tế vào năm ngoái. Credit Suisse, The Hongkong and Shanghai Banking (HSBC) và BNP Paribas là các ngân hàng đồng bảo lãnh phát hành cho thương vụ trên.

Như vậy, riêng nhóm doanh nghiệp liên quan Vingroup đã và sẽ huy động gần 6 tỷ USD.

Ngoài ra, thị trường còn ghi nhận hàng loạt đợt phát hành trái phiếu ra thị trường nước ngoài với tổng giá trị tỷ USD của loạt doanh nghiệp bất động sản.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, HĐQT Đất Xanh bổ sung kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi với tổng giá trị dự kiến 300 triệu USD, tương đương 7.000 tỷ. Ông Lương Trí Thìn cho biết trái phiếu chuyển đổi này sẽ hoàn tất vào quý 2-3/2022. Đối tượng phát hành là đối tác chiến lược tổ chức nước ngoài, kỳ hạn trái phiếu dự kiến 5 năm, không có tài sản đảm bảo.

Công ty CP Bất động sản BIM cũng phát hành thành công 200 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế và Novaland huy động thành công 250 triệu USD từ Warburg Pincus. Năm ngoái, Novaland cũng huy động được 300 triệu USD....

Ngoài ra, thị trường chứng khoán nửa năm qua ghi nhận nhiều đợt biến động lịch sử, các CTCK theo đó cũng không nằm ngoài xu thế vay vốn nước ngoài. Cả năm 2021 và 2022, SSI huy động tổng cộng 266 triệu USD, VCSC huy động 200 triệu USD...

Nhiều ngân hàng đua vay vốn quốc tế

Mới đây nhất vào tháng 6/2022, Techcombank vừa huy động thành công khoản vay nước ngoài trị giá lên tới 1 tỷ USD. Cho đến nay, đây là khoản tín dụng trung dài hạn có trị giá lớn nhất của một định chế tài chính Việt Nam trên thị trường hợp vốn quốc tế.

Đây là lần thứ ba Techcombank tiếp cận thị trường hợp vốn nước ngoài, sau khi hoàn tất huy động khoản vay đầu tiên trị giá 500 triệu USD vào năm 2020 và khoản vay thứ hai trị giá 800 triệu USD vào năm 2021.

Cũng trong tháng 6, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) xác nhận thông qua khoản vay 200 triệu USD cho SeABank. Hồi đầu năm SeABank cũng đã được Tổ chức tài chính quốc tế - IFC và 5 quỹ đầu tư quốc tế.

Cuối tháng 4/2022, VPBank rút vốn thành công toàn bộ khoản vay hợp vốn quốc tế trị giá 600 triệu USD, kỳ hạn 3 năm. Cuối năm 2021, VPBank cũng đã liên tiếp hai lần huy động thành công các khoản vay hợp vốn có tổng trị giá 300 triệu USD.

Ngoài ra, còn có Ngân hàng Quốc Tế (VIB) công bố thỏa thuận khoản vay hợp vốn trị giá 260 triệu USD, HDBank ký kết thỏa thuận hợp tác với đối tác chiến lược với tổng giá trị thực hiện từ 200-300 triệu USD,...

Như vậy đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của các doanh nghiệp trong nước lên đến hàng tỷ USD. Trong đó, nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng chiếm tỉ lệ vay vốn áp đảo. 

https://cafef.vn/vingroup-masan-novaland-va-loat-doanh-nghiep-lon-len-ke-hoach-vay-von-nhieu-ty-usd-tu-nuoc-ngoai-2022071811210291.chn

Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/vingroup-masan-novaland-va-loat-doanh-nghiep-lon-len-ke-hoach-vay-von-nhieu-ty-usd-tu-nuoc-ngoai-a996.html