Những năm tháng không thể nào quên
Nhà đày Buôn Ma Thuột (phường Tự An, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) có diện tích rộng 2ha, với nhiều hạng mục công trình như: nhà lao giam giữ, nhà quản lý, nhà y tế, bếp - ăn, nhà giáo huấn, khu tra tấn, nhà xưởng, nhà nguyện, khu bàn giấy... Bao quanh nhà đày là bốn bức tường cao, có dây thép gai chi chít.
Nhà đày Buôn Ma Thuột được thực dân Pháp xây dựng vào những năm 1930 – 1931 nhằm làm công cụ đàn áp, khủng bố đối với lực lượng Cách mạng Việt Nam. Đây là nơi đày ải và giam giữ những người yêu nước, chiến sĩ cộng sản bị bắt, bị xử án nặng chủ yếu ở các tỉnh Trung Kỳ, đặc biệt là những lãnh đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Theo đó, sau khi thành án, các tù nhân được đưa đến Nhà đày Buôn Ma Thuột. Tùy theo mức án và “mức độ nguy hiểm”, tù nhân bị cùm chân hay không. Quá trình giam giữ tại đây, các tù nhân phải lao động vất vả ở các công trường, đồn điền hay trong nhà xưởng dưới sự giám sát chặt chẽ của quản giáo, cai ngục. Không chỉ vậy, tù nhân, đặc biệt là tù chính trị còn thường xuyên đối diện với những “cơn mưa” đòn roi, tra tấn tàn nhẫn.
Chưa dừng lại ở đó, mỗi khi tù nhân tổ chức các cuộc đấu tranh thì liền bị chủ ngục cô lập, nhốt vào phòng riêng trong khu xà lim. Đây cũng chính là nơi biệt giam các chiến sĩ trung kiên, những người đứng đầu trong các cuộc đấu tranh, biểu tình và vượt ngục. Ở đây, mỗi người bị giam trong một phòng rộng khoảng 2m2, tối tăm ẩm thấp, bị cùm chân 24/24 và mọi sinh hoạt ăn uống, vệ sinh đều thực hiện tại chỗ và không được tiếp xúc với bất kỳ ai bên ngoài.
Không chỉ vậy, Nhà đày Buôn Ma Thuột cũng là một trong những nhà đày nổi tiếng mà thực dân Pháp đã sử dụng các hình thức giam giữ, tra tấn tàn ác nhất Đông Dương đối với các chiến sĩ cộng sản qua nhiều thế hệ. Chúng đã sử dụng mọi biện pháp tàn bạo và thâm độc để tiêu diệt lực lượng yêu nước, cách mạng, đặc biệt tiêu diệt các chiến sĩ tiên phong tổ chức và lãnh đạo phong trào quần chúng.
Tinh thần chiến đấu quật cường
Thế nhưng, những gian khổ và sự áp bức tàn nhẫn của quân xâm lược không khuất phục được ý chí của những người yêu nước, các chiến sĩ cộng sản. Vượt qua những thách thức, các tù nhân cộng sản đã từng bước biến đau thương thành hành động bất khuất, biến chính Nhà đày Buôn Ma Thuột thành trường học Cách mạng.
Cụ thể, trong chính những ngày tháng tù đày, các chiến sĩ cộng sản đã tổ chức hội họp và học tập lý luận. Nhiều người đã tự soạn tài liệu để dạy học cho nhau ngay trong nhà đày. Bằng rất nhiều cách, họ đã thoát khỏi sự kìm kẹp và giám sát của cai ngục, những truyền đơn, tài liệu, sách vở vẫn được truyền tay nhau ở trong nhà lao. Cứ thế, từng viên sỏi, chiếc đũa, cái thìa gỗ... cũng trở thành phương tiện liên lạc của các chiến sĩ cộng sản ngay chính nơi họ bị giam giữ.
Bất chấp mọi cực hình, các chiến sĩ Cách mạng không ngừng rèn luyện, tu dưỡng bản thân về lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh không khuất phục. Trong số gần 4.000 lượt tù nhân chuyển đến Nhà đày Buôn Ma Thuột, đã có không ít những chiến sĩ cộng sản được “tôi luyện” để trở thành lãnh đạo cốt cán của Đảng và Chính phủ như các đồng chí: Võ Chí Công, Nguyễn Chí Thanh, Đoàn Khuê, Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Y Blốk Êban,…
Đáng chú ý, dưới chế độ hà khắc của thực dân Pháp, tù nhân tại Nhà đày Buôn Ma Thuột đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền lợi, trong đó nổi bật là cuộc đấu tranh 45 ngày đêm. Vào tháng 6/1937, hơn 700 tù nhân tổ chức đình công đòi thi hành chế độ tù chính trị với khẩu hiệu: “Thả tù chính trị. Thi hành chế độ tù chính trị. Thay gác ngục...”. Trước sức ép của cuộc đấu tranh và dư luận xã hội, đến sáng ngày thứ 45, chủ ngục buộc phải thực hiện quy chế “Tù chính trị”, đơn của tù nhân được giải quyết, đồng nghĩa với cuộc đấu tranh giành được thắng lợi.
Tiếp đó, năm 1940, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại Đắk Lắk được thành lập tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Đây là nhân tố quyết định đến thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Đắk Lắk, góp phần đưa Cách mạng tháng Tám năm 1945 tới thành công. Cũng từ hạt nhân Chi bộ Đảng đầu tiên đó đã gieo mầm, tạo những “hạt giống” đầu tiên cho Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk. Nhiều người thuộc các dân tộc thiểu số vốn làm việc cho chính quyền thực dân nhưng được những người cộng sản cảm hóa, giáo dục đã trở thành những cán bộ Cách mạng, có uy tín lớn đối với các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.
Đến tháng 4/1945, một số đảng viên ở Nhà đày Buôn Ma Thuột đã thành lập Hội Việt Minh tại Đồn điền cà phê CADA (đây là một trong những đồn điền đầu tiên ở Đắk Lắk ra đời trước năm 1923). Các đảng viên tại đồn điền đã xây dựng Ban lãnh đạo công nhân CADA, Đội tự vệ CADA để bảo vệ và lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục công nhân tham gia vào các tổ chức của Mặt trận Việt Minh như: Công nhân Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc...
Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà đày Buôn Ma Thuột được giải vây, các tù nhân cộng sản được giải phóng. Nhưng đến năm 1954, khi Mỹ xâm lược nước ta, chúng tiếp tục sử dụng nơi đây để giam giữ tù nhân.
Từ năm 1954-1975, đế quốc Mỹ đã xây dựng một bức tường ngăn đôi Nhà đày, Buôn Ma Thuột, một bên là trung tâm cải huấn, một bên là kho quân nhu. Đồng thời, mở hai cổng mới ở phía Tây của nhà đày, xây thêm nhà nguyện, phòng biệt giam, nhà lao nữ… phục vụ mưu đồ giam giữ và tra khảo tù nhân. Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, thống nhất đất nước, cũng là lúc Nhà đày Buôn Ma Thuột được giải tán.
Những năm tháng đấu tranh kiên cường, dũng cảm và oanh liệt tại Nhà đày Buôn Ma Thuột đã trở thành bản anh hùng ca về chủ nghĩa yêu nước, ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc, bảo vệ nền độc lập nước nhà. Đây là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk nói riêng và của cả nước nói chung.
Với những giá trị lịch sử to lớn, năm 1980, Nhà đày Buôn Ma Thuột được Bộ Văn hóa và Thông tin đặc cách xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia. Đến ngày 24/12/2018 được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Nơi đây đã trở thành biểu tượng hết sức tự hào của tỉnh Đắk Lắk và cả nước, khắc đậm dấu ấn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là một mốc son lịch sử.
Ông Đinh Một - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk cho biết, Nhà đày Buôn Ma Thuột nằm giữa trung tâm thành phố, là “địa chỉ đỏ” thu hút người dân và du khách đến tham quan, đến tri ân, tìm hiểu về quá khứ hào hùng của dân tộc và văn hóa – lịch sử vùng đất Đắk Lắk anh hùng. Hiện tỉnh đang tập trung gìn giữ Nhà đày Buôn Ma Thuột trở thành điểm nhấn văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, góp phần bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, phát triển du lịch địa phương.
Khánh Ngọc
Link nội dung: https://doanhnghiepthoinay.com/nha-day-buon-ma-thuot-va-ban-anh-hung-ca-thoi-bung-ngon-lua-cach-mang-a99568.html